Lệnh trừng phạt của Mỹ: Iraq là trung tâm của nền ngoại giao năng lượng toàn cầu
Chính quyền Trump đang xem xét áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Iraq nhằm hạn chế ảnh hưởng của Iran. Những biện pháp này có thể tái định hình lại sự cân bằng địa chính trị và kinh tế của thị trường năng lượng toàn cầu.
Khả năng Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt lên Iraq đã làm dấy lên những lo ngại về tác động của chúng đối với địa chính trị năng lượng toàn cầu. Việc nhắm vào một trong những nhà sản xuất chính thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) có thể làm gián đoạn dòng chảy thương mại và gia tăng căng thẳng với các cường quốc khác như Trung Quốc.
Iraq đóng vai trò then chốt trong việc cung cấp dầu thô toàn cầu, với sản lượng ước tính đạt 4,14 triệu thùng/ngày (b/d) vào tháng 10 và xuất khẩu 3,6 triệu b/d. Trung Quốc (41%) và Ấn Độ (28%) là những khách hàng chính, điều này mang lại cho Iraq vị trí chiến lược trong nền ngoại giao năng lượng.
Là đòn bẩy để chống lại ảnh hưởng của Iran
Mục tiêu được tuyên bố của các lệnh trừng phạt là kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Iraq, nơi các nhóm dân quân thân Iran kiểm soát đáng kể các lĩnh vực chiến lược như dầu mỏ. SOMO (Tổ chức Tiếp thị Dầu mỏ Nhà nước Iraq), cơ quan chính chịu trách nhiệm về thương mại dầu mỏ của Iraq, bị cáo buộc hỗ trợ các hoạt động cung cấp bí mật cho các nhóm liên kết với Tehran.
Động thái này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực, đặc biệt là với Iran, quốc gia cung cấp phần lớn nhu cầu khí đốt và điện cho Iraq. Vào tháng 11, việc Iran giảm xuất khẩu khí đốt đã khiến Iraq mất 5,5 gigawatt (GW) công suất điện, minh chứng cho sự phụ thuộc nghiêm trọng của Baghdad.
Tác động đến liên minh quốc tế
Các biện pháp trừng phạt mà Washington đang cân nhắc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với quan hệ quốc tế. Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Iraq, sẽ đối mặt với sự gián đoạn nguồn cung dầu, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung.
Đồng thời, các biện pháp này có thể cản trở nỗ lực của Iraq trong việc đa dạng hóa thị trường. Chính phủ của Thủ tướng Mohammed al-Sudani đang tìm cách phát triển quan hệ đối tác với châu Âu và châu Phi để giảm sự phụ thuộc vào thị trường châu Á, nhưng các lệnh hạn chế của Mỹ sẽ làm phức tạp thêm tham vọng này.
Các vấn đề kinh tế và năng lượng
Đối với Iraq, các lệnh trừng phạt sẽ là một thách thức to lớn. Nền kinh tế nước này phụ thuộc 95% vào doanh thu từ dầu mỏ, đạt 131 tỷ USD vào năm 2022. Mọi sự sụt giảm trong xuất khẩu hoặc đầu tư nước ngoài đều có thể dẫn đến khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng.
Bất chấp các thỏa thuận gần đây đã đạt được với các công ty Mỹ nhằm giảm đốt khí tự nhiên và cắt giảm khí thải, nhưng sự mất lòng tin của các nhà đầu tư phương Tây có nguy cơ ngày càng tăng, mở rộng cơ hội cho các công ty Trung Quốc. Hiện tại, các công ty Trung Quốc chiếm 7,27% các dự án dầu khí ở Iraq, trong khi các công ty Mỹ chỉ chiếm 1,82%.
Tương lai của ngoại giao năng lượng
Tình hình này phản ánh sự thay đổi cán cân quyền lực trong ngoại giao năng lượng toàn cầu. Trong khi Washington nỗ lực hạn chế ảnh hưởng của Tehran và Bắc Kinh, Baghdad phải điều chỉnh để cân bằng giữa các cường quốc nhằm bảo vệ lợi ích của mình. Tình thế khó xử này có thể định hình tương lai của ngành năng lượng Iraq và vai trò của nước này trong cán cân toàn cầu.