Liên hoan phim quốc tế tại Việt Nam: Tạo đà phát triển công nghiệp văn hóa

Gần đây, các sự kiện Liên hoan phim (LHP) quốc tế được tổ chức tại Việt Nam đã gây tiếng vang, có lợi cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Nếu được tổ chức tốt, có chất lượng, các kỳ LHP sẽ trở thành nơi kết nối, trao đổi nghề nghiệp với giới điện ảnh quốc tế cho các nhà làm phim Việt, tạo đà phát triển ngành điện ảnh, một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Phóng viên Báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải về vấn đề này.

Đạo diễn Bùi Trung Hải.

Đạo diễn Bùi Trung Hải.

PV: Thưa ông, là người từng nhận giải thưởng tại một số LHP quốc tế, theo ông, LHP mang đến cơ hội cũng như trải nghiệm cho các nhà làm phim như thế nào?

Đạo diễn, NSƯT Bùi Trung Hải: Mỗi người sẽ có những nhìn nhận khác nhau về vai trò của các LHP quốc tế. Theo tôi, LHP luôn là một cơ hội rất tốt cho các nhà làm phim để giao lưu, trải nghiệm, kết nối trực tiếp với các nhà làm phim, các nhà sản xuất… chuyên nghiệp của thế giới. Mỗi LHP quốc tế uy tín đều có những nét riêng, độc đáo, có những gu thẩm mỹ riêng chứ không phải LHP nào cũng giống nhau về các phương diện. Do đó nhiều giải thưởng ở các LHP lớn hoặc các giải thưởng điện ảnh lớn trên thế giới có thể không đồng nhất với nhau về đánh giá do có những tiêu chí khác nhau.

Tôi cho rằng, các LHP châu Âu có xu hướng đề cao phim độc lập/tác giả hơn, hoặc các giải thưởng điện ảnh hàng năm của Mỹ, Anh là nơi có xu hướng coi điện ảnh cần có tính đại chúng cao. Mặt khác, cũng nên hiểu rõ vai trò của LHP cũng không hoàn toàn giống nhau. Một số nhà làm phim có mục đích là để hướng đến các giải thưởng của các LHP, một số nhà làm phim khác thì coi LHP là phương tiện để quảng bá cho bộ phim, còn mục đích cuối cùng là hướng đến công chúng.

Trên thế giới cũng có nhiều nhà làm phim hầu như rất ít tham dự LHP, hoặc chỉ tham gia ở giai đoạn đầu của sự nghiệp, nhưng tác phẩm của họ luôn được đánh giá rất cao trong cộng đồng điện ảnh. Có thể kể ra các ví dụ như các đạo diễn người Mỹ: Christopher Nolan, Michael Mann, Steven Spielberg… Tuy không tham dự nhiều các LHP nhưng họ lại luôn tham dự các giải thưởng hàng năm lớn nhất toàn cầu như giải thưởng Oscars, BAFTA... Đó là một nét đặc biệt của một số nhà làm phim lớn của Mỹ, Anh mà chúng ta cần lưu ý.

Đoàn phim “Cu li không bao giờ khóc” đón nhận Giải thưởng phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II). Ảnh: Anh Vũ.

Đoàn phim “Cu li không bao giờ khóc” đón nhận Giải thưởng phim châu Á hay nhất tại Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng 2024 (DANAFF II). Ảnh: Anh Vũ.

Ông đánh giá như thế nào về chất lượng các nhà làm phim trẻ của Việt Nam trong khoảng 10 năm trở lại đây? Những tác phẩm đạt giải của họ trên trường quốc tế thời gian qua nhìn chung ra sao, và ông ấn tượng với bộ phim và đạo diễn trẻ nào nhất?

- Tôi nghĩ rằng tương lai phim đang có những hứa hẹn tốt khi luôn xuất hiện những nhà làm phim trẻ, cả trong dòng phim được coi là “dòng chính” và dòng phim độc lập/ tác giả. Đặc biệt đối với các LHP quốc tế, một số nhà làm phim trẻ Việt Nam đã có những thành tựu nổi bật ở những Hạng mục dành riêng cho những tác giả trẻ như các giải thưởng cho “Phim dài đầu tay” ở các LHP lớn như Cannes (phim “Bên trong vỏ kén vàng” của đạo diễn Phạm Thiên Ân) và Berlin (phim “Culi không bao giờ khóc” của đạo diễn Phạm Ngọc Lân). Hoặc ở các giải có tính toàn cầu như vào danh sách rút gọn/short list hạng mục “Phim tài liệu dài” của hệ thống Giải thưởng Oscars (phim “Những đứa trẻ trong sương” của đạo diễn Hà Lệ Diễm).

Tôi chưa xem phim “Culi không bao giờ khóc” nên chưa thể nhận xét. 2 phim còn lại tôi đã xem và cho rằng là đó là những phim rất tốt, tuy cả 2 phim khi công chiếu tại các rạp ở Việt Nam đều có doanh thu chưa tốt, có thể do các phim đó chưa được tiếp thị, quảng bá đúng mức, ngoài ra cũng phải tính đến việc các phim này về cơ bản đều được làm theo xu hướng phim tác giả/độc lập, là dòng phim rất chú trọng về sự độc đáo, đổi mới trong cách thể hiện, và thường dựa trên những quan niệm, cái nhìn độc đáo, rất riêng tư của tác giả nên thường tương đối khó tiếp cận với khán giả đại chúng.

Có ý kiến cho rằng, so với thế giới, Việt Nam tổ chức và phát triển LHP quốc tế rất chậm. Nhưng rõ ràng, điện ảnh Việt Nam đang có những bước phát triển mới và cần tổ chức các LHP quốc tế nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho các nhà làm phim góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Ông có thể chia sẻ quan điểm của mình?

- LHP quốc tế tổ chức tại Việt Nam còn mới, thường là các LHP mới được tổ chức trong khoảng 10 - 15 năm trở lại đây. Tôi cũng cho rằng nên tổ chức các LHP quốc tế tại Việt Nam vì điều đó có lợi cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Các LHP nếu được tổ chức tốt, có chất lượng sẽ trở thành nơi kết nối, trao đổi nghề nghiệp với giới điện ảnh quốc tế cho các nhà làm phim Việt, tạo đà để phát triển ngành điện ảnh, một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, để phát triển công nghiệp văn hóa trong điện ảnh một cách mạnh mẽ thì việc tổ chức các LHP quốc tế ở Việt Nam chỉ đóng một vai trò nhất định. Ngoài ra còn rất nhiều các lĩnh vực, hoạt động khác cũng có vai trò, tầm ảnh hưởng rất lớn, chẳng hạn như việc giáo dục điện ảnh. Ví dụ như việc tiếp cận với những phương pháp làm phim hiện đại, khoa học trên nền tảng phương pháp làm phim của điện ảnh Mỹ áp dụng cho mọi lĩnh vực đạo diễn, biên kịch, diễn xuất… là những gì điện ảnh Hàn Quốc đặt mục đích theo đuổi hàng chục năm nay và đã gặt hái những thành công rất lớn trên quy mô toàn cầu.

Theo tôi, để có thể phát triển mạnh công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp điện ảnh nói riêng, chúng ta nên có một chiến lược văn hóa cụ thể, xuyên suốt, đồng bộ, lâu dài… thì mới có thể phát triển tốt được.

Trên thực tế, một số nền điện ảnh tiên tiến mới nổi của châu Âu, châu Á đã thành công với định hướng cụ thể và hành động tập trung. Theo ông, với bối cảnh Việt Nam hiện nay, chúng ta phải làm gì?

- Ngoài những nền điện ảnh đã thành công do có những chiến lược phát triển điện ảnh bài bản như Pháp và Hàn Quốc, rất nhiều nước trên thế giới cũng đã có sự nhận biết, thích ứng, rút kinh nghiệm và học tập những thành tựu của các nước này. Hiện nay ở Thái Lan, như tôi được biết, trong năm 2024 vừa qua cũng đã lập Ủy ban Chiến lược Quyền lực mềm quốc gia, do đích thân Thủ tướng Thái Lan trực tiếp làm chủ tịch.

Cơ quan này đặt ra nhiều sách lược để phát triển văn hóa Thái Lan, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực điện ảnh. Họ đề ra những sách lược cụ thể để phát triển điện ảnh Thái như: Tạo điều kiện hợp tác với các đoàn làm phim nước ngoài, cắt giảm thuế rất lớn cho đoàn phim nước ngoài quay tại Thái Lan, đào tạo nâng cao tay nghề đội ngũ làm phim trong nước… Đó là những vấn đề cấp thiết chúng ta cần lưu ý, nghiên cứu cải tiến, áp dụng để không bị lạc hậu với sự hợp tác mở đang rất phát triển trên quy mô toàn cầu.

Trân trọng cảm ơn ông!

Hà Thành (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-hoan-phim-quoc-te-tai-viet-nam-tao-da-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-10293102.html
Zalo