Lễ hội Đền Thánh Nguyễn-Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Lễ hội Đền Thánh Nguyễn là sự kiện văn hóa quan trọng, góp phần giới thiệu, quảng bá các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể và các sản phẩm du lịch đặc sắc, nhằm tạo đột phá, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh Ninh Bình; đặc biệt, khi Lễ hội đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3986/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Các đại biểu dâng hương tri ân, tưởng nhớ, kỷ niệm 960 năm ngày sinh Đức Thánh Nguyễn (1065-2025) tại Ninh Bình.

Các đại biểu dâng hương tri ân, tưởng nhớ, kỷ niệm 960 năm ngày sinh Đức Thánh Nguyễn (1065-2025) tại Ninh Bình.

Ngày 6/4 (tức ngày mùng 9/3 năm Ất Tỵ), tại khu Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Đền Thánh Nguyễn, xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã diễn ra Lễ đón nhận Quyết định công bố danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và khai mạc Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2025, kỷ niệm 960 năm Ngày sinh Đức Thánh Nguyễn Minh Không.

Tới dự, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Thánh Nguyễn cho đại diện xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Đồng chí Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Thánh Nguyễn cho đại diện xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.

Vị thế, vai trò đặc biệt của Thiền sư Nguyễn Minh Không với dân tộc

Thiền sư Nguyễn Minh Không, tên húy Nguyễn Chí Thành là người làng Đàm Xá, tổng Đại Hữu, phủ Trường Yên (nay thuộc xã Tiến Thắng, huyện Gia Viễn), sinh năm 1065.

Ông là một vị Thiền sư tài năng, có nhiều công lao đóng góp đối với đời sống chính trị, tư tưởng văn hóa của Đại Việt thời Lý; là một trong số ít các thiền sư được Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép lại các sự kiện liên quan: năm 1131, triều đình nhà Lý dựng nhà cho Đại sư Minh Không; năm 1136, Thiền sư chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thần Tông, được phong làm Quốc sư; việc Thiền sư Nguyễn Minh Không được phong làm Quốc sư, chức vị cao nhất trong hệ thống Tăng quan nhà Lý thể hiện rõ tầm quan trọng của ông trong lịch sử Phật giáo thời Lý nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung.

Ngoài ra, ông còn có công tìm hiểu kỹ thuật nung, pha chế đồng để phục hưng nghề đúc đồng - Tinh hoa của nền văn minh Đông Sơn - Văn minh Việt cổ.

Thiền sư Nguyễn Minh Không từ đời thực đã bước vào đời sống dân gian đậm màu truyền thuyết và huyền thoại với rất nhiều quyền năng, có phép thuật tài ba và được coi là ông tổ y dược và ông tổ nghề đúc đồng.

Các câu chuyện: "Ông Khổng Lồ đúc chuông", "Ông Khổng Lồ gánh núi", "Sự tích núi Con Mèo", "Sự tích Đồi Ba Rau, Đống Củi, Xó bếp", "Sự tích Bàn Cờ-Ô Thuốc", "Chữa bệnh Vua hóa hổ"... là những minh chứng còn mãi lưu truyền.

Chung quanh cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Nguyễn Minh Không là một không gian văn hóa đậm chất lịch sử và huyền tích. Ông là một trong số rất ít những nhân vật lịch sử được dân gian phong Thánh cùng với Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn và có vị trí đặc biệt trong lòng người dân cũng như văn hóa Việt Nam.

Các đại biểu tham dự lễ hội.

Các đại biểu tham dự lễ hội.

Sau khi Thiền sư mất, để tưởng nhớ công ơn, Vua Lý đã hạ lệnh thần dân thiên hạ, gia thần trong ấp, tất cả dân Đàm Xá hành lễ ở nơi Minh Không hóa, rước thần hiệu của ngài về lập thần miếu để thờ phụng... từ trên Sơn Tây đến Ái Châu đều thờ phụng ngài, lấy Đàm Xá làm nơi thờ chính. Đến nay có hơn 570 nơi phụng thờ Đức Thánh Nguyễn tại các địa phương trong cả nước.

Đền thờ Đức Thánh Nguyễn ở Đàm Xá từ lâu đã nổi danh là một trong những ngôi đền linh thiêng, được xưng tụng là một trong "Hoa Lư Tứ trấn". Tổng thể công trình được xây dựng theo kiểu "Nội công ngoại quốc", "Tiền nhất hậu cung" với kiến trúc rất độc đáo và đặc sắc thời Hậu Lê. Năm 1989, di tích lịch sử văn hóa Đền Thánh Nguyễn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Bản sắc phong các triều đại, tôn hiệu của Thiền sư Nguyễn Minh Không với nhiều công lao to lớn cho lịch sử dân tộc còn được lưu giữ tại Đền thờ Đức Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn.

Bản sắc phong các triều đại, tôn hiệu của Thiền sư Nguyễn Minh Không với nhiều công lao to lớn cho lịch sử dân tộc còn được lưu giữ tại Đền thờ Đức Thánh Nguyễn, huyện Gia Viễn.

Ông Phạm Văn Lưu, Thủ từ Đền Đức Thánh Nguyễn cho biết, hiện nay tại đền còn lưu giữ nhiều tư liệu Hán Nôm, trong đó có hàng chục bản sắc phong các triều đại, tôn hiệu của Thiền sư Nguyễn Minh Không với nhiều công lao to lớn, nhất là trong các thời kỳ nhà Lý. Thời gian qua, đền luôn quan tâm gìn giữ và bảo quản tốt tư liệu này; đồng thời, giới thiệu tới nhân dân và du khách, đặc biệt là học sinh đến chiêm ngưỡng và tìm hiểu về các bản sắc phong của ngài.

Lan tỏa, phát huy giá trị di tích, di sản

Để thể hiện lòng tôn kính đối với vị Lý triều Quốc sư, thành thông lệ tại Đền Thánh Nguyễn nhân dân địa phương tổ chức lễ hội trong ba ngày mùng 8, 9, 10 tháng 3 âm lịch.

Những năm gần đây, với sự tôn kính của nhân dân đối với Đức Thánh Nguyễn; để gìn giữ nét văn hóa độc đáo, phát huy giá trị lịch sử truyền thống, Lễ hội Đền Thánh Nguyễn đã được tổ chức thường xuyên hằng năm, được nâng tầm về quy mô và nội dung, không gian tổ chức.

Lễ hội truyền thống Đền Thánh Nguyễn mang đậm tính lễ hội lịch sử, văn hóa gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp và truyền thuyết về thiền sư Nguyễn Minh Không; giữ một vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng; là sản phẩm sáng tạo thể hiện sự gắn kết cộng đồng.

Bản sắc văn hóa trong lễ hội Đền Thánh Nguyễn đã và đang được cộng đồng duy trì, thực hành, lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có tính lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống văn hóa tâm linh của nhân dân huyện Gia Viễn và du khách thập phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam phát biểu tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2025.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn Phạm Văn Tam phát biểu tại Lễ hội Đền Thánh Nguyễn năm 2025.

Theo đồng chí Phạm Văn Tam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Viễn, di sản văn hóa liên quan tới Quốc sư Nguyễn Minh Không nói chung, di sản phi vật thể Lễ hội truyền thống đền Thánh Nguyên nói riêng là tài sản vô giá, trải qua thời gian càng dài, được khai thác càng nhiều thì giá trị càng lớn, lớn hơn nữa khi các giá trị di sản này ăn sâu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, trở thành nền tảng đạo đức, văn hóa xã hội, tạo động lực để xây dựng văn hóa con người Gia Viễn, Ninh Bình; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, thời kỳ vươn mình của dân tộc.

Năm nay, đến với Lễ hội Đền Thánh Nguyễn, nhân dân và du khách sẽ được tìm hiểu những nét kiến trúc độc đáo thời Hậu Lê của Di tích kiến trúc quốc gia Đền Thánh Nguyễn, tìm hiểu vườn thuốc Nam Dược sư Nguyễn Minh Không và đặc biệt là được thưởng thức không gian văn hóa tâm linh độc đáo của 13 nghi lễ truyền thống thể hiện sự tôn kính đối với Đức Thánh Nguyễn Minh Không; tham gia trải nghiệm nhiều nội dung phần hội dân gian đặc sắc, hấp dẫn như các cuộc thi: Vẽ họa tiết Đền Thánh Nguyễn, thi viết sắc phong Đền Thánh Nguyễn bằng chữ quốc ngữ cùng các trò chơi dân gian, phiên chợ làng Điềm, tư vấn sức khỏe đông y…

Du khách quốc tế thích thú khi được tham gia các hoạt động tại lễ hội.

Du khách quốc tế thích thú khi được tham gia các hoạt động tại lễ hội.

“Tôi rất thích không gian lễ hội này. Ngoài những món ăn ngon, nhiều chương trình hấp dẫn, tôi được người dân ở đây tặng túi thuốc thơm thảo dược và giúp tôi tìm hiểu về ý nghĩa của lễ hội” - chị Yelena, du khách Kazakhstan chia sẻ.

Với vị thế là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, huyện Gia Viễn nói riêng và tỉnh Ninh Bình nói chung sẽ tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của Lễ hội Đền Thánh Nguyễn, coi đây là niềm tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân; tích cực tham gia và hỗ trợ các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị của Lễ hội. Qua đó, đưa Lễ hội thực sự trở thành một sinh hoạt tinh thần giàu bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần thiết thực vào giữ gìn và phát huy sự phong phú, đa dạng kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Cuộc thi "Ẩm thực chay thảo dược" nhằm tôn vinh giá trị thảo dược, dược liệu dân gian.

Cuộc thi "Ẩm thực chay thảo dược" nhằm tôn vinh giá trị thảo dược, dược liệu dân gian.

VĂN LÚA - YẾN TRINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-den-thanh-nguyen-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post870480.html
Zalo