Thanh niên công nhân và câu chuyện an cư lạc nghiệp

Trong hành trình xa quê, lập nghiệp tại Bình Dương đã có không ít thanh niên công nhân xây hoài bão, ước mơ về một gia đình đầm ấm, một ngôi nhà để họ an cư lập nghiệp. Để làm được điều đó, bản thân họ đã nỗ lực phấn đấu không ngừng và gặt hái được quả ngọt xứng đáng.

Gia đình chị Nhi, anh Quang đã cố gắng nỗ lực để đạt được ước mơ an cư lạc nghiệp tại Bình Dương

Hành trình chạm đến ước mơ

Trong căn phòng trọ nhỏ của chị Đào Thị Hoài Nhi và anh Trần Đăng Quang cùng con trai 7 tuổi luôn đầy ắp tiếng cười. Tiếng cười của những yêu thương, hạnh phúc. Giờ đây sau gần 10 năm lập nghiệp nơi đất khách, cũng vẫn là căn phòng trọ đấy thôi nhưng anh chị giờ đã là chủ sở hữu chứ không phải là người đi thuê trọ nữa.

Tâm sự về hành trình “an cư” của mình, chị Nhi kể “Tôi và chồng là bạn học cùng quê ở Quảng Trị. Năm 2008, tôi vào Bình Dương, học ở trường Đại học Bình Dương, anh học ở TP.Hồ Chí Minh. Sau 5 năm, tôi cũng đã hoàn thành chương trình học liên thông và tốt nghiệp trường Đại học Bình Dương. Tôi làm kế toán nội bộ ở một công ty nước ngoài. Năm 2015, sau khi kết hôn, 2 vợ chồng cũng đi ở ở trọ như nhiều cặp đôi khác. Nhớ lúc đó, cả 2 đi lên từ đôi bàn tay trắng, chúng tôi luôn mơ ước về có một căn nhà ở đô thị sầm uất này”.

Sau khi xác định mục tiêu mua nhà ở Bình Dương, vợ chồng chị Nhi bắt đầu lên kế hoạch làm thêm nhiều việc để có thêm thu nhập. Ngoài thời gian làm ở công ty, chị Nhi nhận làm kế toán cho 2 công ty khác, ngoài ra chị còn nhận dạy kèm tiếng Trung cho học viên. Khi dịch Covid-19 bùng phát, mọi người làm việc tại nhà, không phải lên công ty, chị Nhi cũng nhận thêm việc nhân viên kinh doanh bảo hiểm nhân thọ để có thêm nguồn thu. Còn anh, ngoài việc làm kế toán tại công ty, cũng làm thêm đủ việc, cả 2 vợ chồng không ngừng cố gắng nỗ lực mỗi ngày. Từ số vốn ban đầu chỉ 50 - 60 triệu đồng, sau thời gian tích cóp, vợ chồng chị Nhi cũng dành dụm được ít vốn rồi góp cùng anh em trong gia đình mua được đất ở Bình Phước. May mắn, năm đó giá đất lên cao nên đã giúp anh chị tăng thêm nguồn vốn, viết tiếp câu chuyện “an cư”. Sau thời gian tích cóp, anh chị đã mua lại được dãy trọ với 9 phòng trọ.

Chị Nhi bộc bạch: “Hiện tại dù đây là căn phòng trọ chứ chưa phải là một căn nhà đúng nghĩa nhưng vợ chồng tôi tạm hài lòng và đặt mục tiêu sắp tới lớn hơn để chinh phục ước mơ”.

Anh Bùi Phương Lưu, quê ở Cà Mau thì cho biết: “Không có con đường nào trải đầy hoa hồng”. Hiện tại, gia đình anh đang sinh sống trong căn chung cư ở TP.Dĩ An. Kể về hành trình xây ước mơ của gia đình, anh Lưu cho biết cũng lắm gian nan. “Nhiều người nghĩ làm công nhân ở Bình Dương chắc không mua được nhà đâu nhưng tôi nghĩ quan trọng là bạn có cố gắng, nỗ lực hay không. Với mức lương bảo trì máy móc cho công ty, thu nhập 1 tháng của tôi khoảng 20 triệu đồng, cộng thêm thu nhập của vợ nữa thì cũng không thể dư dả lắm để mà mua nhà. Thế là cả 2 cùng lên kế hoạch, thời điểm đó tôi không ngại khó, sau giờ làm tôi chạy Grab, vợ tôi thì bán hàng online, nhờ ở quê có nguồn cá, tôm, cua, nhà gửi lên là vợ tôi mang bán cho đồng nghiệp để kiếm chút tiền. Tôi thì làm việc bất kể ngày nghỉ, chủ nhật hay ngày lễ thay vì nghỉ ngơi đi chơi thì 6 giờ sáng tôi đã rời khỏi nhà đến 22 giờ đêm mới về. Về các chi phí sinh hoạt 2 vợ chồng cũng tính toán kỹ lưỡng như việc chọn trường cho con, mình chọn trường công lập cho con học vì chi phí rẻ hơn 1/3 so với trường tư; 1 ngày chi phí nấu ăn chi từ 80 đến 100.000 đồng, tối nấu nhiều để sáng dậy mang theo đi làm. Vợ tôi sử dụng xe buýt làm p h ư ơ n g tiện đi làm cũng tiết kiệm xăng xe. Cuối tuần hạn chế đi chơi, cà phê mà thay vào đó cả nhà sẽ đi dạo công viên gần nhà vừa tập thể dục vừa thay đổi không khí, chỉ chi tiêu khi thật sự cần thiết. Vợ chồng tôi cũng tập thói quen ghi chép lại quá trình chi tiêu để kiểm soát chi tiêu…”, anh Lưu chia sẻ.

Cứ tích cóp như vậy trong gần 10 năm, 2 vợ chồng anh Lưu đã có được 600 triệu để mua nhà chung cư, số tiền còn lại 2 vợ chồng đang trả góp hàng tháng. Anh Lưu chia sẻ thêm: “Có nhiều người bảo rằng, tích cóp được 600 triệu đồng sao không về quê cất nhà khang trang mà sống ở Bình Dương, mỗi tháng phải trả góp tiền nhà và nhiều chi phí khác. Nhưng theo quan niệm của tôi, mình còn trẻ, còn khỏe là phải phấn đấu. Ở quê có thể xây nhà khang trang một chút, chi phí cũng có rẻ hơn so với đô thị nhưng công việc có thu nhập tốt thì rất ít. Cho nên, tôi quyết tâm bám trụ ở nơi này…”.

Chị Hoài Nhi dành thời gian kèm con học trong tổ ấm của mình

Giấc mơ đến gần

Việc sở hữu 1 căn nhà trên đất Bình Dương không còn là điều xa xỉ, bởi với nhiều chính sách chăm lo cho người lao động được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 65 dự án nhà ở xã hội (NƠXH) đang triển khai, hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Trong chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2030, Chính phủ giao chỉ tiêu phát triển 86.877 căn nhà. Tuy nhiên, do nhu cầu NƠXH cao, nên Bình Dương phấn đấu đầu tư xây dựng số lượng nhà cao hơn chỉ tiêu Chính phủ giao.

Theo đó, Đề án phát triển NƠXH của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 136,1 ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn NƠXH, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 138.326 người, với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ bố trí khoảng 334,3 ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 117.880 căn NƠXH, đáp ứng cho khoảng 414.132 người, với tổng mức đầu tư khoảng 60.939 tỷ đồng.

Người lao động cũng có thể mua những căn hộ chung cư với rất nhiều lựa chọn khi các chung cư mọc lên ngày càng nhiều ở các trung tâm công nghiệp của tỉnh như: TP.Thuận An, TP.Dĩ An, TP. Thủ Dầu Một… với các thủ tục đơn giản, tiện lợi. Và quan trọng nhất, người lao động xa quê phải có mục tiêu phấn đấu, kế hoạch rõ ràng, cùng với cách chi tiêu hợp lý để có thể tích góp và sở hữu 1 căn nhà tại Bình Dương...

Đề án phát triển NƠXH của tỉnh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 bố trí khoảng 136,1 ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn NƠXH, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 138.326 người, với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ bố trí khoảng 334,3 ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 117.880 căn NƠXH, đáp ứng cho khoảng 414.132 người, với tổng mức đầu tư khoảng 60.939 tỷ đồng…

NGỌC NHƯ

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/thanh-nien-cong-nhan-va-cau-chuyen-an-cu-lac-nghiep-a337662.html
Zalo