Lễ công bố và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê và khai hội năm 2025
Sáng 10/2 (ngày 13 tháng Giêng âm lịch), tại đình làng Nộn Khê (xã Yên Từ), UBND huyện Yên Mô tổ chức Lễ công bố quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, kỷ niệm 555 năm thành lập làng và khai hội năm 2025.
![Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê cho đại diện làng Nộn Khê và xã Yên Từ.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/68dcb604824a6b14325b.jpg)
Đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê cho đại diện làng Nộn Khê và xã Yên Từ.
Dự buổi lễ có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Tống Quang Thìn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Nguyễn Cao Sơn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; huyện Yên Mô.
Cùng dự có đại diện cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Yên Từ và đông đảo người dân địa phương, con em quê hương và du khách.
![Các đại biểu dự Lễ công bố.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/6f57888fbcc1559f0cd0.jpg)
Các đại biểu dự Lễ công bố.
Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê có lịch sử hình thành và duy trì 555 năm, chứa đựng bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư làng Nộn Khê. Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê là lễ hội truyền thống, có ý nghĩa là đền ơn báo đáp lại nguồn gốc, công ơn của các tiền nhân đã có công lập ấp, lập làng xây dựng quê hương trù phú theo truyền thống "Uống nước nhớ nguồn" của dân tộc.
Lễ hội Báo bản là dịp để giáo dục, ôn lại truyền thống lịch sử vẻ vang của các thế hệ dân cư làng Nộn Khê. Đây là cách hun đúc tình yêu, niềm tự tôn, tự hào và trách nhiệm với gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước cho mỗi người con của làng Nộn Khê. Lễ hội Báo bản cũng là minh chứng của lịch sử hình thành và phát triển của một vùng đất thuộc khu vực cửa biển Đại Ác, Thần Phù khi xưa…
Với những giá trị đó và trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí, Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê, xã Yên Từ vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 3987/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024.
Tại buổi lễ, đồng chí Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã trao Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với Lễ hội Báo bản truyền thống làng Nộn Khê cho đại diện làng Nộn Khê và xã Yên Từ.
Diễn văn kỷ niệm 555 năm thành lập làng Nộn Khê nêu rõ: Làng Nộn Khê xưa là vùng đất bồi chua mặn, hoang vu, lau sậy um tùm. Vào thời kỳ Hồng Đức nguyên niên (1470) theo kế dinh điền, lập ấp hình thành nên ấp Côi Khê, đặt nền móng tạo dựng nên làng Nộn Khê ngày nay. Trải qua 555 năm, qua nhiều thăng trầm lịch sử, với sự nỗ lực phấn đấu xây dựng quê hương của các thế hệ người dân trong làng, làng Nộn Khê đã có nhiều đổi thay, khang trang, sạch đẹp hơn, trở thành một miền quê trù phú nhưng vẫn giữ được truyền thống văn hiến lâu đời cũng như bản sắc văn hóa của một làng quê có bề dày lịch sử... Đến nay, làng Nộn Khê có 4 xóm đều được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.
![Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đình làng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/4f5ba28396cd7f9326dc.jpg)
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dâng hương tại Đình làng.
Sau buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo tỉnh cùng các đại biểu, người dân địa phương đã dâng hương tại Đình làng để tưởng nhớ các vị bậc tiền nhân đã có công khai phá, lập làng, dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ là con em của làng đã hy sinh anh dũng trong các cuộc chiến tranh trường kỳ, bảo vệ nền độc lập tự do của quê hương, đất nước.
Lễ hội Báo bản làng Nộn Khê mang đậm nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, là dịp để người dân địa phương tưởng nhớ các vị tiền nhân khai sinh ra làng, giáo dục truyền thống lịch sử cho nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về bảo tồn, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.
![Nghi lễ Tế nữ quan tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/d0d53b0d0f43e61dbf52.jpg)
Nghi lễ Tế nữ quan tại lễ hội.
Tham dự lễ hội, người dân và du khách được hòa mình vào các hoạt động phần lễ và phần hội đặc sắc, ý nghĩa. Phần lễ với các nghi lễ rước kiệu, tế lễ cổ truyền, dâng hương; phần hội với các hoạt động văn hóa, văn nghệ sôi nổi, ý nghĩa: tổ chức ngâm thơ, biểu diễn văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian như rước kiệu, múa rồng, múa lân, võ vật, tổ tôm điếm, bịt mắt bắt dê, bịt mắt đập niêu... cùng với các hoạt động thể thao như bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, cờ tướng...
![Thi đấu cờ tướng tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/1713ebcbdf8536db6f94.jpg)
Thi đấu cờ tướng tại lễ hội.
![Trò chơi bịt mắt bắt dê tại lễ hội.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_442_51439366/6b7893a0a7ee4eb017ff.jpg)
Trò chơi bịt mắt bắt dê tại lễ hội.
Ngoài ra, còn có 2 buổi chợ đêm cổng Đình (vào tối 12 và tối 13 tháng Giêng), thu hút hàng nghìn người từ các địa phương lân cận về gặp gỡ giao lưu, thưởng thức ẩm thực địa phương như: bánh đúc, bánh lùng...