Lập quy hoạch tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Quyết định số 1677/QĐ-TTg ngày 27/12/2024 nêu rõ, quy mô lập quy hoạch có diện tích khoảng 20,1ha, gồm toàn bộ diện tích khoanh vùng khu vực bảo vệ I và II của các điểm di tích (4,89ha) và diện tích dự kiến mở rộng ra các khu vực xung quanh nhằm phục vụ công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ.

Mục tiêu lập quy hoạch nhằm nhận diện, bảo tồn và gìn giữ lâu dài các giá trị hiện hữu của Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ cùng các di sản văn hóa liên quan, bảo đảm hài hòa giữa công tác bảo tồn di tích với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

Hoàn chỉnh ranh giới, phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích. Xác định chức năng, chỉ tiêu sử dụng đất cho khu di tích, khu dân cư và khu vực bảo vệ môi trường. Định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật phù hợp trong khu vực lập quy hoạch.

Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ ở thị trấn Ba Tơ.

Tượng đài khởi nghĩa Ba Tơ ở thị trấn Ba Tơ.

Hình thành điểm du lịch thăm quan về nguồn đặc sắc, nơi tìm hiểu, tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, kết hợp với thăm quan các khu vực cảnh quan tự nhiên, văn hóa truyền thống của địa phương. Đưa Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm về Cuộc khởi nghĩa Ba Tơ trở thành một trong những điểm đến quan trọng trên tuyến đường kết nối thành phố Quảng Ngãi - Nghĩa Hành - Ba Tơ; tạo lập mối liên kết chặt chẽ giữa các điểm của di tích và với các tuyến du lịch khác của địa phương.

Định hướng lộ trình, các nhóm giải pháp tổng thể về quản lý, bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích gắn với phát triển kinh tế - xã hội, phát triển du lịch của địa phương; phát huy giá trị di sản và nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ di sản văn hóa, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên gắn với du lịch bền vững, bảo vệ môi trường.

Đồng thời, xác lập cơ sở khoa học, căn cứ pháp lý để quản lý, bảo vệ di tích; thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển bền vững tại khu vực di tích; lập, thẩm định, phê duyệt và triển khai các dự án thành phần bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích. Xây dựng quy định để quản lý, kiểm soát không gian quy hoạch kiến trúc cảnh quan di tích và các khu vực liền kề.

Quyết định cũng nêu 9 nội dung nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích: Nhận diện đặc trưng, yếu tố cấu thành di tích; cấu trúc không gian cảnh quan, các giá trị tiêu biểu khác của di tích; những hạn chế, khó khăn và các vấn đề cần giải quyết trong quy hoạch.

Bên cạnh đó, xác định quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn quy hoạch; xác định các chỉ tiêu, dự báo phát triển của khu vực lập quy hoạch: Chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương và dự báo phát triển đô thị, du lịch; dự báo dân số và sức ép gia tăng dân số lên khu vực di tích; về lượng khách du lịch, nhu cầu du lịch và các dịch vụ du lịch; chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật; xác định nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích.

Đồng thời, định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan, xây dựng công trình mới và hạ tầng kỹ thuật; định hướng phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch; đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề môi trường khu vực quy hoạch; kế hoạch thực hiện quy hoạch.

Tin, ảnh: T.PHƯƠNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/thoi-su/trong-tinh/202412/lap-quy-hoach-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-quoc-gia-dac-biet-dia-diem-ve-cuoc-khoi-nghia-ba-to-f662764/
Zalo