Tầm nhìn cho thành phố sáng tạo kết nối toàn cầu

Ngày đầu của năm mới 2025 cũng là ngày Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức có hiệu lực. Cơ hội lớn, nhưng kèm với đó là thách thức lớn. Hà Nội là Thủ đô, là nơi hội tụ của những trầm tích văn hóa nghìn năm. Bởi thế, kỷ nguyên mới với Hà Nội là kỷ nguyên của kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống, đưa thành phố trở thành đô thị kết nối toàn cầu.

Thành phố Hà Nội trang hoàng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: SƠN TÙNG

Thành phố Hà Nội trang hoàng nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Ảnh: SƠN TÙNG

Điểm tựa để vươn mình

Đã từng có lúc bị gọi là “thành phố than tổ ong”, bây giờ, Hà Nội đã là một thành phố mang dáng hình một Thủ đô hiện đại. Những tuyến đường trên cao, những đại lộ, những tuyến đường sắt đô thị… định vị một đô thị đầy sức sống. Mỗi giai đoạn lịch sử lại cần một triết lý phát triển. Hôm nay, đất nước đã tích tụ đủ thế và lực để bước vào kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh. Trong cái nhịp bước chung của dân tộc, mỗi địa phương lại phải chọn cho mình một “lối đi” phù hợp với điều kiện của mình.

Có nơi nào trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này không lưu giữ dấu ấn của quá khứ? Bên đường Hoàng Diệu là dấu thiêng Thăng Long thành cổ; đi trên tàu điện Nhổn-Ga Hà Nội, nhìn ra hai bên, thấy đất cũ Kẻ Diễn, Kẻ Vòng… Cầu Tứ Liên dự kiến được khởi công xây dựng vào khoảng nửa cuối năm 2025 sẽ kết nối hai miền huyền tích Tây Hồ-Cổ Loa…

Hà Nội được tặng nhiều danh hiệu, nhưng danh xưng Thủ đô nghìn năm văn hiến luôn ở vị trí hàng đầu. Nhìn lại quá trình phát triển của thành phố, ta sẽ nhận ra, kỷ nguyên vươn mình của Thăng Long-Hà Nội bắt nguồn từ đâu nếu không phải là sự kế thừa, phát huy những giá trị nghìn năm?

Tháng 7 năm 1999, Hà Nội được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình. Một trong bốn trụ cột của Thành phố Vì hòa bình chính là phát triển văn hóa-giáo dục. Danh hiệu đó là sự thừa nhận của quốc tế về quá trình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa của thành phố. 20 năm sau khi được tặng danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực Thiết kế.

Việc gia nhập Mạng lưới này thể hiện một tư duy mới, tầm nhìn mới. Một mục tiêu của các thành phố sáng tạo là khai thác tài nguyên văn hóa một cách sáng tạo để phát triển đô thị bền vững. Những hoạt động trên và sự thay đổi về cơ cấu kinh tế cho thấy Hà Nội từng bước “xoay trục”.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2030 cơ bản trở thành thành phố thông minh, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Mức độ số hóa các thủ tục hành chính dành cho doanh nghiệp, người dân ngày càng tăng cao.

Hà Nội tập trung phát triển kinh tế dựa vào dịch vụ-thương mại-du lịch, lĩnh vực công nghiệp chú trọng vào công nghệ xanh, công nghệ cao. Và bất kỳ hoạt động nào cũng dựa trên quan điểm xuyên suốt: Văn hóa là động lực quan trọng quyết định sự phát triển bền vững.

Sức mạnh mềm từ bản sắc

Thời đại 4.0 không phải không có mặt trái. “Thế giới phẳng” khiến người ta dễ bị hòa nhập, hòa tan. Trong một “thế giới phẳng”, bản sắc không chỉ tạo nên sự khác biệt mà còn tạo nên sức hấp dẫn.

Nói đến Hà Nội là nói đến Thủ đô di sản, là Hoàng thành sâu lắng nghìn năm, là phố cổ trầm mặc, là những phố, những làng thấm đẫm huyền sử, là nơi có 5.922 di tích, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể... Năm 2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09/TU-NQ về Phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Công nghiệp văn hóa không đơn thuần là khai thác giá trị văn hóa để phát triển, mà còn là quá trình khẳng định bản sắc, kiến tạo bản sắc mới từ văn hóa truyền thống, tạo nên sức mạnh mềm văn hóa.

Khi sức mạnh mềm văn hóa được củng cố, vị thế thành phố sẽ được nâng tầm. Những ngày cuối năm 2024, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội được tổ chức là một gợi ý cho kiến tạo bản sắc mới khi những di sản kiến trúc nổi tiếng của Hà Nội: Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, tòa nhà Đại học Quốc gia Hà Nội… có thêm công năng mới, gắn với các hoạt động văn hóa, sáng tạo.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 đã chứng minh Hà Nội là thành phố sáng tạo với nhiều cộng đồng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: Huyền Thương

Lễ hội Thiết kế sáng tạo 2024 đã chứng minh Hà Nội là thành phố sáng tạo với nhiều cộng đồng sáng tạo trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: Huyền Thương

Nhưng vị thế, sức hút mới chỉ là điều kiện cần. Muốn vươn mình trong kỷ nguyên mới, trở thành thành phố sáng tạo-kết nối toàn cầu, cần sự hoàn thiện về thể chế, cơ chế, hạ tầng, nhân lực, xây dựng thành phố thông minh... Hà Nội đã và đang từng bước triển khai những nhiệm vụ này. Chỉ riêng trong năm 2025, thành phố dự kiến sẽ triển khai các bước xây dựng ba cây cầu lớn: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và nhiều dự án hạ tầng quan trọng khác.

Việc phát triển chính quyền số, thành phố thông minh… luôn được chú trọng. Tháng 12/2022, Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 18 về Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Gần đây, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) đã có hơn một triệu lượt cài đặt, tạo nhiều thuận lợi cho cuộc sống người dân, tạo “xa lộ” để người dân tương tác với chính quyền.

Về mặt thể chế, ngày đầu năm mới 2025, Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức có hiệu lực; hai Quy hoạch mới của Hà Nội chuẩn bị được phê duyệt. Năm 2025 cũng là năm diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 18. Chủ đề của Đại hội dự kiến là: “Phát huy hào khí Thăng Long-Hà Nội, truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng; bản lĩnh hội nhập, đổi mới sáng tạo, đột phá phát triển; xây dựng Đảng bộ, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, gương mẫu, đoàn kết phấn đấu xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, hạnh phúc” đã bao quát những đường hướng phát triển của Thủ đô trong giai đoạn tới. Trên cơ sở thành tựu đã đạt được, đây chính là “bệ đỡ” vững chắc để Hà Nội cùng cả nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Giang Nam

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tam-nhin-cho-thanh-pho-sang-tao-ket-noi-toan-cau-post854415.html
Zalo