Lễ hội đền thờ Lê Hoàn: Viên ngọc quý trong kho di sản văn hóa dân tộc

Trải qua biến thiên của lịch sử, lễ hội đền thờ Lê Hoàn, xã Xuân Lập (Thọ Xuân) vẫn là điểm hẹn văn hóa tâm linh của các thế hệ con dân đất Việt. Để rồi, cứ vào tháng 3 âm lịch hàng năm, người dân, du khách khắp mọi miền đất nước lại nô nức về trẩy hội đền thờ Lê Hoàn, dâng nén hương thơm tri ân công đức tổ tiên và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Ảnh: Nguyễn Đạt

Nghi thức rước kiệu tại lễ hội đền thờ Lê Hoàn. Ảnh: Nguyễn Đạt

Theo sử chép: Xuân Lập là một xã đồng bằng phía Bắc huyện Thọ Xuân, nằm giữa một vùng đất có dòng sông Chu (Lương Giang) ở phía Nam, sông Cầu Chày ở phía Đông cùng với một hệ thống giao thông đường bộ kết nối các vùng Yên Định ở phía Bắc, Thiệu Hóa ở phía Đông, Đông Sơn ở phía Nam... Đây đều là những con đường huyết mạch nối xã với nhiều vùng trong tỉnh, trong nước. Được coi là nơi khí thiêng hội tụ, nên từ xa xưa, mảnh đất này đã sinh ra nhiều nhân vật lịch sử có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong đó có Anh hùng dân tộc Hoàng đế Lê Đại Hành là một vị hoàng đế tiêu biểu cho tài năng và đức độ, có công lao lớn trong sự nghiệp chống quân xâm lược, thống nhất quốc gia. Ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong giai đoạn lịch sử bản lề của thế kỷ X, mở ra thời đại mới, đưa dân tộc ta lên một con đường mới huy hoàng và xán lạn hơn.

Sau khi Hoàng đế Lê Đại Hành băng hà, để tưởng nhớ công đức cao dày của người anh hùng kiệt xuất, Nhân dân đã lập đền thờ ông tại làng Trung Lập (xã Xuân Lập). Cùng với việc lập đền thờ, hàng năm lễ hội đền thờ Lê Hoàn cũng được người dân tổ chức vào ngày 8/3 âm lịch, nhằm tưởng nhớ công lao của Hoàng đế Lê Đại Hành cùng các bậc tiền nhân đã đóng góp trí tuệ, công sức, xương máu để giữ vững chủ quyền quốc gia, dân tộc trong suốt ngàn năm lịch sử. Sau bao biến đổi thăng trầm của thời gian và lịch sử, lễ hội đền thờ Lê Hoàn vẫn được Nhân dân giữ gìn và tổ chức hàng năm. Những năm gần đây, quy mô, không gian tổ chức lễ hội ngày càng rộng rãi và phong phú hơn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân; đồng thời cũng khẳng định được sức sống mãnh liệt của lễ hội trong đời sống hiện đại.

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được tổ chức với nhiều lễ tục tái hiện đời sống văn hóa của quân dân dưới thời Tiền Lê. Trong đó, đặc sắc nhất là phần lễ linh thiêng, uy nghiêm với nghi thức rước kiệu tưởng nhớ công đức của Hoàng đế Lê Đại Hành và các tướng lĩnh. Đoàn rước kiệu gồm những người khỏe mạnh được lựa chọn từ những thanh niên trai tráng ở làng, mang theo cờ ngọc, dàn binh khí, phường bát âm đi trước, sau đó là toàn thể dân làng đi sau, theo thứ tự người già đi trước, người trẻ đi sau. Kiệu được rước từ đền thờ ra đền Quốc mẫu, làm lễ xong lại rước về đền; tiếp sau đó lại rước kiệu từ đền thờ ra lăng Hoàng Khảo, làm lễ xong đoàn lại rước về đền. Nhân dân ở xã Trường Xuân thì rước kiệu từ lăng Lê Đột (bố nuôi của Hoàng đế Lê Đại Hành) lên đền thờ. Hình thức rước kiệu của Nhân dân tại các làng, các xã phản ánh lòng thành kính, biết ơn đối với Hoàng đế, mang kiệu đến rước bố mẹ đẻ, bố mẹ nuôi về đền dự lễ hội.

Cẩn thận sửa soạn mâm lễ vật để dâng lên Hoàng đế Lê Đại Hành, bà Mai Thị Anh (huyện Nga Sơn), cho hay: "Năm nào vào ngày diễn ra chính lễ của Lễ hội đền thờ Lê Hoàn tôi cũng cùng gia đình đến đây để dâng lễ vật, thắp nén hương thơm tri ân công đức tổ tiên và những bậc tiền nhân đã có công dựng nước và nước giữ nước. Đến đây, chúng tôi cũng được tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn - nơi không chỉ nổi bật với lối kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu, mà còn lưu giữ được nhiều hiện vật quý. Nổi bật, là 2 tấm bia đá có niên đại từ thế kỷ XVII, ghi lại thân thế, sự nghiệp của Hoàng đế Lê Đại Hành và ruộng thờ cúng, 14 đạo sắc phong của các triều đại nhà Lê và nhà Nguyễn... Những hiện vật này vừa là minh chứng sống động cho một giai đoạn lịch sử, một con người vĩ đại lại vừa cho thấy nét đẹp trong đời sống văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng của người dân xứ Thanh. Từ đó, giúp chúng tôi thêm hiểu về quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước oanh liệt của các bậc tiền nhân và thêm trân quý lịch sử hơn".

Lễ hội đền thờ Lê Hoàn được xem là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, phản ánh nét đẹp văn hóa truyền thống; đồng thời, cũng mang tính giáo dục đạo đức, lối sống, gắn kết tinh thần cộng đồng. Bởi vậy, các giá trị văn hóa lịch sử, ý nghĩa nhân văn của lễ hội sẽ ngày càng được lan tỏa sâu rộng, và phát huy hiệu quả mạnh mẽ trong đời sống ngày nay.

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/le-hoi-den-tho-le-hoan-vien-ngoc-quy-trong-kho-di-san-van-hoa-dan-toc-244580.htm
Zalo