Lễ hội chùa Hương: An toàn, không còn cảnh chèo kéo khách
Với nhiều cải tiến trong công tác tổ chức và quản lý, Lễ hội chùa Hương năm 2025 diễn ra trật tự hơn, không còn cảnh ùn tắc trên suối Yến và chùa Thiên Trù. Đáng ghi nhận,tình trạng chèo kéo, đeo bám du khách cũng đã chấm dứt nhờ hệ thống xuồng đò được quản lý và vận hành bài bản, giúp hành trình du xuân của khách thập phương thuận tiện hơn…

Trung bình mỗi ngày, lễ hội chùa Hương đón khoảng hơn 2 vạn du khách.
Trung bình mỗi ngày đón khoảng 2 vạn khách du lịch
Lễ hội chùa Hương năm 2025 có chủ đề "Lễ hội chùa Hương điểm đến du lịch, văn hóa, truyền thống Việt", diễn ra trong 3 tháng, từ ngày 3/2 đến hết ngày 1/5. Trong đó, lễ khai hội đã được tổ chức vào ngày 3/2 (tức ngày mùng 6 tháng Giêng). Theo Ban tổ chức tính đến nay, lượng du khách đến với lễ hội chùa Hương lên đến hơn 226.611 lượt khách. Trung bình mỗi ngày, lễ hội chùa Hương đón khoảng hơn 2 vạn du khách.
Được biết, để đảm bảo tổ chức các Lễ hội chùa Hương 2025 một cách an toàn, tiết kiệm và phù hợp với truyền thống văn hóa, chính quyền huyện Mỹ Đức (Hà Nội) và Ban tổ chức Lễ hội đã có nhiều sự đổi mới phù hợp với thực tiễn. Theo đó, đã tích hợp vé thắng cảnh và dịch vụ đò thuyền vào cùng một mã QR đảm bảo thuận tiện cho du khách, giảm thiểu các đầu mối phát hành vé, kiểm soát vé và thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Chủ đò chỉ cần dùng app để quét mã QR từ vé của khách đi đò. Như vậy, du khách có thể không cần sử dụng tiền mặt cho cả hành trình lễ hội.
Năm nay, để phục vụ nhu cầu gửi xe của du khách, Ban Tổ chức đã bố trí 3 điểm trông giữ xe, mỗi điểm có sức chứa lên đến hàng nghìn lượt xe và đưa 110 xe điện vào khai thác, phục vụ du khách được thuận tiện, văn minh. Điểm mới năm nay là giá vé trông giữ ôtô đã được Ban Tổ chức sắp xếp lại ở mức giá phù hợp hơn. Cụ thể, giá 30.000 đồng/ngày đối với xe ôtô từ 9 chỗ trở xuống, 50.000 đồng/ngày đối với xe ôtô từ 10 chỗ trở lên và nếu gửi qua đêm, các xe sẽ chỉ phải tính thêm 20.000 đồng.
Đặc biệt, mỗi xã viên lái đò có một mã QR để Hợp tác xã quản lý, mỗi thuyền đò có mã QR tương tác thông tin phản hồi về thái độ phục vụ của lái đò đối với du khách.
“ Đối với những trường hợp làm phiền du khách như vòi vĩnh hay các hành vi không đúng mực, Ban quản lý sẽ xử lý nghiêm, nhắc nhở và cam kết sẽ lập biên bản, xử lý nếu cần thiết. Đến nay, chưa gặp phải vấn đề nghiêm trọng nào và đã có các biện pháp nhắc nhở các nhân viên và chủ phương tiện để bảo vệ quyền lợi du khách", ông Triều thông tin.Ông Bùi Văn Triều, Trưởng ban Quản lý khu di tích chùa Hương cho biết.

Không còn cảnh chen lấn, “cò mồi”
Thực tế Lễ hội chùa Hương năm nay những con đường từ bãi xe đến bến Yến khá thông thoáng. Dọc bến đò suối Yến, không còn cảnh chen lấn hay “cò mồi”. Đi đò trên Suối Yến cũng khá thông thoáng, du khách không còn phải ngả nghiêng do các xuồng va đập vào nhau như trước kia. Giờ đây ai cũng an nhiên để ngắm cảnh sơn thủy hữu tình, dòng suối trong xanh sạch đẹp và những tấm pano đẹp mắt.
Một điểm nhấn đặc biệt trong năm 2025 là tuyến cáp treo Hương Bình chính thức đi vào hoạt động, kết nối hai địa danh chùa Hương (Hà Nội) và chùa Tiên (Hòa Bình). Tuyến cáp treo này không chỉ giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm ách tắc giao thông mà còn thúc đẩy kết nối văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giữa Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam và các vùng lân cận.
Đáng ghi nhận, để giữ cảnh quan cũng như vệ sinh môi trường, lượng rác thải tại lễ hội chùa Hương sẽ được thu gom theo ngày và vận chuyển ra khỏi khu vực lễ hội, mang đi tập kết tại bãi rác theo đúng quy định. Đặc biệt, trong khuôn viên lễ hội không hề có cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống nào bán thịt thú rừng. Tổ liên ngành đã nhắc nhở các cửa hàng cần giới thiệu đúng sản phẩm, tránh trường hợp giới thiệu sai gây hiểu lầm cho du khách.
Chia sẻ về cảm nhận của mình khi đi tham quan chùa Hương, anh Lê Ba ( Đông Anh, Hà Nội) chia sẻ: Hành hương về chùa Hương là hành trình tìm về cội nguồn, trải nghiệm sự giao thoa giữa di sản vật thể và phi vật thể. Chính vì vậy, như một thói quen đầu năm tôi và gia đình đều về đây tham quan và vãn cảnh. Năm nay dù đi vào chính hội nhưng cảm thấy rất an toàn, không thấy hiện tượng chèo kéo, đổi tiền lẻ hay hoạt động mê tín dị đoan làm phiền du khách. Tôi thấy lễ hội rất văn minh".

Du khách vãn cảnh chùa Hương.
Cùng quan điểm, chị Nguyễn Thị Thảo (Vĩnh Phúc) cũng cho biết, việc phân luồng giao thông từ xa, điều tiết xe điện đưa đón du khách nên không còn tình trạng ùn ứ giao thông như những năm trước. Dọc khu vực bến Yến, lối lên xuống đò đã được tổ chức bài bản, có cửa quét vé tự động kết hợp nhân viên hướng dẫn. Dịch vụ xuồng, đò năm nay cũng được đổi mới hoàn toàn, áo phao, nước uống, ô che… đầy đủ nên du khách cảm thấy hoan hỷ trong ngày lễ hội đầu xuân.

Dọc bến đò suối Yến, không còn cảnh chen lấn hay “cò mồi”.
Có thể thấy, từ những nỗ lực đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đến áp dụng công nghệ thống tin vào quản lý, chuyển đổi số; thay đổi cung cách phục vụ của từng người lái đò đã góp phần vào thành công của lễ hội chùa Hương 2025 với những cảm nhận hài lòng của nhiều du khách.
Theo UBND huyện Mỹ Đức, hiện tại huyện đang phối hợp cùng các sở, ban ngành để thực hiện chủ trương quy hoạch chùa Hương theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (đầu tư xây dựng bến bãi giúp mọi người thuận tiện hơn trong việc di chuyển bằng đường thủy, nâng cao chất lượng phục vụ đò, thuyền, đảm bảo an toàn cho du khách).