Chấm dứt ngay chính sách bao vây cấm vận phi lý và lỗi thời đối với Cuba

Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế yêu cầu Mỹ phải chấm dứt ngay chính sách bao vây cấm vận phi lý và lỗi thời kéo dài nhiều thập niên qua, gây thiệt hại nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và đời sống của đất nước và người dân Cuba.

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cấm vận của Mỹ đối với Cuba

Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt cấm vận của Mỹ đối với Cuba

Lệnh cấm vận hà khắc và kéo dài bậc nhất lịch sử

Đại hội đồng Liên hợp quốc vào ngày 30-10 đã thông qua nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington áp đặt đối với Cuba trong hàng chục năm qua. Trong đó, Việt Nam cùng cộng đồng quốc tế kêu gọi chấm dứt cấm vận đối với Cuba. Trước đó, Đại hội đồng Liên hợp quốc từng nhiều lần yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận Cuba. Tại kỳ họp lần này của Đại hội đồng, hơn 30 tham luận của đại diện các quốc gia và nhóm quốc tế khác nhau đã bày tỏ phản đối cuộc chiến kinh tế của Mỹ chống lại quốc gia Caribe này, đồng thời bác bỏ việc đưa Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố.

Trong một tuyên bố đưa ra tại kỳ họp, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng cuộc phong tỏa chống lại Cuba là một cuộc chiến kinh tế, tài chính và thương mại và các chính sách của Mỹ đã gây ra sự đau khổ cho người dân Cuba nhằm buộc chính phủ quốc đảo Caribe này phải thay đổi. Đại diện phái đoàn Cuba tại Liên hợp quốc cũng đưa ra tuyên bố nêu rõ quan điểm của La Habana đối với các lệnh cấm vận của Washington.

Cách đây hơn 60 năm, ngay sau cuộc cách mạng do lãnh tụ Fidel Castro lãnh đạo lật đổ chế độ độc tài Fulgencio Batista vào ngày 1-1-1959 và đặc biệt là sau chiến thắng Hiron của cách mạng Cuba (9-4-1961) và đất nước Caribe này tuyên bố đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, Mỹ đã bắt đầu thực hiện chính sách cấm vận và ngày càng siết chặt cuộc bao vây kinh tế thương mại và tài chính chống Cuba. Thất bại trong trận Hiron - một thất bại quân sự đầu tiên của Mỹ ở châu Mỹ, Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight Eisenhower đã tuyên bố rằng, biện pháp duy nhất Mỹ có thể làm được là làm thế nào để ngày càng có ít đi sự ủng hộ trong nước đối với cách mạng Cuba, tức là thông qua sự bất mãn với những khó khăn thiếu thốn về kinh tế, để cách mạng Cuba tự sụp đổ.

Theo chính sách bao vây, cấm vận Cuba không thể xuất sang Mỹ bất kỳ sản phẩm nào, trong khi lẽ ra quốc gia này đã có thể xuất sang Mỹ 30.000 tấn kền, 1 triệu tấn đường, gần 30 triệu USD rượu Rhum Havana Club và hơn 100 triệu USD xì gà hàng năm... Cuba cũng không thể nhận du khách từ Mỹ trong khi chỉ cần nhận được 15% trong số 11 triệu du khách Mỹ đã đi thăm vùng Caribbean hàng năm thì Cuba sẽ có thể thu nhận khoảng 1 tỷ USD…

Trong hơn 6 thập niên qua, lệnh cấm vận của Mỹ gây thiệt hại cho Cuba khoảng hơn 164 tỷ USD. Chỉ riêng từ ngày 1-3-2023 đến ngày 29-2-2024, Cuba chịu thiệt hại khoảng 5 tỷ USD, tức khoảng 421 triệu USD mỗi tháng, 13,8 triệu USD mỗi ngày hoặc 575.000 USD mỗi giờ do lệnh cấm vận của Mỹ, một trong những lệnh cấm vận hà khắc và kéo dài nhất trong lịch sử. Đây là trở ngại chính đối với sự phát triển của quốc gia vùng Caribe này. Hơn thế, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, Mỹ còn áp đặt thêm hơn 240 lệnh trừng phạt mới đối với Cuba. Các lệnh cấm vận chồng lên lệnh cấm vận của Mỹ đã khiến người dân Cuba không thể tiếp cận được với thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu thiết yếu.

Trong hơn 60 năm qua, bất chấp sự bao vây cấm vận phi lý và bất công của Mỹ, cách mạng và nhân dân Cuba vẫn tiếp tục bảo vệ vững chắc nền độc lập, tự do, chủ quyền của mình. Đồng thời giành được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là về y học, được thế giới thừa nhận và đánh giá cao.

Các biện pháp cấm vận của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế

Thực tế lịch sử hơn 6 thập kỷ qua ngày càng cho thấy sự phi lý và lỗi thời của chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ đối với Cuba. Ngày càng có thêm nhiều tiếng nói mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế đòi Mỹ phải chấm dứt ngay cuộc bao vây cấm vận hà khắc với Cuba.

Nghị quyết kêu gọi Mỹ chấm dứt sự phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính mà Washington áp đặt đối với Cuba trong nhiều năm qua đã được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 30-10 với 187 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 1 phiếu trắng. Trong đó, 2 phiếu chống là của Mỹ và Israel - một trong những đồng minh thân cận nhất của Washington. Nếu như năm 1992, nghị quyết tương tự của Đại hội đồng Liên hợp quốc chỉ nhận được 59 phiếu thuận/tổng số 179 phiếu, có 3 phiếu chống, vắng mặt 46 và không có ý kiến là 76, thì đến kỳ bỏ phiếu tháng 10 năm nay, số phiếu ủng hộ việc bãi bỏ cấm vận của Mỹ đối với Cuba đã lên đến 187/190, phiếu chống chỉ có 2 và 1 phiếu trắng. Kết quả này cho thấy, càng ngày càng có thêm các quốc gia ủng hộ việc bãi bỏ chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cuba, đồng thời điều đó cũng chứng tỏ tính chất phi lý, vô nhân đạo và lỗi thời của chính sách này.

Cộng đồng quốc tế cho rằng chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đã tàn phá sự phát triển kinh tế, xã hội và cuộc sống của người dân Cuba. Cộng đồng quốc tế rất nhiều lần lên tiếng kêu gọi Mỹ tuân thủ các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc và các chuẩn mực cơ bản của luật pháp quốc tế, dỡ bỏ hoàn toàn lệnh phong tỏa và trừng phạt Cuba càng sớm càng tốt và đưa Cuba khỏi danh sách “các quốc gia tài trợ cho khủng bố”. Điều này vì lợi ích của cả Mỹ và Cuba cũng như nhân dân hai nước, đồng thời có lợi cho sự ổn định và phát triển của khu vực. Đây cũng là điều mà cộng đồng quốc tế đang mong đợi.

Đáng chú ý, tờ New York Times của Mỹ ngày 23-10 vừa qua đã đăng một lá thư ngỏ gửi Tổng thống nước này Joe Biden, trong đó kêu gọi ông Joe Biden đảo ngược chính sách đối với Cuba của người tiền nhiệm Donald Trump trong 90 ngày cuối cùng tại nhiệm. Bức thư nhấn mạnh chính sách cấm vận của Mỹ gây tổn hại cho người dân Cuba, nêu rõ: “Chưa quá muộn để thay đổi thực tế này bằng một chữ ký đơn giản. Hãy để Cuba được sống."

Bất chấp việc có nhiều lời kêu gọi quay trở lại nỗ lực bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Cuba của cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, Tổng thống Joe Biden vẫn duy trì chính sách đối với Cuba được áp dụng từ thời chính quyền Tổng thống Trump, bao gồm 243 lệnh trừng phạt bổ sung và chỉ định Cuba là nước tài trợ cho khủng bố, gây thiệt hại khoảng hơn 164 tỷ USD cho quốc gia này trong 6 thập kỷ qua.

Phát biểu tại cuộc thảo luận của Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 về đề mục “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba” diễn ra trong ngày 30-10 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, các biện pháp cấm vận vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tôn chỉ, nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, không những gây khó khăn cho người dân Cuba mà còn ngăn cản các nước khác tiếp cận hỗ trợ của Cuba, nhất là hỗ trợ nhân đạo và y tế. Là đất nước từng hứng chịu hậu quả nặng nề do cấm vận, Việt Nam phản đối mọi hình thức áp đặt đơn phương và cấm vận đối với quốc gia có chủ quyền.

Chia sẻ với những khó khăn của nhân dân Cuba, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi Mỹ ngay lập tức chấm dứt cấm vận và đưa Cuba ra khỏi danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố, tiến tới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, trên cơ sở bình đẳng, có đi có lại, tôn trọng chủ quyền quốc gia và độc lập chính trị của nhau. Việt Nam sẵn sàng đóng góp thúc đẩy đối thoại và củng cố lòng tin trong quá trình này. Nhân dịp này, đại diện Việt Nam tái khẳng định quan hệ hợp tác gắn bó và tình hữu nghị, đoàn kết bền chặt đối với nhân dân Cuba anh em.

Hoàng Tuấn

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cham-dut-ngay-chinh-sach-bao-vay-cam-van-phi-ly-va-loi-thoi-doi-voi-cuba-post594182.antd
Zalo