2025 có thể là năm bước ngoặt quyết định số phận của Ukraine

2025 có thể trở thành năm quyết định với Ukraine. Giới lãnh đạo nước này sẽ cần xem xét bối cảnh quốc tế đầy biến động, cũng như các thực tế chính trị và quân sự đang hạn chế các lựa chọn của mình.

Nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống đắc cử Donald Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đưa việc chấm dứt xung đột Nga - Ukraine trở thành ưu tiên nhưng câu hỏi đặt ra là điều đó sẽ dựa theo những điều kiện nào. Chính quyền mới của ông có nhiều người hoài nghi về chủ trương hỗ trợ Ukraine và thậm chí bản thân ông Trump cũng có thái độ không thân thiện với một số đồng minh phương Tây.

Dù vậy, cả ông Trump và Đặc phái viên của ông về Ukraine và Nga Keith Kellogg dường như đều quan tâm đến việc duy trì hoặc thậm chí tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Binh lính Ukraine đứng cạnh một lựu pháo tự hành trước khi khai hỏa về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ở Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Binh lính Ukraine đứng cạnh một lựu pháo tự hành trước khi khai hỏa về phía quân đội Nga trên tiền tuyến ở Zaporizhzhia. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, nguồn cơn căng thẳng là về cơ bản, Mỹ có ít cách hơn nhiều để gây áp lực với Nga so với Ukraine. Do đó, việc đạt được thỏa thuận có nhiều khả năng xảy ra hơn khi đánh đổi bằng các nhượng bộ bổ sung của Ukraine, chứ không phải của Nga.

Việc cung cấp các đảm bảo an ninh - yêu cầu chính của Ukraine đi ngược lại chủ đề chung về sự tách rời và chủ nghĩa cô lập trong phần lớn nền tảng ủng hộ ông Trump. Mặc dù Mỹ là cường quốc duy nhất có thể cung cấp những đảm bảo mà Ukraine cần nhưng cách tiếp cận chung mang tính thù địch với các đồng minh sẽ khiến việc xây dựng liên minh gồm các bên có tính quyết định trở nên khó khăn hơn.

Ông Kellogg hiện đang xây dựng "Kế hoạch Chiến thắng của ông Trump" thay thế phiên bản kế hoạch hòa bình của ông Zelensky - vốn không được chính quyền mới của Mỹ ủng hộ. Cả Ukraine và các đồng minh của nước này sẽ tiếp tục vận động hành lang ông Kellogg và ông Trump, đặc biệt trong chuyến đi sắp tới của ông Kellogg tới châu Âu.

Giới quan sát nhận định, điều quan trọng là Nga cũng sẽ cố gắng làm hài lòng ông Trump và tham gia vào hoạt động ngoại giao hoặc vận động hành lang cho một "cuộc mặc cả lớn" toàn cầu. Điều này có thể nhằm mục đích kéo dài thời gian, ràng buộc viện trợ và đưa ra những nhượng bộ làm suy giảm tinh thần đối phương.

Tuy nhiên, cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra nếu mọi thứ không diễn ra theo dự tính của ông Trump. Liệu ông sẽ tìm cách gây sức ép với Nga hay sẽ đổ lỗi cho ông Biden và ông Zelensky vì đã để lại "một mớ hỗn độn"?

Thách thức trong nước ngày càng gia tăng của ông Zelensky

Một lệnh ngừng bắn tiềm năng đồng nghĩa với việc chấm dứt thiết quân luật và mở đường cho các cuộc bầu cử sau đó. Năm 2025 có thể sẽ chứng kiến các cuộc tranh cử quốc hội và tổng thống của Ukraine. Cả hai đều không dễ dàng cho ông Zelensky. Khó khăn kinh tế liên tục và việc huy động lực lượng đã ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Tổng thống Ukraine. Các lực lượng đối lập đang tập trung vào một chiến lược - đó là tấn công hồ sơ của người đương nhiệm. Trong ngắn hạn, điều này sẽ khiến chính quyền Tổng thống Zelensky gặp khó khăn trong việc đưa ra những quyết định cần thiết nhưng lại không được lòng dân.

Có một câu hỏi đặt ra là liệu cựu Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Valerii Zaluzhnyi có ra tranh cử hay không. Cho đến thời điểm hiện tại, ông Zaluzhnyi không cho thấy ý định ra tranh cử nhưng không có điều gì là chắc chắn trong tương lai.

Ngoài ra, Nga có thể yêu cầu việc ông Zelensky không ra tranh cử làm cơ sở cho một thỏa thuận hòa bình. Một câu hỏi khác là liệu ông Zelensky có nhận được sự ủng hộ từ ông Trump hay không? Điều này đặt ra vấn đề về sự đảm bảo an ninh cho Tổng thống Zelensky và các đồng minh của ông – một yếu tố sẽ tác động đến quyết định và chiến lược của họ liên quan đến bất kỳ cuộc bầu cử nào.

Khả năng Ukraine đạt được đột phá quân sự

Tình hình chiến trường đã trở nên nghiêm trọng hơn đối với Ukraine vào năm 2024. Việc huy động lực lượng không giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân sự, từng khiến nước này phải vật lộn để phòng vệ hiệu quả hơn. Ngoài ra, sự thay đổi trong Nhà Trắng cũng báo hiệu viện trợ quân sự sẽ không còn là điều chắc chắn nữa và châu Âu sẽ phải vật lộn để lấp đầy khoảng trống này.

Sự thiếu hụt nghiêm trọng hiện nay liên quan đến nhân lực. Đây là vấn đề mà Kiev có thể khắc phục một phần, mặc dù phải trả cái giá đáng kể về chính trị. Bên cạnh đó, mặc dù đóng vai trò quan trọng để hỗ trợ Ukraine hạn chế tổn thất nhưng viện trợ của phương Tây đã không được tổ chức kịp thời: Các vũ khí mới thường được đưa vào muộn ở quy mô nhỏ và không đồng bộ với nhu cầu trên chiến trường.

Do đó, việc thay đổi động lực hiện nay đòi hỏi mức hỗ trợ lớn hơn nhiều so với trước đây và có thể nhiều hơn mức các đồng minh của Ukraine sẵn sàng cung cấp. Một lựa chọn thay thế là triển khai quân đội châu Âu trên bộ - một đề xuất hiện không được chấp nhận về mặt chính trị nhưng có thể thay đổi vào năm 2025.

Giới quan sát cũng đặt ra một câu hỏi là liệu Ukraine có thể trì hoãn đầu hàng trong bao lâu. Trận chiến Pokrovsk sắp tới có thể đóng vai trò là phép thử. Nếu thất bại diễn ra nhanh chóng, chẳng hạn từ 2 - 3 tháng, Nga sẽ coi năng lực của Ukraine đã suy giảm nghiêm trọng và thúc đẩy những điều kiện đàm phán khắc nghiệt. Ngược lại, việc giữ được thị trấn này đến mùa hè có thể cho thấy khả năng cầm cự của Ukraine đến khi các điều kiện thuận lợi hơn được đáp ứng.

Sự thay đổi lập trường của dư luận

Năm 2022, sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra, châu Âu đã nhanh chóng chỉ trích Nga và ủng hộ mạnh mẽ Ukraine. Tuy nhiên, việc duy trì sự ủng hộ vào năm 2025 sẽ khó khăn hơn khi châu Âu cũng phải đối mặt với những khó khăn riêng của mình và sự ủng hộ của công chúng ngày càng suy giảm.

Ukraine đã chứng kiến sự đảo ngược kết quả bầu cử giữa các đồng minh, đáng chú ý là ở Slovakia, Pháp và Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, tác động thực sự đối với chính sách vẫn khá im ắng.

Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi vào năm 2025 khi một loạt quốc gia như Đức, Séc, Romania và Ba Lan đối mặt với những cuộc bầu cử quan trọng.

Đức sẽ phải đối mặt với các cuộc bầu cử liên bang vào thời điểm cần có tiếng nói rõ ràng của châu Âu trong các cuộc đàm phán. Pháp, được cho là quốc gia an ninh chủ chốt của châu Âu, dường như cũng đang chìm trong vô số thách thức của riêng mình.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Kyiv Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/2025-co-the-la-nam-buoc-ngoat-quyet-dinh-so-phan-cua-ukraine-post1144503.vov
Zalo