Lễ cúng rừng của người Cờ Lao ở Hà Giang là di sản văn hóa quốc gia

Lễ cúng rừng là một tập quán tín ngưỡng từ lâu đời của người Cờ Lao ở Hà Giang, có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, giáo dục con người sống hòa hợp với thiên nhiên.

Ngày 11/10, tỉnh Hà Giang đã công bố quyết định, trao chứng nhận “Lễ cúng rừng của người Cờ Lao” xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ cúng rừng là một tập quán xã hội và tín ngưỡng có từ lâu đời của người Cờ Lao, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Đây là một nghi lễ truyền thống và có ý nghĩa quan trọng trong việc gắn kết cộng đồng, góp phần giáo dục con người sống hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước - những yếu tố rất cần để đảm bảo cho cuộc sống của con người.

 Thầy cúng tái hiện lại nghi thức cúng rừng của của người Cờ Lao, thôn Má Trề, xã Sính Lủng. Ảnh: M.Ly

Thầy cúng tái hiện lại nghi thức cúng rừng của của người Cờ Lao, thôn Má Trề, xã Sính Lủng. Ảnh: M.Ly

Lễ cúng thần rừng thường diễn ra vào khoảng từ 7 đến 9 giờ sáng. Trong năm chỉ có 3 ngày được tổ chức lễ cúng, đó là ngày mùng 3 tháng 3 hoặc ngày mùng 9 tháng 9 và ngày 29 tháng chạp âm lịch.

Để chuẩn bị lễ cúng, các hộ gia đình góp tiền để chuẩn bị lễ vật trước 2 - 3 ngày và thông báo cho người thân trong gia đình về dự lễ đông đủ. Lễ vật dâng cúng gồm 1 con dê đực, 1 con gà, 2 chai rượu, gạo, vàng hương, giấy bản và một số vật dụng khác.

Người Cờ Lao không giống như các dân tộc khác là phải lập miếu thờ mà chỉ chọn một chỗ tương đối bằng phẳng ở bên cạnh khe đá tại địa điểm có gốc cây to trong khu rừng cấm của thôn để thờ cúng Lễ cúng thần rừng.

Tại nơi đàn cúng cũng không quy định đặt bao nhiêu bát hương mà chỉ có một bát hương cúng chung cho tất các các vị thần. Bát hương được đặt trên phiến đá to, phía dưới để 3 chiếc chén vại trên phiến đá bằng phẳng.

Nghi lễ cúng thần rừng được chia thành 2 phần: Phần cúng dâng lễ và phần cúng chính. Trong phần cúng dâng lễ, người dân mang các lễ vật như dê, gà, cơm, rượu… mời các vị thần về tham dự và chứng nhận lòng thành kính của người dân.

Phần cúng chính diễn ra sau khi lễ vật được bày lên, thầy cúng tiến hành lễ cúng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng có một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng được tươi tốt, con người được mạnh khỏe, no đủ, xua đuổi thú rừng, ma quỷ không quấy rối phá hoại mùa màng của dân làng.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo tồn và gìn giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cờ Lao cũng như Lễ cúng rừng; hỗ trợ nghệ nhân truyền dạy lại cho thế hệ trẻ thông qua việc đưa văn hóa truyền thống của dân tộc Cờ Lao vào giảng dạy tại các trường học.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/le-cung-rung-cua-nguoi-co-lao-o-ha-giang-la-di-san-van-hoa-quoc-gia-post316470.html
Zalo