Lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp, muộn nhất 3/6 trình Chính phủ

Kế hoạch triển khai nhiệm vụ của Bộ Tư pháp về việc tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đề ra 10 nhóm việc cần triển khai.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh vừa ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (dự thảo Nghị quyết).

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh

Lấy ý kiến nhân dân: Dân chủ, linh hoạt, kịp tiến độ

Theo đó, mục tiêu của kế hoạch là chủ động tham mưu và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của Bộ Tư pháp trong quá trình tham mưu, giúp Chính phủ tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, tổ chức lấy ý kiến trong phạm vi bộ, ngành tư pháp bằng các hình thức thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nhằm bảo đảm dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch.

Kế hoạch yêu cầu xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các đơn vị thuộc bộ trong việc triển khai nhiệm vụ này.

Việc tổ chức thực hiện phải được tiến hành đồng bộ, thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan.

10 nhóm việc cần triển khai thực hiện

Về nội dung thực hiện, kế hoạch đề ra 10 nhóm việc cần triển khai.

Cụ thể, một là xây dựng văn bản hướng dẫn việc tổng hợp ý kiến của nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết. Hoàn thành chậm nhất ngày 6/5.

Hai là tổ chức công tác truyền thông rộng rãi bằng các hình thức phù hợp trong quá trình tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp.

Phát hành văn bản ngay sau khi Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 công bố dự thảo Nghị quyết (dự kiến ngày 6/5/2025).

Ba là tổ chức lấy ý kiến tại các đơn vị thuộc bộ. Thời gian thực hiện từ 6/5 - 15/5/2025. Chậm nhất là ngày 20/5, gửi kết quả tổng hợp về Văn phòng Bộ để tổng hợp chung vào Báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp.

Bốn là tổ chức hội nghị (trực tiếp kết hợp trực tuyến) lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết. Hoàn thành trước ngày 15/5.

Năm là đôn đốc, tổng hợp báo cáo của các đơn vị thuộc bộ, các ý kiến của tổ chức, cá nhân gửi về Bộ Tư pháp (nếu có); xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến của Bộ Tư pháp. Hoàn thành trước ngày 25/5.

Sáu là tổng hợp kết quả lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thời gian thực hiện: Chậm nhất là ngày 31/5 gửi Vụ Pháp luật hình sự - hành chính tổng hợp chung.

Bảy là xây dựng báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương.

Thời gian thực hiện: Chậm nhất ngày 3/6, Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét, thông qua báo cáo tổng hợp chung (để chậm nhất ngày 5/6, Chính phủ gửi báo cáo về Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013).

Tám là xây dựng báo cáo tổng hợp chung về kết quả lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp.

Thời gian thực hiện: Chậm nhất ngày 3/6, Bộ Tư pháp trình Chính phủ xem xét, thông qua báo cáo. Chậm nhất ngày 5/6, Chính phủ gửi báo cáo tổng hợp chung về Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Chín là tham mưu, chuẩn bị ý kiến cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp với vai trò là Ủy viên Thường trực Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; chuẩn bị ý kiến của Chính phủ, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Bộ Tư pháp về dự thảo Nghị quyết.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 5/5 đến khi Quốc hội thông qua Nghị quyết.

Mười là làm đầu mối theo dõi, đôn đốc các cơ quan, bộ, ngành, địa phương tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết.

Thời gian thực hiện: Từ ngày 6/5 đến hết ngày 5/6.

Về tổ chức thực hiện, các đơn vị được phân công chủ trì có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, chất lượng, hiệu quả.

Vụ Pháp luật hình sự - hành chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Bộ theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch này, kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và thứ trưởng phụ trách khi cần thiết.

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bo-truong-tu-phap-ban-hanh-ke-hoach-lay-y-kien-nhan-dan-ve-sua-doi-hien-phap-2397537.html
Zalo