Lễ hội diễn ra an toàn, văn minh hơn

Những ngày đầu xuân mới, khá nhiều lễ hội được tổ chức. Đây là dịp tập trung đông người, với nhiều nghi lễ tâm linh diễn ra cho nên luôn tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự cũng như nguy cơ về mê tín, dị đoan. Mùa lễ hội vẫn còn dài, nhưng đến thời điểm này, nhiều bất cập trong hoạt động lễ hội tại địa bàn Hà Nội từng bước được khắc phục.

Lễ hội Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Lễ hội Cổ Loa, huyện Đông Anh.

Lễ hội Gióng đền Sóc (huyện Sóc Sơn) từng xảy ra tình trạng tranh cướp lộc giò hoa tre, thậm chí là lễ vật trầu cau bị cướp ngay trên đường rước từ đền Thượng xuống đền Mẫu. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất của Lễ hội Gióng đền Sóc năm nay là mọi hoạt động diễn ra an toàn, trang nghiêm. Trước đây, Ban Tổ chức tán lộc tại sân đền Hạ, nhưng những năm gần đây, việc tán lộc được thay đổi.

Giám đốc Trung tâm Quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Đào Anh Tú cho biết: “Sau lễ cung tiến, giò hoa tre sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, sắp ra những mâm nhỏ, chuyển xuống đền Hạ, đền Mẫu để làm lễ, thờ cúng. Giò hoa tre sau đó được phát cho người dân”. Việc thay đổi này được đông đảo người dân và du khách thập phương đồng tình, ủng hộ nhằm bảo đảm sự bình yên và văn minh cho Lễ hội Gióng đền Sóc.

Lễ hội ở đền Sóc thu hút hàng chục nghìn lượt khách mỗi ngày cho nên tiềm ẩn nguy cơ mất trật tự an ninh và phức tạp về quản lý hoạt động tâm linh. Nhưng năm nay, công tác quản lý có nhiều đổi mới. Các không gian hoạt động lễ hội được phân định rõ ràng, trong đó, cấm hàng quán trong khu vực I của di tích.

Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương tổ chức trông giữ phương tiện cho du khách; thường xuyên kiểm tra, giám sát không để các cơ sở dịch vụ sử dụng loa công suất lớn; tổ chức trò chơi mang tính bạo lực, cờ bạc trá hình… Những hoạt động này giúp cho lễ hội diễn ra trong trật tự, an toàn dù lượng người đến rất đông.

Chùa Hương chỉ trong ít ngày đầu xuân đã đón hơn 100 nghìn khách. Ngày khai hội mồng 6 tháng Giêng diễn ra đúng ngày đầu tiên đi làm sau kỳ nghỉ Tết, cho nên lượng khách giảm so với mọi năm nhưng vẫn đạt khoảng 25 nghìn lượt khách.

Do không gian rộng, thời gian tổ chức lễ hội kéo dài, Lễ hội chùa Hương luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra phức tạp. Để chuẩn bị cho mùa lễ hội năm nay, UBND huyện Mỹ Đức đã sớm vào cuộc tuyên truyền, tập huấn cho những người tham gia hoạt động dịch vụ từ ăn uống, lưu trú, vận chuyển thuyền đò, kinh doanh đồ lễ…

Ban Tổ chức tăng cường tuyên truyền về hoạt động văn minh trong môi trường lễ hội. Để tránh ùn tắc kéo dài, năm nay, Ban Tổ chức triển khai bán vé điện tử tích hợp với vé thuyền đò, cáp treo để thuận lợi cho khách du lịch và được mọi người hưởng ứng.

Trưởng ban Quản lý khu di tích và thắng cảnh Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) Bùi Văn Triều cho biết, lễ hội năm nay, Ban Tổ chức huy động hơn 550 người làm nhiệm vụ thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn và tuyên truyền du khách tham gia lễ hội văn minh, văn hóa. Tại các khu vực bến xe, bến thuyền đều có hướng dẫn rõ ràng. Năm nay, có khoảng 3.700 thuyền đò tham gia vận chuyển tại lễ hội. Những hoạt động này khiến khách du lịch hết sức phấn khởi.

Bà Bùi Thị Lý (xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: “Năm nay dự lễ hội chùa Hương tôi thấy yên tâm hơn khi Ban Tổ chức công khai bảng giá và tích hợp vé điện tử thắng cảnh với dịch vụ thuyền đò. Các thuyền đò đều bố trí giỏ đựng rác, gắn mã QR để du khách dễ dàng phản ánh với Ban Tổ chức về thái độ phục vụ của lái đò. Hoạt động tuy nhỏ nhưng góp phần nâng cao ý thức của những người tham gia hoạt động dịch vụ”.

Các lễ hội luôn bao gồm phần nghi lễ và phần hội. Để tạo không khí phấn khởi cho du khách, các lễ hội lớn trên địa bàn thành phố đều tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao, nhất là các hoạt động nghệ thuật, thể thao hướng về truyền thống, tôn vinh danh nhân, tôn vinh văn hóa Việt.

Lễ hội Gò Đống Đa (quận Đống Đa) năm nay lần đầu tổ chức trong ba ngày, trong đó nổi bật là màn diễn bán thực cảnh với sự tham gia của hàng trăm diễn viên có chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước”. Màn diễn tạo ấn tượng mạnh mẽ với công chúng khi ứng dụng những công nghệ hiện đại.

Trong khi đó, Lễ hội Cổ Loa (huyện Đông Anh) thu hút du khách bởi những tiết mục biểu diễn rối nước, những màn đấu vật sôi động hay mọi người cùng thử tài khi tham gia bắn nỏ truyền thống… Với sự vào cuộc tích cực của ngành văn hóa và chính quyền, nhân dân các địa phương, bước đầu thành phố có một mùa lễ hội an toàn, văn minh.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-dien-ra-an-toan-van-minh-hon-post858951.html
Zalo