Leo thang tấn công, chiến lược mặc cả hay ảo vọng hòa bình cho xung đột Ukraine?

Việc Nga và Ukraine tăng cường tấn công các mục tiêu của nhau là dấu hiệu cho thấy sự leo thang đối địch giữa hai bên. Khi cuộc xung đột bước sang năm thứ 4, triển vọng hòa bình vẫn là ẩn số vì các toan tính chiến lược và áp lực chính trị.

Động thái leo thang từ cả hai phía

Rạng sáng 24/4, một loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) đã tấn công trung tâm thủ đô Kiev của Ukraine, khiến ít nhất 9 người thiệt mạng và hơn 70 người khác bị thương. Đây là một trong những vụ tập kích gây thiệt hại lớn nhất cho Kiev kể từ cuối năm 2023. Giới chức Ukraine cáo buộc Nga đứng sau vụ việc nhằm “gây tổn thất tinh thần và phá hủy hạ tầng dân sự trọng yếu”.

Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sau đợt không kích của Nga sáng 24/4. Ảnh: Ukraine News

Một vụ nổ ở thủ đô Kiev, Ukraine sau đợt không kích của Nga sáng 24/4. Ảnh: Ukraine News

Tuy nhiên, động thái quân sự trên diễn ra trong bối cảnh các lực lượng vũ trang Ukraine cũng tăng cường bắn phá các mục tiêu Nga. Trong tháng 3 và tháng 4, quân Kiev đã thực hiện hàng chục vụ tập kích bằng UAV vào các cơ sở lọc dầu và hậu cần bên trong lãnh thổ Nga. Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc đây là hành động “gây hấn trực tiếp” và là lý do để tiến hành các cuộc không kích trả đũa có chủ đích.

Từ chiến thuật leo thang đến tính toán ngoại giao

Theo các chuyên gia tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), cả hai phía đều đang bước vào một giai đoạn “leo thang để mặc cả”. Trong đó, mục tiêu không chỉ để giành lợi thế trên tiền tuyến, mà còn nhằm tạo ra vị thế thuận lợi hơn trên bàn thương lượng nếu đàm phán diễn ra.

Nga tuyên bố vụ tấn công ngày 24/4 là một phần trong chiến dịch “vô hiệu hóa mối đe dọa quân sự từ phương Tây”, sau khi Ukraine tiếp nhận thêm tổ hợp phòng không Patriot do Mỹ viện trợ. Thực tế cho thấy, các mục tiêu bị tấn công không đơn thuần mang tính quân sự, mà còn mang biểu tượng chính trị. Theo lý thuyết leo thang chiến lược, đây là cách để Moscow phát tín hiệu răn đe, đồng thời thử thách khả năng đáp trả của Kiev và phương Tây.

Ngược lại, Ukraine cũng tăng cường các hoạt động tấn công ở các vùng Donetsk và Zaporizhzhia, đẩy mạnh tập kích các cơ sở hậu cần của Nga tại vùng biên giới Belgorod và Kursk. Bộ Tổng tham mưu Ukraine gọi đây là “chiến lược làm mòn” nhằm buộc quân Nga rút lui từng bước khỏi những khu vực đang nắm quyền kiểm soát.

Thế lực chi phối

Tại Mỹ, chính quyền Tổng thống Donald Trump đối mặt sức ép từ Quốc hội trong việc duy trì viện trợ quân sự cho Ukraine, trong khi một bộ phận dư luận nước này ngày càng hoài nghi về “giá trị chiến lược” của cuộc xung đột. Washington gần đây đã đề xuất mô hình đàm phán “chia sẻ rủi ro”, ám chỉ việc Kiev có thể cần phải linh hoạt hơn về vấn đề lãnh thổ để đổi lấy hỗ trợ tái thiết. Tuy nhiên, mô hình này gây nhiều tranh cãi tại châu Âu. Đức, Ba Lan và các nước vùng Baltic tuyên bố không ủng hộ bất kỳ thỏa thuận nào làm tổn hại đến chủ quyền của Ukraine.

Về phần mình, Nga đang tận dụng sự chia rẽ trong phương Tây để thúc đẩy chiến lược “ngoại giao dưới lửa đạn”. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov khẳng định “các kênh đàm phán vẫn mở”, nhưng cũng nhấn mạnh “mọi thỏa thuận phải phản ánh thực tế trên tiền tuyến”. Nhiều học giả coi quan điểm này là nỗ lực tái thiết lập vị thế của Nga trong trật tự an ninh châu Âu thời hậu chiến tranh Lạnh.

Triển vọng cho hòa bình

Dù tình hình đang nghiêng về phía leo thang đối đầu, một số nhà phân tích trung lập tin vẫn còn cơ hội cho đàm phán nếu các bên chấp nhận những điều kiện thực tế.

Giáo sư Thomas Graham, cố vấn chính sách đối ngoại tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR) nhận định: “Không ai đạt được toàn bộ mục tiêu của mình trong cuộc xung đột này. Một lệnh ngừng bắn dù tạm thời cũng có thể mở đường cho thương lượng lâu dài hơn.”

Đặt trong bối cảnh thế giới với nhiều thách thức về xung đột truyền thống và phi truyền thống, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã khó khăn nay càng thêm nhiều rối rắm vì sự tác động và chi phối của nhiều yếu tố khách quan. Dưới đây là một số kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới:

Kịch bản “ngừng bắn chiến thuật” trong bối cảnh quân sự ngày càng khốc liệt: Một thỏa thuận ngừng bắn có thể đạt được nhờ trung gian như Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hiệp Quốc hoặc Trung Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là hình thức đóng băng xung đột tương tự như mô hình Donbass 2015 và không giải quyết được căn nguyên xung đột.

Kịch bản “đàm phán phân tầng": Khi một khuôn khổ đàm phán đa phương có thể được thiết lập, Ukraine và Nga sẽ trở thành các đối tác trung tâm, trong khi các bên bảo trợ gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc và thậm chí cả Ấn Độ đóng vai trò điều phối lợi ích. Cách tiếp cận này có tiềm năng tạo đột phá, nhưng phụ thuộc vào sự sẵn sàng “xuống nước” của ít nhất một bên, điều hiện chưa thấy từ cả Kiev lẫn Moscow.

Kịch bản “xung đột kéo dài và tái cấu trúc địa chính trị khu vực”: Nếu các bên không đạt tiến triển nào, chiến sự có thể tiếp diễn theo mô hình “xung đột cường độ thấp kéo dài”, gây kiệt quệ cho Ukraine và tiêu hao nguồn lực phương Tây. Đây là điều Nga có thể chấp nhận, nếu coi đây là phương tiện làm suy yếu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về lâu dài và tăng cường ảnh hưởng tại các điểm nóng khác.

Dù các kênh đàm phán vẫn để ngỏ, nhưng triển vọng hòa bình bền vững vẫn xa vời nếu không có sự điều chỉnh chiến lược từ cả hai phía và sức ép đồng thuận từ cộng đồng quốc tế.

Khi tiếng súng vẫn còn vang vọng ở Kiev, Donetsk hay Belgorod, câu hỏi không chỉ còn là khi nào giao tranh kết thúc, mà là liệu có ai đủ khả năng và uy tín để buộc các bên phải ngồi xuống bàn đàm phán một cách thực chất.

Trương Quốc Lượng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/leo-thang-tan-cong-chien-luoc-mac-ca-hay-ao-vong-hoa-binh-cho-xung-dot-ukraine-2396022.html
Zalo