Lệch pha cung - cầu trên thị trường BĐS ngày càng tăng

Hiện tượng lệch pha cung - cầu không chỉ diễn ra ở thị trường TP. Hồ Chí Minh mà đang trở nên phổ biến ở các địa phương trên cả nước.

Dù nguồn cung nhà ở tại TP. Hồ Chí Minh thời gian qua khá dồi dào, nhưng phần lớn thuộc phân khúc trung và cao cấp. Trong khi nhu cầu chủ yếu của người dân lại thuộc phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Sau hơn 10 năm sống và làm việc tại TP.HCM, anh Trần Văn Vương, một nhân viên văn phòng gom góp từng đồng để mong có được chốn an cư. Anh tìm kiếm những căn hộ giá khoảng 40 triệu đồng/m², vừa sức chi trả. Nhưng càng tìm, anh càng thất vọng. Nhà vừa túi tiền thì xa trung tâm, còn ở gần chỗ làm thì giá vượt gấp đôi. Giấc mơ có một mái nhà nhỏ giữa thành phố dường như vẫn ngoài tầm với.

Anh Trần Văn Vương, quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ: “Vừa rồi tôi cũng có tham khảo sơ qua, bây giờ giá nhà thật sự quá khủng khiếp, nó vượt xa so với thu nhập của gia đình tôi hiện tại. Ban đầu, tôi cứ nghĩ nó rơi vào khoảng 30-40 triệu đồng/m2 thôi, sau khi tìm hiểu thì thấy trên 50-80 triệu đồng/m2. Với mức thu nhập của tôi cũng không phải là thấp ở Sài Gòn, tuy nhiên theo tôi đánh giá, khả năng mua nhà của tôi thì gần như là không có”.

Theo CBRE, năm 2025, TP.HCM đón 8.000-9.000 căn hộ mới, nhưng 80% là phân khúc nhà ở cao cấp, giá từ 60 triệu đồng/m² trở lên. Trong khi đó, nhu cầu thực tế lại tập trung vào phân khúc dưới 40 triệu đồng/m², chiếm 70% tổng giao dịch. Một trong những nguyên nhân khiến vắng bóng các dự án nhà ở có mức giá phù hợp đó là lợi nhuận ở phân khúc này quá thấp, khiến doanh nghiệp không mặn mà.

Bà Giang Huỳnh, Giám đốc Nghiên cứu và S22M Savills TP.HCM cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nguyên nhân lớn nhất khiến tắc nghẽn nguồn cung, nhất là nguồn cung căn hộ vừa túi tiền đến từ hai lý do chính: lý do thứ nhất là vì quỹ đất khan hiếm tại TP.HCM, thứ hai là giá đất tăng cao cũng như chi phí phát triển dự án tăng mạnh, từ đó nếu chủ đầu tư có những quỹ đất trong thành phố thì họ lựa chọn, hướng đến phân khúc nào đó làm cho tỷ suất lợi nhuận cao; họ nhắm đến phân khúc trung chứ không chọn phân khúc vừa túi tiền, bởi vì nó sẽ không mang lại lợi nhuận”.

Luật sư Thái Văn Chung, Đoàn Luật sư TP.HCM cho hay: “Muốn giảm chênh lệch liên quan đến giá thành để các đối tượng có nhu cầu tiếp cận được phân khúc đó thì ta phải sửa đổi và bổ sung phương án tổng thể. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư NƠXH, tạo điều kiện cho người lao động có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay và tào điều kiện công an việc làm. Hiện nay giá thành cao, nhu cầu nhiều nhưng mà ngược lại tiếp cận thì rất khó khăn, dẫn đến luôn luôn có sự chênh lệch”.

Một thị trường bất động sản phát triển bền vững không thể chỉ chạy theo giá trị tài sản, mà phải bắt đầu từ nhu cầu sống thật của số đông. Nhà ở là để phục vụ người dân, không phải để trở thành biểu tượng của xu hướng hay lợi nhuận. Khi thị trường bỏ quên nhu cầu thực, bất động sản sẽ không còn là động lực tăng trưởng, mà trở thành gánh nặng cho cả doanh nghiệp lẫn xã hội.

Vương Giao

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/lech-pha-cung-cau-tren-thi-truong-bds-ngay-cang-tang-323851.htm
Zalo