Lên án thói hành xử côn đồ
Lòng nhân ái, thương người như thể thương thân là một trong những giá trị truyền thống cốt lõi tốt đẹp của dân tộc ta, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Dù vậy, trong xã hội Việt Nam hiện nay có lúc, có nơi xuất hiện những biểu hiện phi giá trị, những thói hư tật xấu, mà rõ nhất là thói côn đồ trong hành xử, nhất là sau va chạm giao thông.

Một số hình ảnh hành hung sau va chạm giao thông trong thời gian gần đây lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh cắt từ clip
Mặc dù lòng nhân ái của người Việt vẫn là bản sắc, giữ vai trò chủ đạo trong hệ giá trị văn hóa Việt Nam, đồng thời, những vụ việc ứng xử côn đồ chỉ xuất hiện đơn lẻ, nhưng rất cần xã hội lên án mạnh mẽ để đẩy lùi những mầm mống xấu, độc trong cộng đồng.
Nạn “côn đồ đường phố”
Mới đây, truyền thông đăng tải thông tin sau một va chạm nhẹ, không gây hư hỏng xe cộ xảy ra trong một con ngõ ở Thành phố Hà Nội, vào ngày 10-2, Tống Anh Tuấn (sinh năm 1982, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) lái xe ô tô Lexus và anh L.X.H. là nhân viên giao hàng (shipper) có lời qua tiếng lại. Tuấn sau đó đá vào mặt anh H., lấy mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu anh H. đến mức chiếc mũ bảo hiểm vỡ toác. Anh H. đã dùng tay che và không dám đánh lại. Sự việc chỉ dừng lại sau khi có sự can ngăn của cả người trên ô tô và người dân trong ngõ. Qua giám định, Trung tâm Pháp y Hà Nội xác định anh H. bị Tuấn “tác động” làm chấn động não, tỷ lệ tổn hại thương tích là 3%. Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam Tống Anh Tuấn. Điều đáng nói là anh H. bị khiếm khuyết ở ngón tay nên gặp khó khăn trong việc lùi xe máy đang chở hàng nặng...
Trước đó, các báo đưa tin, vào ngày 2-2, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giao Thủy (tỉnh Nam Định) đã ra quyết định giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Phạm Ngọc Tuân và Phạm Văn Tuyên (em trai Tuân) vì đã hành hung nam tài xế ở bến phà Cồn Nhất, Nam Định. Chỉ vì mâu thuẫn trong lúc tham gia giao thông, 2 đối tượng này đã lời qua tiếng lại, thách thức và hành hung anh Vũ Đức Thuận. Trong clip ghi lại cảnh Tuyên bám vào gương chiếu hậu, trèo qua ô cửa kính, luồn 2 chân vào trong khoang lái của ô tô và đạp liên tiếp vào anh Thuận và những người trong xe…
Cũng thông qua báo chí và mạng xã hội, nhiều người không khỏi bàng hoàng, bức xúc trước vụ hành hung dã man khi va chạm giao thông mới đây ở tỉnh Bình Dương. Theo đó, vào tối 30-12-2024, tại giao lộ Mỹ Phước Tân Vạn - NE8 thuộc phường Thới Hòa (thành phố Bến Cát, tỉnh Bình Dương), xảy ra va chạm giữa 2 xe máy. Sau đó, anh B. bị đối tượng Lê Văn Hiền (36 tuổi, quê tỉnh An Giang) dùng tay, chân và mũ bảo hiểm tấn công dã man, khiến anh bất tỉnh ngay tại hiện trường. Anh B. được người dân đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã tử vong sau hơn 4 ngày hôn mê sâu.
Những vụ ẩu đả, bạo lực xảy ra khi va chạm giao thông trên đường phố không chỉ dừng lại ở lăng mạ, chửi thề, phá hoại tài sản..., mà còn là những hành vi đánh đập, bạo lực dã man dẫn đến chết người. Những video clip được ghi lại cảnh nạn nhân bị đánh đập ngay trên đường phố đông người qua lại cho thấy sự hung hăng, coi thường pháp luật và cả sự vô cảm, xói mòn đạo đức, văn hóa của đối tượng hành hung.
Thạc sĩ tâm lý học Phan Thị Hồng Hà, giảng viên Khoa Cơ bản và quản lý giáo dục, Trường đại học Đồng Nai, cho rằng cha mẹ cần chỉ rõ cho con trẻ thấy hậu quả của những hành vi vô đạo đức, vi phạm pháp luật và định hướng cho trẻ lối sống đạo đức, sống đẹp, sống tử tế và tôn trọng pháp luật.
Chấn chỉnh ngay hành vi lệch chuẩn
Chỉ vì những va chạm, mâu thuẫn nhỏ khi tham gia giao thông, một số người đã chọn giải quyết bằng bạo lực mà không hề do dự. Đáng báo động hơn là những hành vi lệch chuẩn, bạo lực không chỉ xảy ra trên đường phố, mà còn manh nha và bộc phát qua không ít vụ bạo lực học đường được dư luận xã hội quan tâm thời gian qua.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ người vi phạm coi thường pháp luật, xem thường tính mạng, sức khỏe, tài sản người khác, còn có nguyên do ảnh hưởng từ những hành vi bạo lực từ phim ảnh, game, các clip trên mạng xã hội… Đặc biệt với giới trẻ khi tiếp nhận những thông tin tiêu cực, độc hại sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý, thái độ, hành vi, phong cách sống. Có những “idol” nổi lên trên mạng xã hội chuyên khoe hình xăm trổ, hô hào, ứng xử theo kiểu “xã hội đen” như đòi nợ thuê, chửi thề, đua xe... Điều đáng nói là các clip có nội dung nhảm nhí, kích động bạo lực này lại thu hút rất nhiều lượt xem, bình luận.
Thực tế là trong cuộc sống, mâu thuẫn, xung đột là điều không hay nhưng cũng thường xảy ra. Điều quan trọng là cách xử lý để mâu thuẫn được giải quyết êm đẹp, đúng luật và văn minh. Do đó, để dẹp nạn côn đồ trong ứng xử, giao tiếp, duy trì trật tự xã hội, rất cần một hệ thống quy định pháp luật chặt chẽ, chế tài đủ nghiêm để răn đe, xử lý những hành vi vi phạm.
“Khi xem những clip nạn nhân bị hành hung trên phố chỉ vì va chạm giao thông, tôi rất xót xa. Tôi thấy thời gian gần đây tần suất những hành vi côn đồ ngày càng gia tăng và mức độ nghiêm trọng hơn, do đó cần tăng mức xử phạt mạnh để cảnh tỉnh, ngăn chặn nạn côn đồ” - anh Minh Đức, ngụ thành phố Biên Hòa, bày tỏ.
Ngoài hoàn thiện hệ thống pháp luật, sự vào cuộc kịp thời, hiệu quả của cơ quan chức năng trong giải quyết vụ việc, còn cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục kiến thức về pháp luật và văn hóa giao thông. Đặc biệt, việc giáo dục, định hướng, hình thành nhân cách, hành vi chuẩn mực, văn hóa trong ứng xử, giao tiếp xã hội ngay từ khi còn là một đứa trẻ là rất cần thiết.
Theo thạc sĩ tâm lý học Phan Thị Hồng Hà, giảng viên Khoa Cơ bản và quản lý giáo dục, Trường đại học Đồng Nai, trong gia đình, ngay từ nhỏ, cha mẹ cần giáo dục con trẻ hành vi giao tiếp có văn hóa, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn... Cha mẹ gần gũi con hàng ngày, lắng nghe và định hướng cho trẻ những hành vi nên làm và không nên làm trong cuộc sống, kèm theo việc giải thích để trẻ hiểu. Cha mẹ nên là tấm gương sáng về chuẩn mực hành vi ứng xử văn hóa, đạo đức để trẻ noi theo...
Về phía nhà trường, cần tăng cường giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ như kỹ năng giao tiếp, quản lý cảm xúc, giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn, xung đột... Đồng thời, định hướng cho học sinh lối sống tích cực, lành mạnh; chấn chỉnh kịp thời những hành vi lệch chuẩn, vi phạm đạo đức của học sinh…