Bố trí trụ sở sau hợp nhất: Động thái quyết liệt cho một bộ máy hành chính tinh gọn
Hơn 4.000 cơ sở nhà, đất công với diện tích gần 19 triệu mét vuông đang được rà soát, phân bổ lại sau khi hợp nhất Đà Nẵng- Quảng Nam. Bài toán trụ sở không chỉ là câu chuyện chỗ ngồi mà là minh chứng về cách vận hành một bộ máy tinh gọn nhưng hiệu quả trong một thành phố mới đang hình thành.
Việc hợp nhất TP. Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam thành một đơn vị hành chính duy nhất không chỉ đặt ra bài toán về mô hình tổ chức, nhân sự mà còn kéo theo yêu cầu sắp xếp lại hệ thống trụ sở làm việc, nhà ở công vụ để đảm bảo không gián đoạn hoạt động quản lý nhà nước.
Trong bối cảnh đó, UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành Văn bản số 2923 do Chủ tịch UBND Lê Trung Chinh ký, phác thảo cụ thể phương án bố trí lại trụ sở của các sở, ban, ngành sau hợp nhất, một bước đi chiến lược nhằm thích ứng với mô hình hành chính mới, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả sử dụng tài sản công.
Theo thống kê, trước hợp nhất, Đà Nẵng có 1.681 cơ sở nhà đất với tổng diện tích đất hơn 6,4 triệu mét vuông, diện tích sàn sử dụng hơn 2,5 triệu mét vuông. Trong đó có 112 trụ sở làm việc chính thức.
Quảng Nam hiện có đến 2.610 cơ sở với tổng diện tích đất hơn 12,3 triệu mét vuông, diện tích sàn hơn 3,6 triệu mét vuông, bao gồm 509 trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị. Con số khổng lồ này một mặt phản ánh tiềm lực tài sản công, nhưng mặt khác cũng cho thấy thách thức không nhỏ nếu không tổ chức sắp xếp lại một cách bài bản, khoa học.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh vừa ký văn bản gửi Đảng ủy UBND TP về phương án bố trí trụ sở và nhà ở công vụ sau sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Về nguyên tắc chung, các trụ sở cơ quan Đảng và đơn vị sự nghiệp của Đảng cơ bản sẽ được giữ nguyên tại các vị trí hiện nay ở Đà Nẵng. Riêng Trường Chính trị thành phố có thêm cơ sở 2 tại Tam Kỳ để mở rộng hoạt động đào tạo.
Đặc biệt, Văn phòng Thành ủy đề xuất sử dụng trụ sở Tỉnh ủy Quảng Nam cũ tại số 24 Nguyễn Chí Thanh, TP. Tam Kỳ làm nơi bố trí bộ phận lưu trữ, phục vụ công tác chỉnh lý, số hóa tài liệu. Điều này thể hiện sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong việc đảm bảo không bị đứt gãy về mặt thông tin và hệ thống tài liệu phục vụ quản lý nhà nước.
Đối với hệ thống các sở, ngành sau sáp nhập, việc phân bổ trụ sở không dồn về một điểm trung tâm mà được bố trí rải rác theo tính chất hoạt động và điều kiện sẵn có. Nhiều đơn vị được đặt tại Trung tâm Hành chính TP. Đà Nẵng, một số khác bố trí tại các trung tâm hành chính cấp quận, hoặc các cơ sở riêng biệt phù hợp chức năng chuyên môn.
Theo phương án, Trung tâm Hành chính quận Sơn Trà sẽ là nơi đặt trụ sở của Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong khi đó, Trung tâm Hành chính quận Cẩm Lệ tiếp nhận Sở Dân tộc và Tôn giáo cùng cơ quan Thanh tra TP. Đà Nẵng và Quảng Nam.
Sở Tư pháp sau hợp nhất được bố trí tại trụ sở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (số 495 Trần Cao Vân), một vị trí tương đối thuận lợi về giao thông và kết nối. Trụ sở nhà đất số 6 Trần Quý Cáp được giao làm nơi làm việc của Sở Y tế, tích hợp hoạt động của cả hai địa phương cũ. Sở Công thương dự kiến chuyển về Trung tâm Hành chính Cẩm Lệ tại số 133 Ông Ích Đường. Ban Quản lý An toàn thực phẩm bố trí tại trụ sở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn- một địa điểm gần các trung tâm phân phối lớn của thành phố. Sở Ngoại vụ sẽ sử dụng trụ sở tại số 106 Hoàng Văn Thụ để tiếp tục hoạt động.
Ngoài ra, Trung tâm Hành chính quận Liên Chiểu sau khi được điều chỉnh chức năng sẽ phục vụ làm trụ sở phường Hòa Khánh. Phần còn lại của tòa nhà sẽ được chuyển đổi thành Công viên phần mềm số 3- một bước đi thể hiện định hướng phát triển kinh tế số và đô thị thông minh của thành phố hợp nhất. Đây là một điểm đáng chú ý, bởi nó không chỉ là việc sắp xếp trụ sở đơn thuần mà còn lồng ghép chiến lược phát triển không gian đô thị theo hướng công nghệ cao.
Phương án mới cũng tính đến việc chuyển đổi công năng của một số cơ sở nhà đất. Cụ thể, có 26 cơ sở dự kiến được chuyển đổi phục vụ cho các lĩnh vực y tế, giáo dục và cộng đồng, nhằm tối ưu hóa giá trị xã hội của tài sản công. Đồng thời, 11 cơ sở khác được bố trí làm nơi làm việc cho các lực lượng vũ trang theo đề xuất của các cơ quan chuyên trách, đảm bảo an ninh, quốc phòng trong bối cảnh bộ máy hành chính được tái cấu trúc.

Theo kết quả rà soát, tổng số cơ sở nhà, đất là trụ sở làm việc và cơ sở hoạt động sự nghiệp của hai địa phương hiện có 4.291 cơ sở, với tổng diện tích đất khoảng 18,8 triệu m2 và hơn 6,2 triệu m2 diện tích sàn sử dụng.
Một điểm nổi bật là việc xác định 145 cơ sở nhà đất dôi dư sau sáp nhập, bao gồm 111 cơ sở ở Đà Nẵng và 34 cơ sở tại Quảng Nam. Trong đó, 90 cơ sở được giao cho Trung tâm Quản lý và Khai thác nhà để tiếp tục khai thác sử dụng. Các cơ sở này phần lớn nằm trên địa bàn các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn – khu vực có giá trị đất cao, hạ tầng tốt, dễ dàng tái sử dụng cho các mục tiêu công hoặc xã hội hóa.
55 cơ sở còn lại được chuyển về Trung tâm Phát triển quỹ đất quản lý. Với cơ chế linh hoạt, đây sẽ là nguồn lực quan trọng để đầu tư trở lại vào các công trình công cộng hoặc hỗ trợ phát triển đô thị một cách bền vững.
Việc tổ chức lại trụ sở không chỉ là giải pháp tình thế sau hợp nhất mà là bước đi thể hiện rõ định hướng lâu dài tinh gọn, hiệu quả và phục vụ người dân. Không còn là mô hình hành chính cũ, bộ máy mới đang cho thấy tư duy linh hoạt, biết tận dụng những tài sản sẵn có để phát triển, tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí. Đồng thời, việc mạnh dạn chuyển đổi một số cơ sở thành nơi cung ứng dịch vụ công hoặc công trình tiện ích cho cộng đồng cũng cho thấy cái nhìn toàn diện, không chỉ về quản trị mà còn về trách nhiệm xã hội trong quản lý nhà nước.
Sự hợp nhất về địa lý và hành chính chỉ là bước khởi đầu. Một bộ máy hiệu quả phải đi kèm với cơ sở vật chất tương ứng và phương án sắp xếp trụ sở lần này là minh chứng rõ ràng cho sự chuẩn bị nghiêm túc của chính quyền trong việc thích ứng với mô hình đô thị mới. Đây không chỉ là sự thay đổi về không gian làm việc mà là bước chuyển mình trong tư duy phục vụ- lấy người dân làm trung tâm, lấy hiệu quả làm thước đo và lấy sự liêm chính trong quản lý tài sản công làm nền tảng cho niềm tin.