Lễ hội đặt đá thiêng tại chùa cổ của đồng bào Khmer Trà Vinh
Lễ hội Sima (lễ đặt đá thiêng) tại chùa Chông Prây (Trà Vinh) không chỉ mang nghi thức tôn giáo, còn mang đậm dấu ấn văn hóa, tâm linh của đồng bào Khmer tại địa phương. Lễ hội diễn ra vào dịp khánh thành Chánh điện của ngôi chùa cổ hơn 150 tuổi này, một trong những nghi lễ quan trọng nhất của phật giáo Nam Tông Khmer.
Lễ kiết giới Sima của đồng bào Khmer tại Trà Vinh.
Nét độc đáo của đồng bào Khmer
Sau gần 5 năm khởi công xây dựng, ngôi chánh điện và các hạng mục khác của chùa Chông Prây (xã Phước Hưng, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) hoàn thành, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh cho phật tử địa phương. Ngôi chùa trùng tu, xây mới Chánh điện và một số hạng mục khác (46 tôn tượng tái hiện Tăng đoàn của Đức Thế Tôn đi khất thực, cổng chùa, bảo tháp...). Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 20 tỷ đồng, từ đóng góp của phật tử.
Lễ hội Sima tại chùa Chông Prây được tổ chức trong 3 ngày (3-5/4) với nhiều hoạt động, nghi thức, nghi lễ, như Lễ rước và đặt đá Sima, lễ thỉnh Phật và tụng kinh, lễ cúng dường Kathina...
Trong đó, Lễ đặt đá Sima được coi là thời khắc linh thiêng nhất tại chùa. Tại đây, 9 viên đá Sima lần lượt được đặt trong chánh điện, đánh dấu ranh giới thiêng của ngôi chùa. Trong khi các viên đá được đặt, các nhà sư tụng kinh, cầu nguyện cho sự bình an, thịnh vượng của ngôi chùa và cộng đồng người Khmer trong vùng.
Ghi nhận của PV Tiền Phong, lễ hội có hàng nghìn phật tử từ khắp nơi trong vùng đến tham gia với không khí nhộn nhịp. Tại chánh điện, các phật tử cầu nguyện, cúng dường ở các hố (nơi chuẩn bị đặt các trụ Sima), bên ngoài khuôn viên diễn ra nhiều hoạt động khác như chơi nhạc cụ dân tộc, trò chơi, đeo chỉ đỏ cho phật tử và du khách... Trong lễ hội Sima, việc mọi người đeo chỉ đỏ thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng Khmer tại địa phương, cùng hướng về giá trị tâm linh chung.
Lễ hội Sima tại chùa Chông Prây không chỉ dịp để người dân địa phương thể hiện đức tin tôn giáo, còn đậm nét văn hóa, bản sắc cộng đồng Khmer.
Anh Kiên Dương Mộng Huy (ở TP. Trà Vinh) cho biết lễ kiết giới Sima là một trong những lễ quan trọng của phật giáo Nam tông Khmer, thu hút hàng nghìn phật tử trong vùng tham dự. Trong dịp lễ này, nghi thức quan trọng nhất là cắt dây Sima ở chánh điện, vì khoảng từ 100-200 năm mới có dịp để chứng kiến khánh thành một ngôi chùa.

Người dân nhét tiền vào đá Sima cầu may mắn, bình an cho người thân, gia đình. Ảnh: Hòa Hội.
Du khách Hồ Diễm Phương (TP. Trà Vinh) cho rằng thông qua lễ hội, người dân, du khách có dịp tìm hiểu về tín ngưỡng, phong tục tập quán của bà con khmer, giữ bản sắc văn hóa trong thời đại hội nhập.
Còn bạn Kim Trần Phương Thảo (dân tộc Khmer, quê huyện Trà Cú, Trà Vinh) hào hứng hòa cùng hàng nghìn người tham gia lễ hội. “Với người Khmer, khánh thành chánh điện ngôi chùa có ý nghĩa quan trọng, sự kiện lớn nên em háo hức đến đây tham gia”, Thảo nói.
Ngôi chùa cổ hơn 150 năm tuổi
Chùa Chông Prây (hay còn gọi là chùa Kômprêk Prây) là một trong những ngôi chùa Khmer cổ kính và nổi tiếng tại Trà Vinh. Chùa không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo đặc sắc, còn trung tâm văn hóa, tâm linh quan trọng của cộng đồng người Khmer trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Chùa Chông Prây được xây dựng từ thế kỷ XIX, với lịch sử tồn tại hơn 150 năm. Ngôi chùa ban đầu được xây dựng bằng các vật liệu đơn giản như gỗ và lá dừa nước. Qua nhiều lần trùng tu và tái thiết, đến nay chùa Chông Prây đã trải qua 10 đời trụ trì và trở thành một công trình kiến trúc đồ sộ mang đậm phong cách Khmer cổ truyền.
Kiến trúc của chùa Chông Prây là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Angkor truyền thống và những nét đặc trưng của kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ. Ngôi chính điện (sala) được xây dựng trên nền cao, mái chùa có nhiều tầng lợp ngói, với những đường cong uyển chuyển và các đầu đao vút cao, tượng trưng cho sự vươn lên, kết nối giữa trần gian và cõi thiêng. Đặc biệt, trên các mái chùa và tường chùa được chạm khắc nhiều hoa văn, họa tiết tinh xảo mang, như thần Rắn Naga, các vũ nữ Apsara, và những câu chuyện từ kinh điển Phật giáo và sử thi Ramayana.
Chánh điện là công trình chính và quan trọng nhất của chùa, nơi thờ phụng Đức Phật và diễn ra các nghi lễ tôn giáo quan trọng. Bên trong chánh điện, tượng Phật chính được đặt trang trọng trên bệ cao, xung quanh trang trí bằng những bức tranh vẽ về cuộc đời Đức Phật.
Trong khuôn viên chùa có tháp cốt - nơi lưu giữ tro cốt của các vị sư trụ trì và các Phật tử có công với chùa. Tháp cốt tại chùa Chông Prây được xây dựng với nhiều hình dáng và kích thước khác nhau, tạo nên một quần thể kiến trúc độc đáo.

Lễ hội thu hút đông đảo người từ khắp nơi. Ảnh: Hòa Hội.

Sư trong chùa đeo chỉ đỏ cho du khách cầu mong may mắn, bình an và thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Ảnh: Hòa Hội.

Chùa Chông Prây hơn 150 năm tuổi tại Trà Vinh. Ảnh: Hòa Hội.

Người dân cầu nguyện tại chánh điện chùa. Ảnh: Hòa Hội.

Du khách tham quan chùa. Ảnh: Hòa Hội


Phật tử xin đeo chỉ đỏ vào tay.

Nhạc ngũ âm của đồng bào khmer Nam Bộ. Ảnh: Hòa Hội.