Lễ nghĩa xưa, ấm tình xuân mới
Văn hóa luôn vận động cùng đời sống, có những lễ nghi, phong tục vẫn còn nguyên giá trị, dù mỗi thời đại lại có cách thể hiện khác nhau.
Hạnh phúc khi biết ơn
Trong những tất bật của ngày cận tết, người ta sắm sửa nhiều thứ mới nhưng không quên tục lệ đi tảo mộ. Người miền Nam gọi tục tảo mộ là giẫy mả, thường bắt đầu từ sau 20 tháng Chạp, nhiều gia đình chọn ngày 25 tháng Chạp.
Nhà sưu tập hiện vật, cổ vật Nam bộ Hồ Hoàng Tuấn cho biết: “Các gia đình chọn ngày quét mộ và làm mâm cúng cơm trong 1 ngày hoặc 1 buổi; nhiều gia đình, dòng họ lớn nhiều mồ mả ông bà người thân thì tảo mộ trong 2 ngày. Ngày thứ nhất tập trung làm cỏ, vệ sinh, tu sửa mồ mả, ngày thứ 2 chuẩn bị mâm giỗ cúng ông bà, tổ tiên (hay còn gọi là giỗ chạp mộ hoặc giỗ chạp).
Những người con cháu trực tiếp hưởng hương hỏa chăm sóc mồ mả, hoặc những người ở gần, thường sẽ tập trung tảo mộ trong ngày thứ nhất. Con cháu, họ hàng ở xa thì có thể chỉ ghé thắp nhang ở ngôi nhà thờ chính thờ ông bà tổ tiên và tham dự buổi giỗ chạp. Ngày giỗ chạp (cúng tảo mộ ở những gia đình dòng họ lớn) được xem như ngày giỗ tất niên của gia đình dòng họ, con cháu họp mặt cùng nhau, trước lo mồ mả ông bà, sau dùng buổi tiệc thân mật của dòng họ ngày cuối năm”.
Đặc biệt, ngày 30 tết (năm nào không có ngày 30 thì ngày 29) những ngôi mộ vô chủ, hoặc con cháu ở xa quá không về được, người dân sống gần đó cũng phát tâm đến quét dọn, tục gọi là đi tảo mộ thí hay giẫy mả thí. “Người đi tảo mộ thí là những người có tâm đạo tốt, thắp một nén nhang ấm áp cho những nấm mộ lạnh, không người thân lui tới. Giẫy mả hay giẫy mả thí là một trong rất nhiều tục lệ từ xưa, nhưng cũng từ việc làm trong ngày giáp tết đó mà ông bà mình dạy con cháu biết lễ nghĩa, hiếu đạo với thế hệ trước, biết nghĩ cho cộng đồng quanh mình. Rồi đời này nối tiếp đời sau, ai đó dù mần ăn xa hay học hành xuôi ngược, thì ngày tết cũng biết tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà”, nhà sưu tầm Hồ Hoàng Tuấn chia sẻ thêm.
Trong nhịp sống đô thị hiện nay, việc chôn cất tập trung theo nghĩa trang, hay gửi tro cốt ở chùa, nên tục giẫy mả, quét vôi thay thế bằng việc lên nghĩa trang thăm viếng mồ mả, vào chùa thắp một nén nhang… Dẫu theo hình thức nào, nhưng trong tâm tưởng mỗi người, khi còn biết ơn thì chắc hẳn cuộc đời còn hạnh phúc.
Một miền tết xưa
Nhiều năm nay, ngoài các điểm chợ hoa, đường hoa, mỗi phường, hẻm ở TPHCM đều có những góc trang trí nhỏ để phục vụ nhu cầu dạo phố, chụp hình của người dân. Dễ thấy nhất là những góc nhỏ trong các con hẻm, với cành mai, mâm ngũ quả bày trên bàn tre… Một miền tết xưa đặc trưng của Nam bộ len lỏi khắp thị thành. Cả năm dài dù có bận rộn với học hành, công việc, bàn chuyện đổi mới, hiện đại thì ngày đầu năm, người ta xúng xính trong tà áo dài rồi cùng nhau ghi lại khoảnh khắc đẹp với những gì truyền thống, thân thuộc nhất.
Cùng nhóm bạn chọn áo dài màu xanh da trời và điểm hẹn là Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ để chụp hình kỷ niệm ngày tết, chị Phan Thu Hồng (36 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Ngày thường đi mua sắm, đi dạo trung tâm thương mại; ngày tết, tôi lại thích tìm về nét văn hóa xưa. Vì ẩn trong những thứ bày trí ngày tết là một ý nghĩa, một lời dạy rất hay của ông bà mình về lễ nghĩa ở đời. Một người bạn của tôi từ Canada về ăn tết, nhìn các hiện vật trưng bày trong bảo tàng có bộ lư Nam bộ, bạn thích lắm, lúc nhỏ ở quê gần như nhà nào cũng có một bộ trên bàn thờ gia tiên ngày tết”.
Bộ lư mà chị Hồng chia sẻ, thường thấy trên bàn thờ gia tiên trong những ngày tết Nam bộ xưa. Ngày thường chỉ lau sạch, nhưng đến tết thì phải đem đánh bóng, bởi chưng lên bàn thờ ông bà ở vị trí trung tâm trong nhà mà không sạch đẹp thì coi sao đặng. Cũng bởi thế, mà rong ruổi đâu đó trên những con đường ở thành phố ngày giáp tết, dịch vụ “đánh bóng lư đồng” làm thời vụ, nhưng cũng kiếm kha khá.
Chuyên đề “Cổ vật kể chuyện xuân” đang trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ thu hút khách lui tới, bởi một miền tết xưa mộc mạc mà thân thuộc. Tủ kính trưng bày lỉnh kỉnh các loại khuôn bánh in, bánh phục linh… mà các bà, các mẹ thường chắt chiu để dành làm ngày tết, trước cúng ông bà, sau đãi khách và cho sắp nhỏ trong nhà có chút quà vui.
Dừng lại trước không gian trưng bày bàn thờ gia tiên dịp tết, anh Nguyễn Hồng Huy Hân (40 tuổi, nhân viên quảng cáo, ngụ quận 3, TPHCM) bày tỏ: “Quê tôi ở Tiền Giang, nhìn đồ trưng bày ở đây mà nhớ tết xưa ở quê. Mỗi lần lau dọn, chưng bông, trái cây lên bàn thờ ông bà, tôi nhớ nhất là dĩa quả tử, như cái dĩa đang trưng bày ở đây. Trái cây ngày thường để trên dĩa lớn nhỏ gì cũng được, nhưng chưng tết nhất định phải là dĩa quả tử cỡ lớn. Dĩa quả tử được đặt lên chiếc chò gỗ thường 3 chân chạm hình 3 con rồng đang nâng đỡ, trên thân chạm các họa tiết như mai điểu, cúc điểu, dây lá tây. Mỗi lần bày ra cúng kiếng ông bà, tía má thường dạy các con về lòng hiếu thảo, biết ơn, rồi đám cháu nhỏ trong nhà chạy tới chạy lui, nhìn ông bà, cha mẹ làm mà học phần lễ nghĩa từng chút nhỏ trước khi biết rành con chữ”.
Lễ nghĩa mùa xưa hay tục lệ cổ truyền thuộc về một miền tâm thức mà chuyện thực hiện tùy vào điều kiện, hoàn cảnh mỗi người. Trong hành trình đi tới luôn cần nền tảng kết nối từ quá khứ đến hiện tại, và khi người ta còn giữ cho mình những giá trị xưa tốt đẹp, thì văn hóa dân tộc trở thành “sức mạnh nội sinh” bất biến trong vòng xoáy tiếp biến văn hóa toàn cầu.