Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31: Vượt qua giới hạn để tạo dấu ấn Việt Nam

Sau Lễ khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) rực rỡ, hoành tráng, nổi bật hình ảnh đẹp về đất nước Việt Nam vào tối 12-5, thành phố Hà Nội lại đang gấp rút chuẩn bị cho lễ bế mạc vào tối 23-5.

Được tin tưởng giao nhiệm vụ sản xuất cho chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt của Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31, Nhà hát Múa rối Thăng Long đã nỗ lực vượt qua giới hạn để góp phần tạo dấu ấn của Việt Nam trong sự kiện thể thao lớn nhất khu vực.

Ê-kíp sản xuất và thực hiện chương trình nghệ thuật.

Ê-kíp sản xuất và thực hiện chương trình nghệ thuật.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền, Giám đốc Nhà hát Múa rối Thăng Long, Giám đốc sản xuất chương trình nghệ thuật Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31, chia sẻ với phóng viên Báo Hànôịmới niềm vinh dự cũng như thách thức khi một đơn vị nghệ thuật của Thủ đô được giao nhiệm vụ lớn này.

- Là một đơn vị nghệ thuật hàng đầu của Thủ đô trong nghệ thuật truyền thống, nhưng Nhà hát Múa rối Thăng Long lại được giao nhiệm vụ lớn ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn tổng hợp. Chắc hẳn nhà hát đã có nhiều nỗ lực để được sự tin tưởng của thành phố trong sự kiện này, thưa bà?

- Nhà hát Múa rối Thăng Long là một đơn vị nghệ thuật biểu diễn múa rối nước danh tiếng quốc tế, nhiều năm liền được công nhận là “Nhà hát duy nhất châu Á đạt kỷ lục diễn rối nước 365 ngày/năm”.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền (áo hồng) và các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền (áo hồng) và các nghệ sĩ biểu diễn trong chương trình.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhà hát phải dừng hoạt động biểu diễn thời gian dài, khiến cán bộ, nghệ sĩ rất khó khăn. Ban Giám đốc đã bàn tính và xoay hướng thêm hoạt động tổ chức sản xuất, biểu diễn, ghi hình các chương trình nghệ thuật khác phục vụ khán giả không chỉ ở Hà Nội mà nhiều địa phương trên cả nước.

UBND thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tin tưởng phân công trách nhiệm cho Nhà hát Múa rối Thăng Long tổ chức thực hiện chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền (áo hồng) trao đổi với các ê-kíp tham gia chương trình.

Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền (áo hồng) trao đổi với các ê-kíp tham gia chương trình.

Đây thực sự là vinh dự, tự hào nhưng cũng là trọng trách lớn đối với tập thể nhà hát. Không chỉ áp lực về thời gian tổ chức sản xuất gấp rút, trong 45 ngày, mà còn nhiều thách thức trong việc tạo dựng hai chương trình nghệ thuật mang tinh thần thể thao, nhưng cũng đầy cuốn hút qua các hình thức nghệ thuật đặc sắc, hiện đại, nổi bật để ghi dấu ấn về một Việt Nam và Thủ đô Hà Nội thân thiện, mến khách, giàu bản sắc văn hóa, một Việt Nam chủ động, kết nối, truyền cảm hứng, lan tỏa tới các nước trong khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh thế giới vừa trải qua đại dịch.

- Vậy, tập thể nhà hát đã nỗ lực như thế nào trước trọng trách vinh dự này, thưa bà?

- Ngay khi nhận nhiệm vụ, nhà hát đã huy động 100% ban lãnh đạo vào cuộc và 50% cán bộ, nghệ sĩ chỉ tập trung vào sản xuất chương trình, còn các cán bộ, nghệ sĩ khác vẫn duy trì tổ chức biểu diễn phục vụ nhu cầu khán giả múa rối tại địa chỉ quen thuộc của đơn vị.

Thú thật, dù đã có kinh nghiệm tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật tổng hợp trên sân khấu trong nhà và ngoài trời, nhưng tổ chức hai chương trình nghệ thuật lớn tầm cỡ quốc gia như thế này khiến chúng tôi không khỏi áp lực và lo lắng. Hầu hết ê-kíp tham gia đều làm việc nhiều ngày đêm không nghỉ để hoàn thành nhiệm vụ.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ biểu diễn nổi bật.

Chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ biểu diễn nổi bật.

Dưới sự chỉ đạo của Tiểu ban Khai mạc và bế mạc (Ban tổ chức SEA Games 31), Nhà hát Múa rối Thăng Long đã triển khai lựa chọn, giới thiệu các ê-kíp thực hiện gồm tổng đạo diễn, đạo diễn sân khấu, tác giả kịch bản, biên đạo múa, đơn vị sản xuất âm thanh, ánh sáng… và theo sát chương trình, khớp nối các bộ phận từ đầu đến cuối.

Ê-kíp thực hiện phải là những người, đơn vị có uy tín, năng lực, kinh nghiệm, đồng thời có thể kết hợp hài hòa những sáng tạo để đem đến chương trình tổng thể lôi cuốn, hấp dẫn.

- Tổng đạo diễn, tác giả kịch bản và đạo diễn sân khấu là những người quan trọng, là “linh hồn” của chương trình. Lễ khai mạc đã cho thấy đơn vị sản xuất mời được đúng người tham gia, thưa bà?

- Thật may mắn chúng tôi đã mời được tổng đạo diễn, tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu vô cùng tài năng và tâm huyết. Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly là một gương mặt nổi bật, đã tổng đạo diễn nhiều chương trình nghệ thuật lớn, gây tiếng vang.

Hơn nữa, hiện nay, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly giữ cương vị Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Là nhà quản lý nên bà có tầm nhìn bao quát, có khả năng gắn kết các nhóm thực hiện để tạo nên chương trình xuyên suốt, nhịp nhàng.

Đạo diễn sân khấu Hoàng Công Cường cũng là một gương mặt đạo diễn tài năng, nhiều ý tưởng và đặc biệt có khả năng nắm bắt công nghệ hiện đại trên thế giới. Hai nghệ sĩ này cùng viết kịch bản cho chương trình nghệ thuật lễ khai mạc và bế mạc.

 Sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật biểu diễn ấn tượng.

Sự kết hợp giữa công nghệ và nghệ thuật biểu diễn ấn tượng.

Đặc biệt, hai chương trình có sự cố vấn của các nhà chuyên môn uy tín: PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, PGS.TS Trần Đức Cường (cố vấn nội dung); NSND Trịnh Thúy Mùi, NSND Đức Trịnh, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, NSND Phạm Anh Phương, Giáo sư sử học Lê Văn Lan (cố vấn nội dung)…

- Lễ khai mạc SEA Games 31 nhận được nhiều khen ngợi của giới chuyên môn, khán giả, truyền thông trong nước và quốc tế về cả nội dung và trải nghiệm nghệ thuật. Nhưng vẫn có ý kiến rằng chương trình hơi “lạm dụng” công nghệ. Bà nghĩ sao về điều này?

- Đơn vị sản xuất và ê-kíp thực hiện cũng mong muốn rất nhiều, nhưng do thời gian gấp rút và ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhân sự tham gia biểu diễn chưa thật đông đảo. Trong quá trình thực hiện, rất nhiều nghệ sĩ, diễn viên và ê-kíp sáng tạo bị nhiễm Covid-19.

Song quan trọng hơn, các chương trình nghệ thuật khai mạc sự kiện thể thao lớn trên thế giới thời gian qua đã sử dụng công nghệ sân khấu hiện đại, tạo hiệu ứng tốt cho khán giả nên chúng tôi cũng muốn nổi bật công nghệ để đem lại trải nghiệm hấp dẫn ở sự kiện lần này.

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc.

Đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc.

- Ngay trước Lễ khai mạc SEA Games 31, có một cơn mưa lớn ở Hà Nội, điều đó chắc hẳn khiến cả ê-kíp “nín thở”?

- Việc sử dụng công nghệ chiếu hình ảnh đồ họa và thực tế ảo phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Nhiều ngày ê-kíp đã làm việc xuyên đêm để lắp ráp, khớp nối một hệ thống thiết bị khổng lồ trên sân khấu ngoài trời rộng 8.000m2.

Đặc biệt, nếu trời mưa thì công nghệ không thể tạo được hiệu ứng như ý. Vì vậy, trận mưa chiều 12-5 khiến cả ê-kíp lo lắng. Ngay lập tức khi mưa ngớt, chúng tôi huy động các lực lượng lau khô mặt sân để bảo đảm chương trình khai mạc. Thật may mắn là lễ khai mạc đã diễn ra thành công trong thời tiết đẹp.

Những màn trình diễn ấn tượng.

Những màn trình diễn ấn tượng.

- Bà có thể tiết lộ một chút về chương trình nghệ thuật cho Lễ bế mạc SEA Games 31 được không?

- Đội ngũ sản xuất và thực hiện lễ bế mạc vẫn gần như giữ nguyên như lễ khai mạc. Nếu lễ khai mạc đem đến cảm nhận về một Việt Nam hấp dẫn, giàu truyền thống văn hóa, thân thiện, hiếu khách, cùng các quốc gia Đông Nam Á tỏa sáng mạnh mẽ thì lễ bế mạc hứa hẹn sẽ có nhiều phần trình diễn nghệ thuật hiện đại, bùng nổ hơn để tạo dấu ấn về Việt Nam và SEA Games 31. Chúng tôi đang tiếp tục chỉnh sửa để chương trình nghệ thuật này hoàn thiện hơn.

- Trân trọng cảm ơn Nghệ sĩ ưu tú Trần Thanh Hiền!

Yên Nga

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/doi-thoai/1031913/le-khai-mac-va-be-mac-sea-games-31-vuot-qua-gioi-han-de-tao-dau-an-viet-nam
Zalo