Khác biệt hóa sản phẩm để hấp dẫn du khách

Xu hướng hiện nay là du khách muốn tìm kiếm sự khác biệt về sản phẩm, dịch vụ tại các điểm đến. Do vậy, các điểm đến muốn tăng sức cạnh tranh thì phải tạo ra được những sản phẩm đặc trưng, khác biệt.

Khách quốc tế trải nghiệm du lịch Huế

Khách quốc tế trải nghiệm du lịch Huế

“Chìa khóa” để cạnh tranh

Chị Nguyễn Thị Thanh Mai là du khách từ Hà Nội đến Huế đúng dịp khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025. Với "bề dày" ít nhất 5 lần tham dự các chương trình khai mạc ở các địa phương, chị Mai chia sẻ: “Huế có gì đó rất thơ mộng, giàu bản sắc văn hóa, đậm chất nghệ thuật và mình muốn tìm kiếm sự khác biệt đó trong chuyến du lịch lần này”.

Khảo sát nhanh với hơn chục vị khách, một kết quả không quá bất ngờ khi câu trả lời cho chuyến du lịch qua các địa phương của họ là tìm kiếm sự trải nghiệm và khác biệt. Nhiều du khách hiện nay không còn muốn ở một điểm đến quá lâu mà muốn dành thời gian cho chuyến du lịch trải nghiệm ở nhiều điểm. Anh Thái Nhật Văn, du khách đến từ Bình Thuận chia sẻ: “Trong 2 kỳ nghỉ dài của năm là tết Nguyên đán và lễ 30/4 - 1/5, gia đình mình thường lên kế hoạch cho những chuyến đi, mỗi tỉnh, thành một ngày. Nơi có nhiều trải nghiệm thú vị có thể dừng chân lâu hơn. Cảnh quan, không gian các điểm đến chắc chắn phải khác, nhưng điểm khác biệt mà gia đình muốn trải nghiệm chính là sản phẩm, dịch vụ. Làm sao, chỉ tới đó, mới trải nghiệm được cảm giác đó”.

So với các địa phương trong cả nước, Huế là địa phương có nhiều tài nguyên du lịch, đa dạng các loại hình du lịch. Dù có nhiều điểm sáng về tăng trưởng lượng khách những năm qua, song xét về tiềm năng, thế mạnh, du lịch Huế vẫn phát triển chưa xứng tầm. Mới đây, tại hội nghị quảng bá điểm đến du lịch Lạng Sơn năm 2025 tại TP. Huế với chủ đề “Ai lên xứ Lạng cùng anh…” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lạng Sơn tổ chức chiều 24/3, tôi khá bất ngờ trước thông tin tổng lượng khách đến địa phương này năm 2024 đạt hơn 4,2 triệu lượt khách. Con số này lớn hơn so với gần 3,9 triệu lượt khách năm 2024 của TP. Huế. Khoan bàn về cách thống kê, sẽ có một sự so sánh ngầm khi Huế là một điểm đến có tiếng và trước đây, khi nghĩ đến du lịch Việt Nam là nhắc đến du lịch Huế - Sài Gòn - Hà Nội.

Theo một số chuyên gia du lịch, với tiềm năng, tài nguyên sẵn có, du lịch Huế có xuất phát điểm khá sớm so với nhiều tỉnh, thành khác trong khu vực miền Trung và Nam Trung bộ. Song, đến nay, trên đường đua cạnh tranh ngày càng khốc liệt, vị trí của địa phương đang bị dẫn trước bởi những thành phố du lịch trẻ, năng động. Ở nhiều loại hình du lịch, Huế chỉ mới khai thác bề nổi của những tiềm năng, chưa chú trọng vào chiều sâu sản phẩm ở tính chuyên nghiệp, cao cấp, tạo được dấu ấn, sản phẩm du lịch có tính đặc thù, tạo ra sự khác biệt. Điển hình như du lịch biển, Huế có nhiều bãi biển đẹp nhưng vẫn còn “nghèo” về dịch vụ. Hiện chủ yếu chỉ có tắm biển, thưởng thức ẩm thực.

Tạo sự khác biệt

Theo nhiều chuyên gia du lịch, hiện nay, du khách muốn tìm hiểu về lịch sử, con người, những câu chuyện phía sau từng công trình, điểm đến, từng nét văn hóa. Nếu biết cách kể chuyện, mỗi điểm đến sẽ trở nên hấp dẫn và đáng nhớ hơn.

Công bằng mà nói, du lịch Huế làm được rất nhiều điều. Đó là hài hòa yếu tố phát triển du lịch bền vững, phát triển nhưng vẫn làm rất tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản; là một trong những thành phố được vinh danh thành phố du lịch sạch của ASEAN… Thế nhưng, việc khai thác chiều sâu của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm đặc trưng của vùng đất, kích thích du khách mong muốn nhanh chóng tìm đến để trải nghiệm thì có lẽ vẫn chưa tốt.

Trong một chia sẻ trên thesaigontimes.vn, ông Trần Quang Trung, Giám đốc Công ty WorldTrans (chi nhánh Đà Nẵng) cho rằng, du lịch văn hóa không thể chỉ là tham quan mà phải tạo cơ hội để du khách hòa mình vào đời sống bản địa, từ học nghề truyền thống, tham gia các hoạt động tín ngưỡng đến thưởng thức nghệ thuật dân gian một cách sống động”. Việc xây dựng sản phẩm du lịch cần dựa trên bản sắc văn hóa riêng của từng vùng miền, tránh sao chép hoặc rập khuôn. Đồng thời, cần đầu tư bài bản để tạo ra những sản phẩm có chiều sâu và giá trị bền vững, thay vì phát triển manh mún, ngắn hạn.

Mới đây, trong phát biểu chương trình khai mạc Năm Du lịch quốc gia - Huế 2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính cũng nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Du lịch cần quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/02/2024 về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả phù hợp - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị là triển khai những giải pháp tổng thể, đồng bộ về quy hoạch, thu hút đầu tư nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch khác biệt và đẳng cấp gắn kết với các giá trị di sản văn hóa đặc sắc.

Giám đốc Sở Du lịch, bà Trần Thị Hoài Trâm cho biết, thời gian tới, Huế sẽ tập trung định vị lại bộ sản phẩm phù hợp với thị trường, xu thế mới đảm bảo thương hiệu của du lịch Huế. Phát triển các điểm đến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đẳng cấp, chuyên nghiệp, khác biệt gắn với văn hóa - di sản; vùng biển, đầm phá và con người Huế. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Huế, nâng cao chất lượng loại hình du lịch di sản gắn với Quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc cung đình Huế.

Bài, ảnh: HỮU PHÚC

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/khac-biet-hoa-san-pham-de-hap-dan-du-khach-152394.html
Zalo