Liên Hợp Quốc: Nạn đói nghiêm trọng hơn trong khi tiền viện trợ ít đi

Nạn đói toàn cầu đang gia tăng trong khi tổng viện trợ nhân đạo từ các quốc gia giàu có cho Liên Hợp Quốc (LHQ) đang giảm dần. Các cơ quan cứu trợ lo ngại nguồn ngân sách hỗ trợ để giải quyết nạn đói sẽ càng eo hẹp nhà tài trợ hàng đầu Hoa Kỳ có thể cắt giảm mạnh viên trợ trong nhiệm kỳ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Các nước cắt giảm viện trợ

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, số lượng người thiếu thốn lương thực trên khắp thế giới đang gia tăng, trong khi số tiền mà các quốc gia giàu có nhất thế giới viện trợ đang giảm dần. Kết quả là, cơ quan cứu trợ quốc tế sẽ chỉ có thể quyên góp đủ tiền cho khoảng 60% trong số 307 triệu người mà họ dự đoán sẽ cần viện trợ nhân đạo vào năm tới. Điều đó có nghĩa là ít nhất 117 triệu người sẽ không nhận được thực phẩm hoặc hỗ trợ khác trong năm 2025.

 Nguồn: globalparliamentofmayors.org

Nguồn: globalparliamentofmayors.org

Trong năm 2024, các cơ quan của LHQ huy động được khoảng 46% trong số 49,6 tỷ USD viện trợ mà họ kêu gọi. Đây là năm thứ hai liên tiếp LHQ huy động được ít hơn một nửa số tiền mà họ kêu gọi. Tình trạng thiếu hụt nguồn viện trợ đã buộc các cơ quan nhân đạo phải đưa ra những quyết định "đau đớn", chẳng hạn như cắt giảm khẩu phần ăn cho người đói và cắt giảm số lượng người đủ điều kiện nhận viện trợ.

Hệ quả có thể cảm nhận được rõ rệt ở những nơi như Syria. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), nhà phân phối lương thực chính của LHQ, từng cung cấp lương thực cho 6 triệu người ở Syria, đã buộc phải cắt giảm số lượng cứu trợ xuống còn khoảng 1 triệu người.

Các quan chức LHQ cho biết, vào thời điểm xung đột lan rộng, bất ổn chính trị và thời tiết khắc nghiệt, tất cả các yếu tố gây ra nạn đói, họ gặp ngày càng nhiều khó khăn trong hoạt động cứu trợ.

Áp lực tài chính và những thay đổi chính trị trong nước đang định hình lại quyết định của một số quốc gia giàu có về việc nên viện trợ bao nhiêu, cho ai. Một trong những nhà tài trợ lớn nhất của LHQ là Đức đã cắt giảm 500 triệu USD tiền viện trợ từ năm 2023 đến năm 2024 như một phần của chính sách thắt lưng buộc bụng nói chung. Nội các của nước này đã khuyến nghị cắt giảm thêm 1 tỷ USD viện trợ nhân đạo cho năm 2025. Quốc hội mới của nước này sẽ quyết định kế hoạch chi tiêu của năm tới sau cuộc bầu cử liên bang vào tháng 2.

Các tổ chức nhân đạo cũng đang theo dõi xem Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump đề xuất gì sau khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1.2025. Các cố vấn của Trump chưa nói ông sẽ tiếp cận viện trợ nhân đạo như thế nào, nhưng ông đã tìm cách cắt giảm tài trợ của Hoa Kỳ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình. Hoa Kỳ đóng vai trò hàng đầu trong cuộc chiến chống lại nạn đói trên toàn thế giới. Hoa Kỳ đã cung cấp 64,5 tỷ USD viện trợ nhân đạo trong 5 năm qua. Con số này chiếm ít nhất 38% tổng số đóng góp cho LHQ.

Khoảng cách viện trợ

Phần lớn nguồn viện trợ nhân đạo của LHQ đến từ ba nhà viện trợ giàu có nhất là Hoa Kỳ, Đức và Ủy ban châu Âu. Các nước này cung cấp 58% trong số 170 tỷ USD mà LHQ ghi nhận để ứng phó với các cuộc khủng hoảng nhân đạo từ năm 2020 đến năm 2024.

Theo đánh giá của Reuters về dữ liệu đóng góp của LHQ, ba cường quốc khác gồm: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ chỉ đóng góp chưa đến 1% nguồn viện trợ nhân đạo cho LHQ.

Không thể thu hẹp khoảng cách viện trợ giữa các nước là một trong những lý do chính khiến hệ thống toàn cầu giải quyết nạn đói và ngăn ngừa nạn đói đang chịu sức ép rất lớn. Việc thiếu nguồn viện trợ đầy đủ, cùng với những rào cản trong quá trình cung cấp viện trợ lương thực tại các khu vực xung đột, nơi nạn đói tồi tệ nhất - đang gây sức ép lên các nỗ lực của LHQ. Gần 282 triệu người ở 59 quốc gia và vùng lãnh thổ đang phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng vào, trong đó các nước Sudan, Myanmar và Afghanistan bị ảnh hưởng nặng nề.

Trong khi đó, Chính quyền sắp tới của Mỹ nhiều khả năng sẽ cắt giảm hơn nữa viện trợ. Cho đến nay, ông Trump luôn phàn nàn rằng, các quốc gia giàu có đóng góp không đồng đều cho các sáng kiến toàn cầu.

Trong quá trình vận động tranh cử, những người ủng hộ ông Trump đã đề xuất Dự án 2025 cho nhiệm kỳ thứ hai của ông, kêu gọi các cơ quan nhân đạo nỗ lực hơn nữa để có thêm viện trợ từ các quốc gia giàu có khác và cho biết đây sẽ là điều kiện để Hoa Kỳ có thể mở hầu bao.

Dự án 2025 đặc biệt không ủng hộ việc viện trợ cho các khu vực xung đột, cho rằng dây là yếu tố chính gây ra hầu hết các cuộc khủng hoảng nạn đói tồi tệ nhất hiện nay.

Bản kế hoạch nêu rõ: "Viện trợ nhân đạo đang duy trì nền kinh tế chiến tranh, tạo ra động lực tài chính cho các bên tham chiến tiếp tục chiến đấu".

Tỷ phú Elon Musk đã được Trump bổ nhiệm làm đồng lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), một cơ quan mới sẽ rà soát lại toàn bộ các khoản chi tiêu công để ngăn chặn tình trạng lãng phí ngân sách. Ông Musk đã tuyên bố trên nền tảng truyền thông xã hội của mình, rằng bộ của ông sẽ xem xét lại viện trợ nước ngoài.

Jan Egeland, Giám đốc nhân đạo của LHQ từ năm 2003 đến năm 2006 và hiện là Giám đốc Hội đồng Người tị nạn Na Uy, một tổ chức cứu trợ nhân đạo phi chính phủ, cho rằng, thật "điên rồ" khi một quốc gia nhỏ bé như Na Uy lại nằm trong số những quốc gia viện trợ nhân đạo lớn nhất. Với tổng thu nhập quốc dân (GNI) năm 2023 chưa đến 2% so với Hoa Kỳ, Na Uy đứng thứ 7 trong số các chính phủ đã viện trợ cho LHQ.

Trong khi đó, Trung Quốc, nước có GNI lớn thứ hai thế giới, xếp thứ 32 về viện trợ với mức đóng góp 11,5 triệu USD. Ấn Độ xếp thứ 35 năm đó, với 6,4 triệu USD viện trợ nhân đạo. Nước này có GNI lớn thứ năm.

Tình trạng chậm trễ

Ngay cả khi các quốc gia đã đóng góp, quá trình giải ngân rất chậm chạp và kèm theo nhiều điều kiện ràng buộc, khiến các tổ chức nhân đạo khó có thể ứng phó linh hoạt với các cuộc khủng hoảng.

Julia Steets, giám đốc Viện Chính sách công toàn cầu, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại Berlin, đã giúp tiến hành một số đánh giá về các phản ứng nhân đạo, trong đó có nạn đói do hạn hán ở Ethiopia từ năm 2015 đến năm 2018. Báo cáo kết luận rằng mặc dù viện trợ đã giúp tránh được nạn đói quá trình giải ngân chậm chạp đã không ngăn chặn được tình trạng suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng ở trẻ em. Nghiên cứu cho thấy suy dinh dưỡng có thể gây ra những tác động lâu dài đến trẻ em, bao gồm còi cọc và giảm khả năng nhận thức.

Bên cạnh đó, điều kiện mà các bên cung cấp viện trợ đặt ra cũng cản trợ các nỗ lực nhân đạo. Đôi khi họ yêu cầu phải chi một số tiền cho việc xây dựng thương hiệu, chẳng hạn như hiển thị logo của nhà viện trợ trên lều, nhà vệ sinh và ba lô… khiến cho quá trình triển khai cũng gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, các quan chức LHQ cho biết nạn tham nhũng cũng gây ảnh hưởng đến hệ thống viện trợ lương thực toàn cầu. Tại Ethiopia, một lượng lớn viện trợ từ WFP đã không đến được với những người thực sự cần, một phần là do quá trình quản lý lỏng lẻo.

Quỳnh Vũ

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lien-hop-quoc-nan-doi-nghiem-trong-hon-trong-khi-tien-vien-tro-it-di-post400270.html
Zalo