Lên với A Lưới

Sau hơn nửa năm đưa vào khai thác Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới (giai đoạn 1) tại xã Hồng Thượng, huyện miền núi A Lưới, TP Huế đã trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút người dân và du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi…

Lễ hội Ân Ninh của đồng bào Cơ Tu

Lễ hội Ân Ninh của đồng bào Cơ Tu

Ngược những con dốc, đường đèo dọc Quốc lộ 49 để lên với A Lưới, chị Nguyễn Thị Hằng, đã có những trải nghiệm thú vị tại Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số A Lưới trong khuôn khổ các hoạt động của chương trình “Ngày hội sắc xuân vùng cao A Lưới” - chương trình hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025.

Tại đây, chị Hằng đã được tiếp cận văn hóa của đồng bào khi xem các hoạt động tái hiện lễ hội truyền thống như: Lễ hội Âr Pục (Đoàn kết) của người Pa Cô; Lễ hội Cúng Dâng Dèng của người Tà Ôi; Lễ hội Ân Ninh của người Cơ Tu; được trực tiếp xem các nghệ nhân trình diễn dệt Dèng, chế biến những món ăn đặc sản…

Đặc biệt, hòa mình vào không khí của những điệu múa, khúc dân ca và nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của bà con vùng cao A Lưới đã cho chị những trải nghiệm và kỉ niệm khó quên.

Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 1 có kinh phí đầu tư hơn 20 tỉ đồng, được xây dựng trên quy mô 5 ha ở khu bảo tồn sim thuộc xã Hồng Thượng, nơi có cảnh quan thiên nhiên đẹp và có đường giao thông thuận lợi kết nối với cộng đồng dân cư ở các địa phương.

Từ tháng 9.2024, Làng mở cửa đón khách tham quan, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa truyền thống phục vụ cộng đồng địa phương và du khách trải nghiệm. Theo Phòng VHTT huyện A Lưới, đến nay đã có hơn 15.000 lượt khách đến với Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần quảng bá và lan tỏa văn hóa truyền thống đặc sắc và tiềm năng du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm văn hóa bản địa ở A Lưới.

Riêng các hoạt động của “Ngày hội sắc xuân vùng cao A Lưới” vừa qua đã thu hút gần 8.000 lượt người tham gia, doanh thu du lịch của huyện đạt khoảng 4 tỉ đồng.

Người dân và du khách chung vui các hoạt động trong “Ngày hội sắc xuân vùng cao A Lưới”

Người dân và du khách chung vui các hoạt động trong “Ngày hội sắc xuân vùng cao A Lưới”

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện A Lưới cho biết: “Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới được xây dựng đã góp phần bảo tồn các giá trị truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu…

Đồng thời, mở ra nhiều cơ hội để kết nối các chương trình tour, đưa các đoàn khách đến tham quan tìm hiểu và trải nghiệm những nét đẹp truyền thống của đồng bào vùng cao.

Tại “ngôi nhà chung” này, chúng tôi đã tổ chức tái hiện 7 lễ hội truyền thống do chính đồng bào các dân tộc làm chủ thể; tổ chức giới thiệu nhiều sản phẩm văn hóa vật thể của các dân tộc… Hiện nay, Làng đang quản lý, trưng bày hơn 500 hiện vật, góp phần làm sinh động thêm không gian văn hóa tại đây”.

Giai đoạn 1 của Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới đang được khai thác gồm: Khối nhà sinh hoạt cộng đồng chung; các nhà sinh hoạt truyền thống của các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi; đường giao thông, các hạng mục phụ trợ như sân vườn, điện, nước, cảnh quan cây xanh…

Trong quy hoạch, dự án được đầu tư gần 40,8 tỉ đồng từ các Chương trình mục tiêu quốc gia. Địa phương đang tiếp tục các thủ tục để triển khai giai đoạn 2, dự kiến sẽ xây dựng nhà ở truyền thống của các dân tộc; quảng trường; khu làng nghề; không gian bảo tàng dân tộc học; khu nhà mồ; ruộng lúa…

Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (giai đoạn 1) ở xã Hồng Thượng

Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới (giai đoạn 1) ở xã Hồng Thượng

Ngành văn hóa cũng sẽ tham mưu để chọn những hộ gia đình tiêu biểu của các dân tộc Pa Cô, Cơ Tu, Tà Ôi vào sinh sống ở Làng để bảo tồn những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống đặc trưng của các dân tộc cũng như góp phần xây dựng Làng Văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới trở thành điểm đến hấp dẫn du khách.

UBND huyện A Lưới cho biết, địa phương đang tiếp tục triển khai thực hiện các Nghị quyết về “Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết về “Phát triển Du lịch huyện A Lưới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”.

Trong năm 2025 này, tiếp tục tăng cường tuyên truyền quảng bá; khuyến khích các điểm du lịch khai thác phát huy các sản phẩm văn hóa thành sản phẩm du lịch để phục vụ khách.

Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin tiếp tục tổ chức các lớp truyền dạy về văn hóa dệt Dèng, đan lát; truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể, kể về các câu chuyện dân gian, sử thi; tái hiện các lễ hội đặc sắc của các dân tộc ở A Lưới trong kỳ nghỉ lễ…

SƠN THÙY

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/dan-toc-ton-giao/len-voi-a-luoi-134533.html
Zalo