Lễ hội Thập niên sự lệ của dòng họ Nguyễn Cảnh - lưu giữ truyền thống văn hóa lịch sử

Dòng họ Nguyễn Cảnh, có hơn 600 năm lịch sử phát triển, từ Đông Triều (Quảng Ninh) đến định cư trên đất Nghệ An. Với 25 đời con cháu hậu duệ, dòng họ Nguyễn Cảnh không chỉ góp phần xây dựng cơ nghiệp mà còn sản sinh ra những danh tướng, danh nhân, nhà văn hóa, và lương y nổi tiếng tài năng, có những đóng góp ý nghĩa trong lịch sử dân tộc với truyền thống 'Trung cần nhân nghĩa - Bảo quốc hộ dân'.

Đền thờ Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Đền thờ Thái Phó Tấn Quốc Công Nguyễn Cảnh Hoan tại xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An.

Để tưởng nhớ công ơn tổ tiên, khơi dậy niềm tự hào, tự tôn và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của dòng họ, kể từ năm 1604, cứ 10 năm một lần, vào ngày rằm tháng ba Âm lịch, con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh cùng nhân dân trong vùng lại tề tựu về Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan (xã Tràng Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An) để tổ chức lễ hội truyền thống: Lễ hội chay, hay còn gọi là Lễ hội Thập niên sự lệ.

Năm 2024, Lễ hội Đền thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan được Nhà nước công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hội đồng Gia tộc Nguyễn Cảnh Việt Nam phối hợp với Chính quyền địa phương tổ chức lễ hội thờ Thái phó Tấn Quốc công Nguyễn Cảnh Hoan và công bố quyết định di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo kế hoạch, lễ hội được diễn ra 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4/2024 đến ngày 23/4/2024 (tức ngày 13 đến ngày 15 tháng 3 năm Giáp Thìn).

Phần lễ gồm: Cổ lễ, tân lễ. Phần hội gồm: Chương trình đêm thơ “ Nguyễn Cảnh thi tập” (đêm ngày 13/3 Âm lịch), chương trình văn nghệ “Sáng mãi bài ca truyền thống”(đêm 14/3 Âm lịch), các hoạt động thể thao: Giải bóng chuyền nữ, kéo co nam; giao lưu bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, bóng đá nam, biểu diễn Thái cực trường sinh đạo, võ thuật.

Lễ hội Thập niên sự lệ được tổ chức với rất nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa, kết tinh từ truyền thống lịch sử lâu đời. Lễ hội không chỉ mang giá trị tâm linh, ý thức hướng về nguồn cội, ghi nhớ công ơn của các thế hệ cha ông đi trước mà còn góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dòng họ, là mạch nguồn hình thành nên văn hóa địa phương, văn hóa dân tộc.

Lễ hội Thập niên sự lệ đã có những đóng góp không nhỏ trong việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa tâm linh của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam nói chung và con cháu dòng họ Nguyễn Cảnh nói riêng.

Nguyễn Triệu

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/doi-song-van-hoa/le-hoi-thap-nien-su-le-cua-dong-ho-nguyen-canh-luu-giu-truyen-thong-van-hoa-lich-su-20240419130627976.htm
Zalo