Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ đối với xã hội

Nhiều nhà thơ, nhà nghiên cứu đã đặt ra các vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nghệ thuật và người sáng tạo nghệ thuật hiện nay trong lĩnh vực thơ ca, như làm sao để công chúng không quay lưng lại với thi ca, nhà thơ hiện nay có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống hay né tránh, đi vòng?

Cuộc tọa đàm thu hút đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tham dự.

Cuộc tọa đàm thu hút đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu tham dự.

Các ý kiến được nêu ra thông qua cuộc Tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2025, diễn ra tại Ninh Bình.

Trách nhiệm xã hội của thơ

Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội nhấn mạnh, thơ ca có giá trị đối với đời sống ở chỗ, con người biết vịn vào sự tử tế do thơ ca mang đến. Thơ ca không chỉ đưa con người vượt qua những trắc trở trong cuộc sống, nhìn ra những vẻ đẹp của cuộc sống và ca tụng vẻ đẹp đó, mà từ đó còn chưng cất lên một vẻ đẹp khác cao hơn mang tính lý tưởng, biến lý tưởng thành khát vọng và đưa con người hướng tới lý tưởng đó. Thơ ca tạo ra khát vọng để con người vươn tới. Khát vọng đó gắn chặt với trách nhiệm của nghệ sĩ.

Và nhà thơ Nguyễn Bình Phương đặt câu hỏi, liệu người nghệ sĩ đã làm được đầy đủ trách nhiệm đó hay chưa, có đối diện với những vấn đề gai góc của đời sống không, hay chọn cách đi vòng qua, tránh né bằng sự phù phiếm.

Vinh danh các nhà thơ nhiều thế hệ tại Đường thơ trong Hoàng thành Thăng Long trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Vinh danh các nhà thơ nhiều thế hệ tại Đường thơ trong Hoàng thành Thăng Long trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2023. (Ảnh: NHẬT QUANG)

Dẫn lại những câu chuyện từ lịch sử gắn với thơ ca, nhà thơ lão niên Vũ Quần Phương đưa ra thí dụ về thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Thơ Tố Hữu tỏa ra nhiều đề tài, có những đề tài rất đời thường, như tiếng chổi tre quét trên đường phố đêm hay lời hát mẹ ru con… nhưng bao giờ cũng hướng vào chủ đề cách mạng. Nhà thơ Vũ Quần Phương dẫn ra cách mà nhà thơ Tố Hữu mượn hình ảnh người mẹ trong bài “Bầm ơi” (Con đi đánh giặc gian lao/Xa bầm con lại có bao nhiêu bầm) để cổ động phong trào “mẹ chiến sĩ” thông qua lời của anh bộ đội.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng đề cập đến sự thay đổi của các văn nghệ sĩ thời kỳ Thơ Mới khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra. Khi đó, hầu hết các văn nghệ sĩ đã tập hợp dưới cờ Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền và tiến hành kháng chiến chống Pháp. Riêng về thơ, đông đảo nhất trong các nhà thơ đương thời khi ấy là các nhà thơ lãng mạn xuất hiện và trưởng thành trong phong trào Thơ Mới, khoảng 10 năm 1932-1942, với những cách tân triệt để, mở ra một trời đất mới của chủ nghĩa lãng mạn cho thơ Việt với những thành tựu về tác phẩm, tác giả thật huy hoàng.

Nhưng khi Đảng phất cờ khởi nghĩa và kêu gọi kháng chiến giữ nước, những nhà thơ ấy, như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Yến Lan, Phạm Huy Thông, Vũ Đình Liên… đã là những người có mặt, sẵn sàng từ bỏ những tác phẩm huy hoàng của quá khứ để thành người lính cách mạng, lấy bút mực làm vũ khí, sáng tạo nên văn chương cách mạng, góp sức, góp máu xương giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước. Một cuộc đổi thay bắt đầu bằng sự đoạn tuyệt với thành tựu văn chương của chính mình.

Băn khoăn về trách nhiệm của thơ đối với xã hội ngày nay, nhà thơ Hà Phạm Phú đặt câu hỏi “Thơ có thể làm gì để xây dựng một xã hội chân - thiện - mỹ?” Ông cho rằng, hiển nhiên thơ sẽ không trực tiếp can thiệp, thay đổi vận mệnh thực sự của con người, nhưng nó sẽ tác động đến xã hội một cách tinh tế. Đặc biệt hiện nay, Internet và thông tin đa phương tiện đã thâm nhập sâu và rộng vào nhiều lĩnh vực của xã hội, nền tảng sáng tạo và các kênh truyền thông, tiếp nhận thơ ngày càng đa dạng. Đặc điểm văn phong của thơ quyết định nó có thể điều phối sự chú ý của công chúng, dùng ngôn từ thích hợp để diễn đạt những chủ đề phức tạp, truyền tải năng lượng mới, chạm đến những vấn đề nóng hổi của xã hội…

“Nói như vậy để thấy trách nhiệm xã hội của thơ có nền tảng rộng rãi. Và như thế trách nhiệm xã hội của nhà thơ là rất lớn” – nhà thơ Hà Phạm Phú nhấn mạnh. Và ông cho rằng, các nhà thơ lớn trong lịch sử đều là những người tiên phong của thời đại, là những con người sẵn sàng ghé vai gánh vác trách nhiệm xã hội. Sứ mệnh xã hội của thơ là quay trở lại với xã hội, cảm nhận và mô tả nỗi đau của xã hội, quan tâm đến mọi đối tượng có thể quan tâm.

Chính vì thế, ông nhấn mạnh, tác phẩm mà nhà thơ công bố ra công chúng phải hay. Thơ hay có thể khám phá, thấu hiểu và soi sáng cuộc sống một cách sâu sắc, nhưng nó cũng có thể bộc lộ, lên án, phản kháng, trừng phạt và từ bỏ một lối sống, khơi dậy ý chí sống của con người, nó có thể dẫn con người đến một giao diện khác của cuộc sống, trong việc tích lũy kinh nghiệm, đánh thức ký ức cá nhân và mở rộng những cảm xúc nhất thời, truyền tải vô thức tập thể. Tất cả, trên nền tảng nhân văn cho đến khi cuộc sống được tái sinh.

“Một bài thơ hay phải có đời sống tinh thần xung động, trải nghiệm thực tế hoặc ký ức lịch sử đằng sau lời nói của nó. Những bài thơ đầy cảm xúc, có thể nhìn thấy ánh sáng và bóng tối của bản chất con người chắc chắn sẽ chạm đến trái tim người đọc và khiến họ khó quên” – nhà thơ Hà Phạm Phú chia sẻ.

Trăn trở về vai trò của thơ

Nhà thơ Đặng Huy Giang cũng nhấn mạnh vào sứ mệnh cao quý, thiêng liêng của văn chương nói chung và thi ca nói riêng. Ông cho rằng, thơ của ta hiện nay có diện nhưng không có đỉnh. Tìm ra được một gương mặt mới, một hiện tượng thơ mới, bây giờ thật là khó. Những bài thơ mang giá trị hữu ích, giá trị tư tưởng, có ảnh hưởng tốt về mặt mỹ cảm cũng như những bài thơ có ý, có tứ cũng rất hiếm. “Theo tôi, thơ hay là thơ có tư tưởng, giản dị mà sâu sắc, giản dị mà khó làm, làm khác thường những điều bình thường hoặc phát hiện ra những điều khác thường trong những điều bình thường. Đó là cái đích muôn đời mà nhân loại đã, đang và sẽ hướng tới. Và những bài thơ hay, được chuyển ngữ thường đáp ứng những đòi hỏi trên” – nhà thơ Đặng Huy Giang chia sẻ.

Trưng bày các hiện vật của các nhà thơ của Bảo tàng Văn học Việt Nam tại Ngày thơ năm 2023.

Trưng bày các hiện vật của các nhà thơ của Bảo tàng Văn học Việt Nam tại Ngày thơ năm 2023.

Chính vì thế, ông nhấn mạnh, trước khi có những câu thơ hay, chúng ta hãy có một tinh thần lao động sáng tạo thực sự và có một thái độ nghiêm túc trong cách hành xử với thi ca. Phấn đấu làm sao để thi ca trở về giá trị đích thực vốn có của nó.

Nhà thơ trẻ Nguyễn Như, một người vừa được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam có góc nhìn của một người trẻ về trách nhiệm của nhà thơ, xét dưới góc độ nhà thơ và công dân.

Anh cho biết, nhìn vào thế hệ các cô, các bác, các anh chị, anh khao khát được làm nghệ thuật đúng nghĩa và bài bản, đó cũng là động lực để mình ý thức trách nhiệm hơn qua từng con chữ.

“Là một người viết trẻ, tôi trăn trở hơn qua những biến chuyển xã hội, nghịch đạo đức, con người tha hóa, thiên nhiên, môi trường, văn hóa lụi dần… Tôi lo sợ trước những quả đồi trọc ở quê tôi vào mùa khô ròng rã; tôi buồn bã trước bầu khí quyển, môi trường của Hà Nội, Sài Gòn… Là một công dân, một tác giả thơ, tôi gắn với những thứ mà mình đã chạm ở đời sống - xã hội - con người” - anh chia sẻ.

Nhà thơ Nguyễn Như cho rằng, thơ là thứ không phải cứ kể một cách thời sự, tài của người làm thơ có nhiều cách để tỏ bày góc độ sống, lý lẽ của riêng mình. Nhiệm vụ của người làm thơ là đi tìm cái đẹp, giác ngộ, cứu rỗi những đớn đau, vấn nạn…

Nhà thơ Nguyễn Như cũng đề cập đến vấn đề tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí độc giả nước nhà cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm? Anh cho biết, qua khảo sát qua nhiều bạn đọc ngẫu nhiên, có những người không quan tâm gì về thơ, bởi thơ không giải tỏa, bồi đắp được tinh thần, tâm trạng của họ; có trường hợp cảm thấy thơ bây giờ trừu tượng và rời xa với đời sống con người quá; cũng có trường hợp quan tâm và cảm nhận được thơ nhưng vì mưu sinh mà không còn thời gian để đọc… “Có lẽ điều cần thiết nhất để thơ Việt được nâng tầm và vươn xa là các nhà thơ cần phải đối xử với thơ bằng cả tâm hồn mình, mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm tới nhiều độc giả nước ngoài hơn” – nhà thơ chia sẻ.

Một số nhà thơ cũng chia sẻ quan điểm đối với việc lười sáng tạo, vô trách nhiệm với sản phẩm của mình, thậm chí đạo thơ…, cần phải loại bỏ những kiểu sản phẩm như thế này.

Nhìn nhận trên góc độ đổi mới trong thơ và trong các nhà thơ hiện nay, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho rằng, với những xu hướng cách tân tích cực và đích thực của các nhà thơ thuộc thế hệ Thơ Hậu chiến trong 50 năm qua (1975-2015), thơ đương đại Việt Nam đã khởi hành sang một chặng đường mới.

“Họ có thể chưa được dư luận và giới phê bình đánh giá một cách đầy đủ và công bằng. Nhưng tôi tin ở thời gian - thứ thước đo sòng phẳng nhất đối với mọi giá trị sáng tạo, sẽ ghi nhớ họ khi các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại” – nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ.

LINH KHÁNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/trach-nhiem-va-khat-vong-cua-nha-tho-doi-voi-xa-hoi-post859642.html
Zalo