'Lát gạch xanh' trên bản đồ cà phê bền vững
Giữa bối cảnh biến đổi khí hậu và áp lực từ các quy định quốc tế ngày càng gia tăng, Lâm Đồng đang nỗ lực xây dựng ngành cà phê bền vững, thân thiện với môi trường. Bước đầu triển khai quy định EUDR (Quy định sản xuất không gây mất rừng của Liên minh châu Âu) đã cho thấy những tín hiệu tích cực, mở ra hướng đi mới cho ngành Nông nghiệp địa phương.

Thu hái cà phê ở Lâm Hà
• CHỦ ĐỘNG ĐÓN ĐẦU THÁCH THỨC
EUDR, với những yêu cầu khắt khe về nguồn gốc và tính bền vững của sản phẩm, được xem là thước đo mới cho các quốc gia xuất khẩu nông sản, trong đó có cà phê vào thị trường châu Âu. Nhận thức rõ điều này, Lâm Đồng đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động, triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của EUDR, đồng thời nâng cao giá trị và vị thế của cà phê địa phương.
Một trong những điểm nhấn quan trọng là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân và doanh nghiệp. Thông qua nhiều kênh thông tin, từ website, tài liệu đến các ứng dụng điện tử, người dân được trang bị đầy đủ kiến thức về EUDR và các biện pháp canh tác bền vững. Tỉnh cũng đã tổ chức 15 lớp tập huấn, hội thảo với sự tham gia của cán bộ, doanh nghiệp và nông dân, tạo điều kiện để trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm giải pháp.
Để đáp ứng yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, Lâm Đồng đã xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản, bao gồm thông tin về đất lâm nghiệp, đất có rừng và không có rừng ở cấp tỉnh và huyện. Hệ thống này sẵn sàng tích hợp vào cơ sở dữ liệu phục vụ EUDR, giúp minh bạch hóa thông tin và tạo thuận lợi cho việc quản lý, giám sát.
Đặc biệt, Lâm Đồng cùng với tỉnh Đắk Lắk là những địa phương tiên phong thí điểm xây dựng bản đồ vùng trồng theo quy định EUDR. Bản đồ cà phê tại Di Linh và Lạc Dương với tổng diện tích 50.952 ha (chiếm 28,8% diện tích toàn tỉnh) đã được hoàn thiện, tạo tiền đề cho việc truy xuất nguồn gốc và đảm bảo tính bền vững của sản phẩm.
Những nỗ lực của Lâm Đồng đã mang lại những kết quả khả quan. Số vụ vi phạm về phá rừng đã giảm đáng kể, từ 252 vụ (năm 2020) xuống còn 82 vụ (năm 2024), tương đương giảm 68%. Đồng thời, tỉnh đã trồng trên 7,1 triệu cây xanh nhằm phục hồi cảnh quan và giảm phát thải, góp phần vào mục tiêu bảo vệ môi trường.
• VẪN CÒN NHỮNG ĐIỂM NGHẼN
Huyện Di Linh hiện đã triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc trên diện tích 45.708 ha cà phê, hỗ trợ hơn 33.000 hộ dân. Hệ thống này có khả năng tích hợp vào Trung tâm Điều hành thông minh (IOC) cấp huyện, giúp nâng cao hiệu quả quản lý và giám sát.
Mặc dù đạt được những thành công bước đầu nhưng thực tế hiện nay triển khai quy định này tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Các hướng dẫn kỹ thuật chi tiết từ EU đến đầu năm 2025 mới hoàn thiện; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đến tháng 2/2025 mới ban hành văn bản kỹ thuật về truy xuất và kết nối dữ liệu phục vụ thực hiện EUDR. Hiện, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 2 huyện (Di Linh, Lạc Dương) hoàn thiện bản đồ vùng trồng; 8 địa phương còn lại chưa triển khai. Tỉnh cũng đang thiếu nguồn ảnh viễn thám chất lượng cao tại mốc thời gian 31/12/2020 để đối chiếu, xác minh nguồn gốc vùng trồng theo yêu cầu của EUDR. Mô hình truy xuất nguồn gốc mới chỉ được thí điểm tại huyện Di Linh; các địa phương còn gặp khó khăn về kinh phí và năng lực kỹ thuật để duy trì, vận hành hệ thống truy xuất và quản lý cơ sở dữ liệu. Về cơ chế phối hợp công - tư, nhóm công tác công - tư cấp tỉnh chưa được thành lập.
Để vượt qua những khó khăn này, Lâm Đồng đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu, tăng cường đầu tư vào công nghệ, nâng cao năng lực cho cán bộ và người dân. Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan, từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đến người nông dân.
Với những nỗ lực không ngừng, Lâm Đồng đang từng bước khẳng định vị thế là một trong những trung tâm sản xuất cà phê bền vững. "Lát gạch xanh" trên bản đồ cà phê Lâm Đồng không chỉ là giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và các quy định quốc tế, mà còn là hướng đi tất yếu để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường.