Lên kế hoạch chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố
Cùng với việc thực hiện thiết lập quảng trường Thành cổ Biên Hòa, Đồng Nai đang lên kế hoạch chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố.

Toàn cảnh khu vực quảng trường Sông Phố. Ảnh: P.Tùng
Dự án này đã được UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng cập nhật vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 để triển khai thực hiện.
Hướng đến mục tiêu kép
Quảng trường Sông Phố (còn gọi là công trường Sông Phố) là khu vực giao lộ của hai tuyến đường Cách Mạng Tháng Tám và 30-4. Quảng trường này được thực dân Pháp xây dựng vào năm 1861 sau khi đánh chiếm Biên Hòa. Tại khu vực quảng trường Sông Phố, còn có một số công trình kiến trúc cũng được xây dựng vào thời kỳ này như: Tòa bố Biên Hòa, Dinh Tỉnh trưởng.
Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai Trần Quang Toại cho biết, quảng trường Sông Phố đã đi vào lịch sử xứ Biên Hòa từ những ngày sôi động khi quần chúng nổi dậy cướp chính quyền mùa thu năm 1945. Ngày 27-8-1945, nơi đây đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể chào mừng chính quyền cách mạng lâm thời đầu tiên của tỉnh Biên Hòa. Gần một vạn người từ các nơi kéo về đây tham dự. “Quảng trường Sông Phố là ký ức lịch sử đối với người dân Biên Hòa. Những người lớn tuổi đều biết đến quảng trường Sông Phố” - thạc sĩ Trần Quang Toại chia sẻ.
Quảng trường Sông Phố (bùng binh trung tâm) được xếp hạng di tích cấp quốc gia vào năm 1991.
So với trước đây, quy mô của quảng trường Sông Phố đã bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa, nhà cửa của người dân được xây cất san sát.
Theo Sở Xây dựng, Biên Hòa là đô thị lớn, nhưng đến nay, nhiều thiết chế văn hóa như: nhà hát, trung tâm văn hóa, nhà tang lễ, quảng trường, sân vận động vẫn chưa được đầu tư xây dựng hoặc đã được xây dựng nhưng chưa xứng tầm quy mô. Đặc biệt là việc thiếu các khu vực quảng trường để phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.
Từ thực tế đó, Sở Xây dựng đề xuất UBND tỉnh thực hiện chỉnh trang, thiết lập các quảng trường Thành cổ Biên Hòa và Sông Phố. Việc thực hiện chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố hướng đến mục tiêu thiết lập thêm thiết chế văn hóa phục vụ cộng đồng, đồng thời tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của khu vực được xem là biểu tượng của đô thị Biên Hòa.
Tổ chức lại không gian, hình thành phố đi bộ
Theo Sở Xây dựng, hiện nay, không gian bao quanh quảng trường Sông Phố đa phần là các công trình, trụ sở cơ quan nhà nước, trường học. Quần thể các công trình trên bao quanh quảng trường Sông Phố, gây ra tình trạng ùn ứ kẹt xe vào giờ cao điểm. Các công trình, nhà ở dọc đường 30-4 từ quảng trường Sông Phố đến đường Trần Minh Trí cảnh quan kiến trúc không đồng nhất. Mặt khác, khu đất Công ty Xuất nhập khẩu Biên Hòa bỏ hoang nhiều năm, gây mất mỹ quan đô thị.
Từ thực trạng trên, năm 2024, Sở Xây dựng đề xuất ý tưởng chỉnh trang, thiết lập lại không gian quảng trường Sông Phố.
Theo Trưởng phòng Quản lý quy hoạch và phát triển đô thị, Sở Xây dựng Nguyễn Thị Vĩnh An, ý tưởng chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố được đề xuất theo hướng hình thành quảng trường tuyến. Theo đó, đề xuất không gian khu vực bùng binh Sông Phố, không gian của quảng trường được kéo dài, gần giống như tuyến phố hay hành lang. Đồng thời, tổ chức lại không gian để tạo cảm giác trục tuyến chính không ở vị trí xung khắc, hướng về sông Đồng Nai . Ở khu vực đầu và cuối quảng trường sẽ có công trình điểm nhấn để chuyển tiếp sang các không gian đô thị khác, nơi mà người dân địa phương được tập trung vào mỗi buổi sáng và tầm chiều muộn, là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Cũng theo bà An, sau khi được UBND tỉnh thống nhất chủ trương thực hiện, thời gian qua, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi các sở, ngành liên quan để xử lý các tài sản trên đất, làm cơ sở thu hồi một số khu đất như: khu đất Công ty Xuất nhập khẩu Biên Hòa, Trường trung học cơ sở Nguyễn Bỉnh Khiêm (cơ sở cũ đã di dời 2 năm nay)… để thực hiện chỉnh trang quảng trường Sông Phố. Sau đó, các đơn vị liên quan đã có văn bản góp ý với Sở Xây dựng, thống nhất thực hiện các thủ tục để triển khai dự án. Hiện nay, quy hoạch chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố đã được cập nhật vào Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Bộ Xây dựng thẩm định.
Tại buổi làm việc để nghe các đơn vị báo cáo việc thực hiện chỉnh trang các khu vực công cộng trên địa bàn thành phố Biên Hòa vào giữa tháng 4 vừa qua, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà cho rằng, thành phố Biên Hòa là đô thị loại I nhưng thiếu các công trình điểm nhấn, trong khi các di tích có thể tôn tạo, phát huy, trở thành điểm nhấn đô thị. Đối với dự án chỉnh trang, thiết lập quảng trường Sông Phố, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hồ Văn Hà giao Sở Tài chính cập nhật vào danh mục dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.