Liên kết bảo tồn nét đẹp văn hóa bản địa
Phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc địa phương đang được nhiều HTX ở vùng dân tộc thiểu số chú trọng. Điều này không chỉ giúp các HTX khẳng định được giá trị trên thị trường mà còn giữ gìn và thúc đẩy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.
Đến Sa Pa (Lào Cai), không khó bắt gặp cảnh người dân là đồng bào dân tộc thiểu số mặc những trang phục truyền thống sặc sỡ làm du lịch cộng đồng. Và các HTX chính là ngôi nhà chung để gắn kết các thành viên cùng chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác phát triển dịch vụ, du lịch.
Biến di sản thành tài sản
Sự phát triển của các HTX du lịch không chỉ tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số mà còn tạo ra sức hấp dẫn đối với du khách gần xa nhờ làm nổi bật được những giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của chính địa phương mình.
Nhiều khách du lịch đến HTX du lịch Sapa Sha (thôn Hầu Chư Ngài, xã Hầu Thào, thị xã Sa Pa) đều yêu thích khám phá cảnh quan và bản sắc văn hóa của vùng đất, con người nơi đây. Các thành viên trong HTX đều là đồng bào người Mông, Giáy…sinh ra, lớn lên trên vùng “cổng trời” nên luôn tự hào khi hướng dẫn, giới thiệu với du khách về vẻ đẹp của quê hương, những phong tục, tập quán gắn với sinh hoạt đời thường của người dân. HTX cũng phát triển, thành lập các tổ nghề dệt, thêu thổ cẩm, chạm bạc... để tạo môi trường, dịch vụ trải nghiệm phục vụ khách du lịch, đồng thời mang lại sinh kế cho bà con theo phương châm "biến di sản thành tài sản".
Ông Giàng A Tùng, Giám đốc HTX du lịch Sapa Sha, cho biết mỗi dịch vụ của HTX như xây dựng homestay, nhà nghỉ, ẩm thực… đều có dấu ấn của đồng bào dân tộc bản địa. Các khu nhà đón khách, nhà ăn đều là nhà sàn có kiến trúc độc đáo của người Mông.
Phần trang trí trong nhà được các thành viên cân nhắc, trưng bày bằng các loại nhạc cụ, công cụ lao động, vải thổ cẩm truyền thống địa phương... Với việc bài trí như vậy, các thành viên mong muốn thể hiện được sự trân trọng trước những giá trị văn hóa của người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.
“Chúng tôi muốn tận dụng những nét riêng nhất trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa pa để phát triển du lịch địa phương. Nhưng trên hết, chúng tôi muốn đem những giá trị, di sản văn hóa ấy quảng bá đến đông đảo du khách để họ thấy rằng, Sa Pa nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung đang có những giá trị độc đáo mà không quốc gia nào có được”, ông Giàng A Tùng chia sẻ.
Còn tại thôn Sảng Pả A (thị trấn Mèo Vạc, Mèo Vạc, Hà Giang), việc thành lập HTX thổ cẩm Lô Lô đang góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương.
Đến nay, HTX chính là địa điểm tổ chức các lớp dạy nghề, truyền kinh nghiệm cho lớp trẻ. Nhiều phụ nữ địa phương cũng tích cực tham gia các lớp truyền nghề nhằm khôi phục lại nghề thêu truyền thống của dân tộc mình.
Theo bà Lùng Thị Minh, Giám đốc HTX, việc thêu hoàn toàn bằng tay, chỉ có sự hỗ trợ bằng vải thay vì dùng khung cửi chính là nét khác biệt trong làm thổ cẩm của đồng bào Lô Lô. Tham gia HTX không chỉ giúp giữ gìn nét đẹp truyền thống của dân tộc, mà nghề thêu thổ cẩm còn đang đem lại thu nhập cho người dân.
Hiện tại, HTX cung cấp khoảng 40 loại sản phẩm ra ngoài thị trường như quần áo, túi xách, gối, khăn trải bàn, khăn quấn đầu, mũ, bờm tóc, nơ tóc... HTX cũng là điểm đến trải nghiệm du lịch của nhiều du khách ở trong và ngoài nước.
Đa giá trị
Có thể thấy, nhiều HTX ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đang lấy thế mạnh, bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương mình làm nền tảng để phát triển các dịch vụ, từ đó tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho thành viên và người dân bản địa.
Việc này không chỉ làm đa dạng các sản phẩm du lịch, giúp cho du khách có thêm trải nghiệm mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cộng đồng địa phương, bảo tồn nét văn hóa bản địa. Tiêu biểu như tại HTX thổ cẩm Lô Lô, việc truyền dạy cho du khách cách thêu dệt những loại hoa văn, họa tiết thổ cẩm của người Lô Lô đã đem lại cho du khách sự hứng khởi, vui thích. Họ cũng cảm nhận được sự độc đáo, khác biệt của thổ cẩm Lô Lô so với các địa phương khác. Ngoài ra, nghề dệt cũng mang lại nguồn thu từ 2-3 triệu đồng/tháng cho các thành viên giúp họ nâng cao đời sống. Việc tiếp cận với khách du lịch cũng giúp các thành viên có thêm nhiều ý tưởng để làm ra những sản phẩm từ thổ cẩm Lô Lô.
Đặc biệt, một điểm khá sáng tạo của các HTX tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số là đã biết kết hợp phát triển các ngành nghề truyền thống của địa phương gắn với làm dịch vụ du lịch. Bởi trong những năm gần đây, du lịch trải nghiệm, du lịch khám phá là một xu hướng. Du lịch giúp gia tăng sức tiêu thụ của các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp địa phương đồng thời là công cụ giảm nghèo hiệu quả, bền vững.
Không những thế, một mô hình du lịch kết hợp phát triển ngành nghề, dịch vụ hiệu quả có thể mang lại kiến thức cho du khách về những ngành nghề truyền thống, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo vệ môi trường...
Anh Giàng A La, Giám đốc HTX Dịch vụ du lịch và nông nghiệp Hang Kia (Mai Châu, Hòa Bình) cho biết, khách du lịch đến với HTX sẽ được trải nghiệm làm vườn và các nghề thủ công của đồng bào Mông. Với diện tích đất hơn 20 ha, HTX trồng nhiều loại cây ăn quả như đào, mận, cam… Khách sẽ được trải nghiệm hái quả ngay trong vườn nhà và tham gia những hoạt động văn hóa đặc sắc như vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó…
Homestay của HTX Hang Kia đón hàng trăm lượt khách mỗi tháng giúp doanh thu trung bình mỗi năm đạt khoảng gần 1 tỷ đồng. Không chỉ thành công trong phát triển kinh tế, góp phần thay đổi diện mạo quê hương, mô hình du lịch cộng đồng của HTX còn bảo tồn và phát triển những nghề truyền thống của địa phương. Bởi trải qua thời gian những ngành nghề như vẽ sáp ong, nhuộm chàm, làm giấy dó đã từng rơi vào cảnh mai một.
Nâng bản sắc văn hóa
Để nâng cao chất lượng, tìm lại chỗ đứng trên thị trường cho sản phẩm truyền thống, nhiều HTX hiện nay còn chú trọng việc gắn sao cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Tiêu biểu như HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ du lịch bản Lác (Chiềng Châu, Mai Châu, Hòa Bình) đã đưa sản phẩm thổ cẩm tham gia chương trình OCOP và hiện đã được đánh giá đạt 4 sao.
Chị Lò Thị Dị, Giám đốc HTX cho biết mỗi loại hoa văn trên từng tấm thổ cẩm đều gắn với truyền thống văn hóa của người Thái ở Hòa Bình. Thổ cẩm dệt tay của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao đã góp phần nâng tầm sản phẩm, quảng bá truyền thống văn hóa của người Thái tới muôn nơi.
Tuy nhiên, để có được điều đó, HTX phải đảm bảo yêu cầu như có giấy công bố chất lượng sản phẩm, có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc. Quá trình sản xuất thổ cẩm, thành viên đều phải có kế hoạch bảo vệ môi trường. Sản phẩm cũng phải có mẫu mã, bao bì đẹp, độc đáo… mới đáp ứng được các tiêu chí của Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.
Còn tại Quỳ Châu (Nghệ An), HTX thổ cẩm Hoa Tiến đã góp phần đưa bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến thành sản phẩm 4 sao OCOP. Đây là một bước ngoặt quan trọng bởi Châu Tiến vốn là bản vùng sâu, vùng xa và hơn hết một mô hình du lịch cộng đồng là sản phẩm OCOP còn khá mới mẻ với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa sản phẩm dệt thổ cẩm Quỳ Châu và du lịch cộng đồng đã tạo thành nét văn hóa đặc sắc của xứ Nghệ.
Theo các chuyên gia, hiện nay, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ bị ảnh hưởng bởi lối sống hiện đại nên ít biết đến hoặc không mặn mà với các giá trị truyền thống của chính dân tộc mình. Người Vân Kiều, người Dao, người Mông... biết dệt thổ cẩm, biết làm các nghề thủ công truyền thống còn quá ít dẫn tới lu mờ những giá trị truyền thống bản địa.
Do đó, trong khả năng của mình, nhiều HTX đã tích cực học hỏi để lưu giữ, phát triển những ngành nghề truyền thống, những sản phẩm cổ, cầu kỳ… để giới thiệu đến mọi người, du khách về nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình thông qua việc tham gia các buổi xúc tiến thương mại, phát triển du lịch…, từ đó góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của các đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương, đồng thời giữ gìn được sự đa dạng, độc đáo về văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Tuy nhiên, không ít HTX này đang gặp khó vì chưa hoàn thiện bộ máy tiếp đón và phục vụ khách, thiếu nguồn lực để tập huấn, nâng cao nghiệp vụ và nhận thức của cộng đồng người người dân bản địa để cùng làm du lịch. Chính vì vậy, rất cần thêm những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của địa phương, cũng như tiếp cận với hệ sinh thái khởi nghiệp để giúp các HTX tìm giải pháp phát triển các ngành nghề truyền thống, du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị văn hóa truyền thống địa phương một cách thuận lợi.