Lễ tưởng niệm những nạn nhân bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam

Sáng 13/4, Ban Quản lý Di tích cấp quốc gia Khu di tích lịch sử chùa Tam Bửu, chùa Phi Lai, nhà mồ Ba Chúc (thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn) tổ chức Lễ tưởng niệm những nạn nhân Ba Chúc bị sát hại trong chiến tranh biên giới Tây Nam lần thứ 47 (16/3/1978 - 16/3/2025 âm lịch). Bí thư Huyện ủy Tri Tôn Lâm Thành Sĩ; Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Võ Thanh Tuấn tham dự.

Tại Ba Chúc, vào đêm tháng 4-1977, cùng lúc với 14 xã biên giới của tỉnh An Giang, Pôn-Pốt đã xua quân tấn công, tàn sát đồng bào ta một cách man rợ. Tột cùng của tội ác này là cuộc thảm sát 3.157 người dân Ba Chúc, từ ngày 18/4 đến 30/4/1978. Qua 12 ngày đêm bị bọn Pôn-Pốt chiếm đóng, Ba Chúc bị dìm trong biển máu. Đi đến đâu, chúng cũng cướp bóc tài sản, đốt phá nhà cửa, các công trình công cộng; tàn sát đồng bào ta không kể già trẻ, nam nữ. Hàng trăm gia đình phải sống cảnh “màn trời chiếu đất”.

Di tích Nhà mồ Ba Chúc được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia vào ngày 10/7/1980. Nơi đây lưu giữ hài cốt của những người dân vô tội bị sát hại và được xem là một bản cáo trạng về tội ác diệt chủng của Pôn-Pốt, muôn đời còn ghi nhớ. Đồng thời khẳng định giá trị nhân văn, tính chính nghĩa và nghĩa vụ quốc tế cao cả của Quân tình nguyện Việt Nam đối với sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.

Tại buổi lễ, các đại biểu đã dành phút mặc niệm tưởng nhớ 3.157 nạn nhân vô tội bị bọn diệt chủng Pôn-Pốt sát hại; chứng kiến nghi lễ đánh trống khai lễ tưởng niệm, đốt đuốc hồn thiêng, dâng hương tại nhà mồ Ba Chúc - nơi bảo quản 1.159 bộ hài cốt nạn nhân thu gom được.

Trước đó, các đại biểu đã tham dự lễ dâng hương tại bia tưởng niệm đồng bào Ba Chúc bị giặc Pôn-Pốt thảm sát năm 1978 (từ ngày 18/4/1978 - 30/4/1978) tại cầu sắt giữa T6 (gần núi Tượng), nơi diễn ra cuộc thảm sát năm xưa.

ĐỨC TOÀN

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/le-tuong-niem-nhung-nan-nhan-bi-sat-hai-trong-chien-tranh-bien-gioi-tay-nam-a418769.html
Zalo