Lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Phi lợi nhuận vẫn cần giám sát
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả hôm nay (28/5), các đại biểu Quốc hội nhất trí thành lập Quỹ song đề nghị phải có cơ chế giám sát hiệu quả.
Theo các đại biểu Quốc hội, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là rất cần thiết, có ý nghĩa chính trị quan trọng đối với cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, giảm chi phí xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) Ảnh: Lâm Hiển
Liên quan đến nội dung thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, dự thảo quy định Quỹ hoạt động không vì lợi nhuận, huy động vốn linh hoạt và độc lập tài chính. Tuy nhiên, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng cần bổ sung hướng dẫn cụ thể về cơ chế quản lý, phân bổ vốn, giảm sát, trách nhiệm của các bên liên quan cũng như cơ chế giám sát hoạt động của Quỹ. Đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, đánh giá hiệu quả hoạt động của Quỹ để tránh lãng phí hoặc lạm dụng nguồn lực.
Tương tự, với quy định dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng, các đại biểu tán thành bởi xây dựng là một trong những ngành tiêu tốn nhiều năng lượng nhất hiện nay. Ở Việt Nam, hơn 60% điện năng trong các công trình được dùng cho điều hòa và chiếu sáng chủ yếu do sử dụng vật liệu xây dựng kém hiệu quả. Tuy vậy, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cũng cho rằng cần có cơ chế kiểm tra, giám sát tuân thủ, đặc biệt là trong thương mại điện tử.
Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) lại cảnh báo một số khó khăn mà cơ quan quản lý áp dụng khi thực hiện quy định này như: thiếu tiêu chí, tiêu chuẩn quốc gia cho nhiều loại vật liệu; số lượng phòng thử nghiệm đạt chuẩn còn ít; chi phí thử nghiệm cao và cơ chế hậu kiểm còn yếu. Do đó, đại biểu đề nghị phải đưa ra lộ trình dán nhãn năng lượng và xây dựng hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam về hiệu suất năng lượng đối với vật liệu xây dựng đồng bộ với tiêu chuẩn quốc tế; xã hội hóa hoạt động thử nghiệm và cấp chứng nhận. Quy định ứng dụng QR code, nền tảng số trong sản xuất kinh doanh loại vật liệu này để truy xuất nhãn hiệu năng lượng minh bạch, giúp người tiêu dùng hiểu được sản phẩm mình đang dùng. Đồng thời, có cơ chế hậu kiểm chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm.
Các đại biểu cũng lưu ý một số ngành, lĩnh vực dù ứng dụng khoa học, công nghệ rất hiện đại nhưng cũng vẫn rất cần các giải pháp để quản lý, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang) lấy ví dụ về mức độ tiêu tốn năng lượng của các trung tâm dữ liệu, phục vụ cung cấp dịch vụ công, dịch vụ điện tử, công nghệ số, phục vụ cho trí tuệ AI là rất lớn. Vì vậy, cần phải kiểm soát vấn đề nguồn cung năng lượng ổn định cho hệ thống này và có giải pháp rà soát, đánh giá nhu cầu khai thác, sử dụng sao cho hợp lý, cân đối với mức độ tiêu hao năng lượng.
Bên cạnh đó, xu thế sử dụng ô tô, xe máy điện nhằm bảo vệ môi trường đang ngày càng phổ biến, nhưng lại là đối tượng có nhu cầu sạc pin với nguồn năng lượng rất lớn nên cần quan tâm, lựa chọn phương thức sạc thích hợp giúp tiêu tốn ít năng lượng.
“Cần rà soát, bổ sung đối tượng sử dụng năng lượng phù hợp với tình hình mới và quy định giải pháp để thực hành tiết kiệm, hiệu quả đối với nhóm đối tượng mới này”, đại biểu kiến nghị.
Hồi âm ý kiến đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định, Việt Nam đã cam kết tại COP26 về mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cùng với đó là sự phát triển nhanh chóng của AI, trung tâm dữ liệu… nhu cầu sử dụng nguồn điện lớn, nên cần có giải pháp ngay để đạt mục tiêu cùng với các giải pháp sử dụng năng lượng tiết tiết kiệm và hiệu quả.
Ngoài ra, việc sử dụng công nghệ, đặc biệt là các ngành sử dụng điện năng lớn, đòi hỏi có các biện pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
“Do đó, trước mắt, dự thảo luật tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết này, đồng thời tiếp tục hoàn thiện các cơ chế thực thi để khắc phục những hạn chế còn tồn tại”- Phó Thủ tướng nêu.
Liên quan đến nội dung thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Phó Thủ tướng cho biết, nội dung này đã có định hướng trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Phó Thủ tướng dẫn chứng, theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, đã có khoảng 300 triệu USD từ các nguồn tài trợ và tín dụng khác nhau, nhưng chưa có cơ chế tập trung để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực này. Do đó, cần có một cơ chế tập trung, thống nhất để quản lý và sử dụng nguồn vốn đó và tiếp tục thu hút các nguồn lực tài chính cho hoạt động này.
Về cơ chế vận hành của quỹ, Phó Thủ tướng cho biết, ý kiến của cơ quan soạn thảo là quỹ sẽ vận hành theo nguyên tắc ủy thác nghiệp vụ tín dụng cho một ngân hàng. Chính phủ sẽ xây dựng một đề án chi tiết về việc thành lập, vận hành quỹ, bảo đảm quản lý nguồn vốn một cách hiệu quả và minh bạch.
Liên quan đến dán nhãn năng lượng cho vật liệu xây dựng và một số sản phẩm khác, Phó Thủ tướng khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước sẽ chỉ tập trung vào hướng dẫn, ban hành các tiêu chuẩn, định mức. Nhà nước hậu kiểm nhằm tiết kiệm thủ tục hành chính, tăng cường tính tự giác và sự phấn đấu của các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp.