Lễ Xên Đông: Lưu giữ hồn thiêng văn hóa người Thái
Lễ Xên Đông không chỉ là nghi thức tâm linh, mà còn là di sản sống động, kết nối người Thái Nghĩa Lộ, Yên Bái với cội nguồn và trách nhiệm gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Rừng - “trái tim” của cộng đồng
Trong vùng lòng chảo Mường Lò, Yên Bái, Lễ “Xên Đông” hay còn gọi là Lễ cúng rừng đã trở thành một nghi thức đặc biệt được đồng bào người Thái gìn giữ qua bao thế hệ. Đây không chỉ là một nghi lễ tín ngưỡng, mà còn là biểu tượng của sự hòa quyện giữa con người và thiên nhiên, giữa lòng biết ơn và trách nhiệm đối với môi trường sống.
Với đồng bào người Thái, rừng không chỉ là nơi cung cấp gỗ, củi, mà còn là nguồn sống vô tận. Rừng giữ vai trò quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, duy trì sự cân bằng sinh thái, và quan trọng hơn hết, rừng là trái tim của cộng đồng.
Từ hàng ngàn năm qua, những quy ước bảo vệ rừng đã được truyền tải qua nhiều thế hệ. Những khu rừng đầu nguồn, nơi bắt nguồn các con suối và dòng sông, luôn được coi là tài sản quý giá, là nguồn sống không thể thiếu.
“Tai pá phăng, nhăng pá liệng” – “Sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, câu ca được truyền tải để nhắc nhở mối liên kết chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên.
Hằng năm, vào ngày 12 tháng Giêng âm lịch, khi tiết xuân vừa chạm ngõ, người Thái tại xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ lại nô nức chuẩn bị Lễ “Xên Đông”. Trong không khí trang nghiêm và ấm cúng, cả cộng đồng hội tụ dâng lễ vật, khấn nguyện thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống bình an.
Trao đổi với Người Đưa Tin, thầy cúng Đồng Đức Lả chia sẻ: “Không ai được chặt cây, săn bắn hay làm tổn hại đến rừng đầu nguồn, bởi một khi rừng mất, không chỉ đất đai cằn cỗi, mà cả linh hồn của cộng đồng cũng bị tổn thương”.
Dù lễ Xên Đông đã từng có khoảng thời gian bị mai một do những biến động lịch sử, thế nhưng tình yêu và sự tôn kính đối với nghi thức này chưa bao giờ phai nhạt trong tâm hồn của người Thái.
Theo ông Lả, lần cuối lễ được tổ chức là vào năm 1948 tại bản Viềng Công, xã Hạnh Sơn. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan, nghi lễ đã bị gián đoạn trong một thời gian dài.
Phải đến năm 2004, lễ Xên Đông mới được khôi phục tại bản Đường, xã Hạnh Sơn, do bản Viềng Công khi đó không còn những cây cổ thụ linh thiêng. Từ đó, nghi lễ đã trở thành một sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của người dân địa phương mà còn cả những du khách từ khắp nơi.
Lễ “Xên đông” gồm 2 hoạt động chính là phần nghi lễ và phần hội. Lễ cúng là phần nghi lễ quan trọng nhất, thể hiện sự thành kính của người dân đối với thiên nhiên và tổ tiên.
Từ sáng sớm ngày trước lễ chính, thầy mo đặt những nén hương đầu tiên dưới gốc đa cổ thụ để khấn vái, báo cáo với các thần linh. Bên gốc đa, một chiếc lán nhỏ được dựng lên, trang trí bằng giấy màu với ba sắc chủ đạo: đỏ tượng trưng cho sự sung túc, xanh biểu trưng cho bình an và vàng mang ý nghĩa thành công, vui vẻ.
Lễ vật chính được chuẩn bị cẩn thận: một con trâu, bánh chưng, cây mía, cùng áo và vòng bạc từ nhà chủ mường.
Con trâu được buộc dưới gầm sàn, đợi giờ lành để thầy mo thực hiện nghi lễ xin phép mang trâu đi mổ, đồng thời mượn các vật phẩm linh thiêng để thực hiện nghi thức tại khu rừng thiêng.
Thầy mo Đồng Đức Lả nhấn mạnh: “Món lễ quan trọng nhất trong mâm cúng là miếng gân trâu, được cắt thành bốn đoạn, xòe ra như hình bàn tay để tượng trưng cho bốn phương trời, năm phương đất. Thiếu điều này, nghi lễ không thể thành công”.
Lễ cúng rừng thiêng, gìn giữ và phát huy
Khi giờ lành đến, cả bản hướng về khu rừng “pu loong” (đồi rồng), nơi có cây cổ thụ linh thiêng. Trong bộ áo đỏ rực, thầy mo chính bắt đầu nghi thức thỉnh mời thần linh về dự lễ.
Lời khấn vống và nghi lễ cúng như một cuộc đối thoại giữa con người và các đấng siêu nhiên, gửi gắm lòng thành kính và mong ước cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ ấm no, hạnh phúc.
Phần lễ kết thúc bằng nghi thức cúng thành lũy Viềng Công, nơi gắn với truyền thuyết về người anh hùng Cầm Hánh, một chiến binh Thái kiên cường chống giặc phương Bắc từ thế kỷ 19.
Cuối cùng, thầy mo và các thành phần tham dự lễ cúng sẽ làm lễ cúng tổ tiên bản mường tại gia đình của người có chức vụ to nhất trong xã để báo cáo đã hoàn tất các thủ tục nghi lễ của bản mường và xin được phù hộ cho dân bản năm mới mọi điều tốt lành, mùa màng bội thu.
Tiếp nối phần lễ là phần hội với các hoạt động nghệ thuật dân gian như múa xòe, hát khắp, nhảy sạp, biểu diễn nhạc cụ và các trò chơi truyền thống của đồng bào Thái vùng Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ.
Ông Lò Văn Quân - chi hội trưởng chi hội thôn thuộc xã Hạnh Sơn, chia sẻ: “Lễ Xên Đông là niềm tự hào của đồng bào Thái, duy trì nét văn hóa truyền thống đặc sắc. Chúng tôi mong muốn lễ hội được lan tỏa rộng rãi, góp phần quảng bá văn hóa gắn với du lịch, nâng cao trách nhiệm bảo tồn lễ hội cho thế hệ trẻ, đẩy mạnh du lịch cộng đồng”.
Niềm tự hào càng nhân lên khi Lễ Xên Đông vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với người dân địa phương, đây là cột mốc quan trọng, khẳng định giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Thái.
Bà Hà Thị Đoàn - một người dân gắn bó với lễ hội từ thuở nhỏ bày tỏ: “Tôi không thể diễn tả hết niềm vui và sự xúc động khi nghe tin lễ hội được ghi danh. Đây là minh chứng cho sự trường tồn của văn hóa dân tộc Thái.
Chúng tôi luôn trân trọng lễ hội này như một báu vật. Mỗi năm, khi lễ hội diễn ra, không khí cả bản làng như bừng sáng, nhắc nhở chúng tôi phải bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và hơn hết là giữ gìn truyền thống để truyền lại cho con cháu”.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, ông Lương Mạnh Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tập trung vào việc quảng bá lễ hội như một điểm nhấn trong du lịch cộng đồng, đưa Nghĩa Lộ trở thành điểm đến không thể bỏ qua trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Đồng thời, các chương trình truyền dạy và thực hành lễ hội cho thế hệ trẻ sẽ được đẩy mạnh, đảm bảo rằng di sản này sẽ trường tồn mãi mãi”.
Ông cũng khẳng định sẽ khuyến khích cộng đồng tham gia tích cực vào việc bảo vệ và thực hành di sản. Vì chỉ khi mỗi người dân cảm nhận được giá trị của lễ hội, thì di sản văn hóa này mới thực sự sống động và bền vững.