Lên kế hoạch tiến dài từ Kursk đến Belgorod, Ukraine có dễ 'sẩy chân'?
Theo các nhà quan sát, Ukraine có thể đã cố gắng tấn công vào một khu vực khác của Nga trong tuần này nhằm giành lại thế chủ động trước các lực lượng Moscow và bảo đảm lợi ích của mình trên bàn đàm phán. Theo đó, Belgorod được xem là mục tiêu chiến lược tiếp theo của quân đội Kiev.
Trong một bài đăng trên Telegram vào đầu tuần này, Thống đốc vùng Belgorod, ông Vyacheslav Gladkov cho biết Ukraine đang cố gắng vượt qua biên giới tại khu vực này, giành giật từng phần lãnh thổ với Nga. Lực lượng Nga cũng phải đối mặt nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận làng Vyazovoye ở Belgorod do "tình hình chiến sự có nhiều bất ổn", theo nguồn tin từ hãng thông tấn Tass hôm 27/8.
Nhiều blogger quân sự Nga cho biết, bất chấp khó khăn, Moscow đã đẩy lùi các cuộc tấn công của Ukraine gần các làng Nekhoteevka và Zhuravlyovka thuộc khu vực Belgorod. Các video được các blogger và nhà phân tích quân sự chia sẻ cũng ghi nhận sự hiện diện của các lực lượng Ukraine trong khu vực Kursk, giáp với Belgorod.
Một bước tiến dài hơn tới Belgorod
Ông Mark Cancian, một đại tá Thủy quân Lục chiến đã nghỉ hưu và là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định, cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga của Ukraine “đã mang hy vọng chiến thắng trở lại với quân đội Kiev”, song ông cũng nói thêm rằng, “một bước tiến ngắn tới Kursk không đủ để duy trì niềm hy vọng ấy”.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư chính trị Alexander Libman thuộc Đại học Tự do Berlin đánh giá, nếu thông tin do phía Ukraine cung cấp là chính xác thì có vẻ như nước này đang nỗ lực tiến sâu hơn vào lãnh thổ Nga nhằm “chứng minh rằng họ có thể giành lại thế chủ động” sau phần lớn thời gian "ở kèo dưới" trong giao tranh với lực lượng Moscow.
"Mục đích của quân đội Ukraine khi thực hiện cuộc tiến công xuyên biên giới là để đánh lạc hướng lực lượng Nga khỏi Donbas; đồng thời chứng minh với người dân nước này và các đối tác quốc tế về khả năng quân sự của Ukraine”, ông Libman nói.
Cuộc tấn công của Ukraine vào Kursk hôm 6/8 khiến cả phương Tây và Nga đều bất ngờ. Tính đến tuần này, Ukraine tuyên bố giành quyền kiểm soát gần 1.300km2 lãnh thổ Nga. Ông Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh quân đội Ukraine, cho biết lực lượng Ukraine đã chiếm được 100 khu định cư và buộc Nga phải tái triển khai 30.000 quân đến Kursk.
Đầu tháng này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết một trong những mục tiêu của hoạt động này là tạo ra một "vùng đệm" ở biên giới và không có ý định “kiểm soát lãnh thổ Nga lâu dài”. Trong cuộc họp báo tại Kiev hôm 27/8, ông Zelensky cho biết việc tiến đánh Kursk là bước đầu tiên trong kế hoạch bốn phần hướng đến chiến thắng mà ông sẽ trình lên Tổng thống Joe Biden vào tháng 9.
Ông Abishur Prakash, người sáng lập The Geopolitical Business - một công ty tư vấn chiến lược tại Canada, nhận định rằng kế hoạch mà Ukraine muốn trình bày cho Mỹ không chỉ một "bản thiết kế lý thuyết" mà còn là một "điểm khởi đầu khả thi".
"Theo dự đoán, ông Zelensky đến Washington và chỉ ra một bước tiến dài hơn của Ukraine từ vùng Kursk đến Belgorod sẽ mang lại hi vọng chiến thắng cho Kiev. Điều này sẽ thay đổi hoàn toàn quan điểm của Mỹ và phương Tây về tương lai của cuộc chiến", ông Prakash nói.
Quân đội Ukraine có dễ bị “sẩy chân”?
Các chuyên gia quân sự nhấn mạnh rằng một cuộc tấn công mới có thể là một canh bạc nguy hiểm, vì Ukraine có thể thiếu binh lực và vũ khí để đạt được bước tiến tiếp theo trong bối cảnh vẫn phải chia quân canh giữ tiền tuyến kéo dài ở miền đông Ukraine.
"Ukraine muốn đẩy mạnh tiến công nhưng không có đủ lực lượng để làm điều đó. Nếu liều lĩnh, Ukraine rất dễ sẩy chân trên lãnh thổ Nga", ông Mark Cancian cảnh báo.
Ông nhận định rằng, việc Nga tăng cường cảnh giác hơn với khả năng xảy ra các cuộc tấn công xuyên biên giới sau những gì đã xảy ra ở Kursk là nguyên nhân khiến Kiev "cầm chắc thất bại" trong chiến dịch quân sự này.
Khi giờ phút bất ngờ vì bị đánh úp qua đi, Nga đã lập tức chấn chỉnh đội hình và điều quân đến khu vực biên giới để cản bước tiến của Ukraine. Các lực lượng Nga đóng chốt trong khu vực nằm giữa Belgorod và Kursk được đặt trong trạng thái “sẵn sàng chiến đấu”. Báo cáo của Công ty tình báo quốc phòng Janes nhận định rằng phản ứng của Moscow "dù chậm nhưng ổn định và có tính toàn diện”.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 26/8 tuyên bố đã chặn đứng các cuộc tấn công của Ukraine gần khu dân cư Kremyanoye, Malaya Loknya và Nechayev. Không quân, pháo binh, bộ binh Nga cũng hiệp đồng tấn công Lữ đoàn Cơ giới số 115 và 22, Lữ đoàn Xung kích Đường không số 82, và một Lữ đoàn Hỗ trợ và Lữ đoàn Cảnh vệ Ukraine ở ít nhất 12 địa điểm khác nhau tại tỉnh Kursk.
Ngoài ra, quân đội Nga còn tập kích lực lượng đối phương ở 16 địa điểm tại tỉnh Sumy của Ukraine, giáp vùng Kursk.
Mới đây, Tổng Tư lệnh Lực lượng vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi nhận định rằng Nga đã nhìn rõ kế hoạch của Ukraine trong việc chuyển hướng quân Nga khỏi hai điểm then chốt dọc theo tiền tuyến ở Donbas, từ đó "tăng cường nỗ lực quân sự" ở những khu vực này để gây sức ép ngược lại Ukraine.
Cuộc đua với thời gian
Giới quan sát vẫn chưa đưa ra dự đoán thống nhất về kết quả chiến dịch tấn công Kursk của Ukraine hay khả năng Ukraine có thể giữ được quyền kiểm soát lãnh thổ Nga cho đến thời điểm ngồi vào bàn đàm phán hay không.
Theo chuyên gia quân sự Mark Temnycky thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, Ukraine có thể có động lực để đạt được nhiều bước tiến hơn nữa trong thời điểm hiện tại, do tình hình chính trị ở phương Tây ngày càng bất ổn và áp lực gia tăng buộc Kiev phải hòa đàm với Moscow.
"Ukraine có thể sẽ tìm cách thiết lập quyền kiểm soát đối với lãnh thổ Nga trước khi ngồi vào bàn đàm phán. Kiev có thể sử dụng các thành tựu quân sự này một con bài mặc cả để đổi lấy vùng đất hiện do Nga chiếm đóng", ông Temnycky nói.
Ông Richard Kouyoumdjian Inglis, thành viên cấp cao tại Viện Quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh lưu ý, không chỉ có Ukraine đang nỗ lực trên tiền tuyến. "Cả hai bên đều cố gắng giành được ưu thế trên chiến trường để đối lấy ưu thế trên bàn đàm phán trước khi mùa đông đến".
Cơ sở hạ tầng năng lượng đã trở thành mục tiêu chính trong nhiều đợt không kích lẫn nhau của Ukraine và Nga, nhằm ngăn cản đối phương tiếp tục tham chiến trên các mặt trận chính. Hồi tháng 6, Ukraine ước tính các cuộc tấn công của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của nước này đã khiến Kiev mất hơn 50% sản lượng điện. Kiev cũng đáp trả bằng cách tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất của Nga trên Biển Đen hồi tháng 7 và nhà máy điện hạt nhân Kursk trong tháng này.
Để gây thêm sức ép với Ukraine, từ hôm 26/8, Nga cũng tiến hành một loạt cuộc tấn công tầm xa vào lưới điện. Cuộc tấn công đầu tuần này sử dụng tới hơn 200 tên lửa và máy bay không người lái, gây mất điện trên diện rộng.