Lễ hội về với cội nguồn dân tộc

Như lời hẹn ước thiêng liêng, tháng 3 về, triệu triệu trái tim con dân đất Việt lại cùng chung nhịp đập hướng về non thiêng Nghĩa Lĩnh chờ đón nhịp trống đồng khai hội Đền Hùng, tìm về nơi phát tích cội nguồn dân tộc với lòng tôn kính, tri ân công đức tổ tiên khai sơn phá thạch, gây dựng nền móng giang sơn gấm vóc trao truyền cho cháu con xuyên suốt chiều dài hàng nghìn năm lịch sử…

Thể hiện sức mạnh đại đoàn kết

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường huyện Yên Lập tại Đền Hùng. Ảnh: CTV

Diễn xướng dân gian của đồng bào Mường huyện Yên Lập tại Đền Hùng. Ảnh: CTV

Tri ân công đức tổ tiên, ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng bậc Tổ chung của mình - các Vua Hùng tại non thiêng Nghĩa Lĩnh (xã Hy Cương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Các ngôi Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng thuộc Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ra đời gắn với quá trình phát triển của các làng xã quanh khu vực.

Từ đỉnh Nghĩa Lĩnh - trung tâm thờ tự các Vua Hùng đầu tiên, theo dòng chảy thời gian, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương dần dần lan tỏa tới các địa phương khác. Đầu tiên là các vùng đất quanh chân núi Nghĩa Lĩnh như đình làng Cổ Tích (xã Hy Cương), đình làng Trẹo (thị trấn Hùng Sơn), đình làng Cả (xã Tiên Kiên)…, sau đó lan tỏa khắp địa bàn Phú Thọ, Vĩnh Phúc, hầu như huyện, thành, thị nào cũng có những ngôi đền thờ Hùng Vương, vợ con tướng lĩnh thuộc thời đại Hùng Vương, rồi lan tỏa ra các tỉnh, thành trong cả nước.

Trong tiến trình lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại và Nhân dân gìn giữ, hương khói phụng thờ. Từ khi nước nhà độc lập đến nay, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng và đầu tư nguồn kinh phí nhằm tu bổ, tôn tạo Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự tổ tiên chung của dân tộc.

Ngày 6/12/2012, tại Kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, với sự đồng thuận của 24/24 nước trong Ủy ban Liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - ông tổ chung của cả dân tộc trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm, lan tỏa mạnh mẽ vượt qua biên giới quốc gia, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã và đang trở thành điểm tựa tâm linh, giá trị văn hóa truyền thống, sợi dây kết nối bền chặt để “cả nước hướng về Đền Hùng và từ Đền Hùng nhìn ra cả nước”, con Lạc cháu Hồng chung vai góp sức gìn giữ, phát triển giang sơn giàu đẹp thỏa ước nguyện tiền nhân.

Mang đến nhiều trải nghiệm

Phú Thọ, vùng đất cội nguồn của dân tộc Việt Nam, tự hào là nơi tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - dịp lễ trọng đại để Nhân dân cả nước và kiều bào hướng về tri ân công đức tổ tiên.

Hằng năm, vào ngày 10/3 âm lịch, tỉnh Phú Thọ vinh dự đón hàng triệu lượt du khách thập phương đến dâng hương, tưởng nhớ các Vua Hùng. Với những nỗ lực không ngừng, Phú Thọ đã nâng tầm công tác tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ trở thành một lễ hội mẫu mực, trang trọng, mang đậm bản sắc dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm nay thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương, đặc biệt khi người lao động được nghỉ liên tiếp 3 ngày. Sự kiện sẽ diễn ra với nhiều hoạt động đặc sắc, tái hiện đậm nét văn hóa thời đại Hùng Vương, đồng thời kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống trong xã hội đương đại.

Các nghi lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, trọng thể theo phong tục dân tộc, với nghi thức dâng hương, dâng hoa của các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước cùng đông đảo Nhân dân cả nước.

Bên cạnh đó, chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trong Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 diễn ra sôi động, mang đậm bản sắc vùng đất cội nguồn. Sự kiện không chỉ tạo cơ hội cho du khách trải nghiệm, khám phá các di sản văn hóa mà còn góp phần quảng bá sâu rộng hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Phú Thọ - vùng đất giàu tiềm năng du lịch.

Đảm bảo một mùa lễ hội an toàn, văn minh, các cơ quan, đơn vị liên quan đã tập trung hoàn thiện mọi mặt, từ cơ sở vật chất, xây dựng chương trình chi tiết cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, đến việc triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, ATGT. Đồng thời, công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường cũng được chú trọng, sẵn sàng đón tiếp đồng bào cả nước về dâng hương bái Tổ trong không khí trang nghiêm, thành kính.

Tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác quy hoạch, sắp xếp lại hệ thống hàng quán, điểm bán hàng dịch vụ trong khu vực di tích nhằm đảm bảo mỹ quan, văn minh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh, nhất là trong thời gian diễn ra lễ hội.

Công tác quản lý du lịch cũng được chú trọng với yêu cầu các khu, điểm du lịch và đơn vị kinh doanh dịch vụ trên địa bàn nâng cấp cơ sở vật chất, cải thiện cảnh quan môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời đảm bảo các điều kiện an ninh, an toàn để phục vụ du khách một cách tốt nhất khi về tham dự các hoạt động trong chương trình Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025.

Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025, khẳng định: “Cùng với các hoạt động truyền thống, Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2025 có nhiều điểm mới, hứa hẹn mang đến những trải nghiệm đặc sắc cho người dân và du khách. Điểm nhấn đặc biệt là chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ với chủ đề “Âm vang nguồn cội” diễn ra vào tối 1/3 âm lịch tại Quảng trường Hùng Vương. Từ ngày 1-9/3 âm lịch, công viên Văn Lang sẽ trở thành không gian văn hóa sôi động với hàng loạt chương trình nghệ thuật về đêm phục vụ Nhân dân và du khách.

Các hoạt động nổi bật bao gồm: biểu diễn hát xoan của các CLB Hát xoan và dân ca, biểu diễn văn nghệ quần chúng, giao lưu các nhóm nhảy thanh niên, ban nhạc guitar, CLB dân vũ, khiêu vũ, cùng chương trình nghệ thuật “Về thành phố lễ hội”. Đặc biệt, vào tối 9/3 âm lịch sẽ có màn bắn pháo hoa tầm cao trên hồ công viên Văn Lang, tạo nên điểm nhấn rực rỡ khép lại chuỗi hoạt động nghệ thuật đầy màu sắc.

Ngoài ra, chương trình “Sắc màu Du lịch Đất Tổ - Phú Thọ năm 2025” cũng sẽ được tổ chức, góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm cho du khách và nâng cao sức hấp dẫn của lễ hội.

Giỗ Tổ Hùng Vương và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm Ất Tỵ 2025 là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ thể hiện lòng thành kính, tri ân công đức các Vua Hùng mà còn là cơ hội để giới thiệu, quảng bá hình ảnh Phú Thọ - vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa, đồng thời khẳng định tiềm năng phát triển du lịch. Đây cũng là dịp để tôn vinh những giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương, kết nối cộng đồng và thu hút sự quan tâm của Nhân dân cả nước cũng như du khách quốc tế.

Cùng với đó, các hoạt động văn hóa, lễ hội năm nay còn tổ chức nhiều giải thể thao tạo sân chơi sôi động và ý nghĩa, bao gồm: Giải golf “Uống nước nhớ nguồn” - Phú Thọ năm 2025, Festival tinh hoa võ thuật hướng về cội nguồn, Giải marathon về nguồn năm 2025... Những hoạt động này không chỉ góp phần quảng bá hình ảnh đất Tổ mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng thông qua thể thao và văn hóa.

PHAN HUY

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/xa-hoi/202504/le-hoi-ve-voi-coi-nguon-dan-toc-7ed6465/
Zalo