Lịch sử thiên tai ở Huế và kinh nghiệm phòng chống
Thừa Thiên Huế có bờ biển dài 120 km, do vậy cũng chịu đựng những trận bão, nước dâng từ phía Biển Đông. Trong lịch sử, Huế cũng đã trải qua những trận bão lụt, những đợt hạn hán vô cùng lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người, các công trình kiến trúc, xây dựng và môi trường tự nhiên.
Nhận định này được đưa ra tại hội thảo “Diễn trình lịch sử về thiên tai tại Thừa Thiên Huế” do Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế tổ chức ngày 16/8, thu hút đông đảo các chuyên gia, nhà nghiên cứu tham gia, trao đổi.
Ngày nay, biến đổi khí hậu đã và đang tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc nghiên cứu về diễn trình lịch sử về thiên tai ở Thừa Thiên Huế có nhằm tìm hiểu quy luật, biến động của thời tiết qua các giai đoạn; đồng thời hiểu rõ thêm những biện pháp phòng, chống, cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, khắc phục hậu quả lũ lụt của các các nhà nước, tổ chức xã hội, cộng đồng qua từng thời kỳ lịch sử. Từ đó, rút ra những kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp và kiến nghị thiết thực nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả của thiên tai gây nên ở tại địa phương.
Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu trình bày những nghiên cứu, tham luận liên quan đến thiên tai, công tác phòng chống, những mô hình thích ứng… Ngoài ra là các vấn đề xoay quanh quy định cứu trợ, phòng chống lũ lụt qua một số hương ước của các làng trong tỉnh, kinh nghiệm lịch sử về cứu nạn, cứu trợ, phòng chống thiên tai từ trước đến nay.