Lão già làng trên miền rừng A Lưới nỗ lực bảo tồn văn hóa dân tộc Pa Cô
Là 'kho báu' của người Pa Cô ở miền Trường Sơn, vị già làng đáng kính không những giúp bà con dân bản phát triển kinh tế, mà còn được biết đến như một nghệ nhân văn hóa dân gian thực thụ, khi ông đã có công sưu tầm, lưu giữ những nét văn hóa Pa Cô đang dần nhạt phai trong cộng đồng.
![Già làng Hồ Văn Hạnh (ở giữa) là tấm gương sáng tiêu biểu về làm kinh tế, gìn giữ văn hóa dân tộc cho bà con dân bản noi theo. Ảnh: Bùi Hữu Cường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_195_51477311/98e6c551f71f1e41470e.jpg)
Già làng Hồ Văn Hạnh (ở giữa) là tấm gương sáng tiêu biểu về làm kinh tế, gìn giữ văn hóa dân tộc cho bà con dân bản noi theo. Ảnh: Bùi Hữu Cường
Bóng cả ở miền rừng
"Vào đây, vào với làng! Vào nghe cồng chiêng, nghe Cha chấp, Ba booch, Ka lới, nghe cái bụng của Pa Cô chân thật và nồng nhiệt". Lão già làng Hồ Văn Hạnh (xã Trung Sơn, huyện A Lưới, thành phố Huế) đã 78 tuổi, nhưng vẫn mạnh mẽ khỏe khoắn, cái khỏe khoắn đặc trưng và đậm chất núi rừng Trường Sơn cất tiếng khèn mời khách. Hiền hòa và chân chất, nồng nhiệt mà tinh anh, trầm tĩnh mà dào dạt, lão già làng trên miền rừng A Lưới giữ cho mình, giữ cho làng, giữ cho Pa Cô những “kho báu” văn hóa quý giá với thời gian. Trong bản A Niêng Lê Triêng 1 này, căn nhà gỗ đơn sơ của già làng có một gian phòng thoáng đãng được dùng làm nơi trưng bày các nhạc cụ dân tộc và đón tiếp những vị khách gần xa ghé thăm. Trên khoảng tường nhỏ đã ám màu thời gian, các nhạc cụ “xếp hàng”. Tất cả đều do một tay già làng Hồ Văn Hạnh tạo nên và làm chủ những thanh âm cuốn hút ấy làm xiêu lòng không ít người đến thăm.
“Mình luôn sợ thời gian đi nhanh quá mà mình thì chậm, chỉ lo lắng làm không kịp nhiều thứ cho con cháu mai sau” - già làng Hạnh hướng mắt về dãy Trường Sơn trùng điệp phía xa xa, bày tỏ tiếng lòng. Nói về văn hóa Pa Cô ở vùng cao A Lưới này, già làng Hạnh cứ nói say sưa không dứt. Từ những làn điệu Cha chấp, Ba booch, Ka lới đến những bài hát lý, nói lý, những nghi thức trong các lễ hội lớn như Aza koonh (Lễ mừng lúa mới), Ariêu ping (Lễ cải táng), Ariêu car (Lễ hội chung các dân tộc), già làng Hạnh đều nhớ như in. Trong số 70 lễ hội của người Pa Cô được sưu tầm, phục dựng, thì già làng Hồ Văn Hạnh đã sưu tầm hết 20 lễ hội và dịch từ tiếng Pa Cô sang tiếng Kinh. Tuy tuổi già sức yếu, nhưng già vẫn tích cực tuyên truyền để bà con gìn giữ và bảo tồn truyền thống tốt đẹp của người Pa Cô.
Già vẫn thường nói với lãnh đạo địa phương và lớp trẻ rằng, văn hóa truyền thống tốt đẹp là không thể bỏ được, mà phải gìn giữ, bảo tồn thì nó mới còn mãi với thời gian. Từ thời trai trẻ, ông đã cất công tìm hiểu, sưu tầm từ các già làng rồi ghi chép, lưu giữ cẩn thận để nghiên cứu cách hát, cách múa làm sao cho đúng với nguồn gốc. Ông lại có điều kiện đi nhiều, gặp gỡ nhiều già làng, người có uy tín để tìm hiểu, ghi chép lại những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Đến năm 2010, được nghỉ hưu theo chế độ, ông lại càng dành nhiều thời gian hơn cho việc nghiên cứu, sưu tầm và truyền bá những giá trị văn hóa đó đến bà con.
Không chỉ vậy, già làng Hạnh còn dành thời gian chế tác các nhạc cụ của người Pa Cô như Câr dóc Adoll, A bel, khèn, sáo. Với trách nhiệm của một đảng viên, già làng, già thường xuyên tham gia các lớp truyền dạy, lúc ở nhà cũng dạy cho đội văn nghệ của xã để những người trẻ có thể tham gia biểu diễn tại các lễ hội trong làng ngoài xã. Từ sự truyền dạy của già làng, nghệ nhân Hồ Văn Hạnh, nhiều bạn trẻ Tà Ôi, Pa Cô đã có thể hát được các làn điệu dân ca Pa Cô, người lớn tuổi hơn thì biết nói lý, hát lý. Nhờ những nỗ lực của những người như già Hạnh, các lễ hội xưa như lễ Ariêu ca - lễ hội lớn nhất và linh thiêng nhất của người Pa Cô, lễ hội cúng xứ, lễ gieo hạt, lễ dựng làng... đã dần dần sống lại nơi đại ngàn bốn mùa mây phủ.
Người đi đầu giúp dân bản ấm no
Khêu thêm bếp lửa cho đượm than hồng trong mùa giá trên vùng núi cao của Trường Sơn hùng vĩ, già làng Hạnh kể với mọi người những câu chuyện tưởng chừng như cổ tích ở miền heo hút gió. Ông là người đầu tiên trồng thành công cây lúa nước và hướng dẫn cho bà con dân bản nhiều cách làm hay để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững. Sau ngày quê hương giải phóng, già Hạnh giữ nhiều cương vị ở địa phương, trong đó có 5 nhiệm kỳ là Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung (nay là xã Trung Sơn). Ông bảo rằng, sau ngày thống nhất thì người Pa Cô khắp vùng này đều nghèo đói.
![Già làng Hồ Văn Hạnh thay mặt già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số báo công tại Lăng Bác. Ảnh: Bùi Hữu Cường](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_195_51477311/fa119fa6ade844b61df9.jpg)
Già làng Hồ Văn Hạnh thay mặt già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số báo công tại Lăng Bác. Ảnh: Bùi Hữu Cường
Để giúp người dân có lương thực chống đói, tháng 10/1976, huyện A Lưới xây dựng chủ trương trồng cây lúa nước. Hồi đó, già tình cờ được một người bạn ở Quảng Trị cho nắm lúa giống nên đã khai phá vạt đất nằm bên con suối Prong để gieo thử. Chẳng ngờ, chỉ mấy tháng sau đã thu hoạch được 15 thùng lúa. Già quá đỗi vui mừng bởi mình là người đầu tiên trồng thành công cây lúa nước. Sau đó, bà con ở bản đã họp và “xin mượn” 15 thùng lúa của gia đình già chia cho các hộ dân đem về gieo. Cũng từ đó, bà con dân bản đã có gạo ăn thay cho củ sắn, quả bắp trên nương.
Và có lẽ, với người dân trên vùng rừng Trung Sơn này, điều kỳ diệu đó là những thửa ruộng lúa nước đã được trồng tại đây khi già làng Hồ Văn Hạnh truyền dạy lại kỹ thuật trồng lúa nước mà già đã học được. Hàng chục ha đất bên dòng suối được khai khẩn và từng công đoạn làm lúa nước được già làng Hạnh chia sẻ cho bà con. Rồi cứ thế, hàng chục hộ dân trong bản ai cũng làm được lúa nước. Nhà nhiều thu hoạch hơn cả tấn, còn ít cũng được 5 tạ. Đến mùa giáp hạt, cái bụng của người già, người trẻ của bản không còn đói gay gắt phải ăn sắn, ăn khoai trừ bữa như trước. Để nâng cao năng suất, già làng Hạnh cùng mọi người cải tạo đất, đắp suối dẫn nước về đồng, diện tích trồng lúa nước của bà con dân bản dần tăng lên 40ha với 2 vụ lúa chỉ mấy năm sau đó.
Không chỉ thế, già làng Hạnh cũng tìm tòi để phát triển xen canh cây sắn đặc trưng ở địa phương, kết hợp cùng với mô hình phát triển kinh tế vườn đồi, ao chuồng, từ mô hình trồng sắn, kết hợp chăn nuôi dê, gà và đào ao thả cá... mà nhiều hộ đồng bào nơi đây đã thoát đói, giảm nghèo ngay từ đầu những năm 2000. Đi qua những ngày đầu khó khăn và thách thức, bây giờ, mỗi năm, mô hình của già Hạnh mang lại nguồn thu hơn 100 triệu đồng. Với nhiều người, có thể con số này là không lớn, nhưng ở miền rừng Trường Sơn, ông được xem là “triệu phú”, là ước mơ của bao người, quanh năm giúp con cháu có được cuộc sống no đủ. Một điển hình nhất là cả 6 người con của già làng Hồ Văn Hạnh đều thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
Thấy già làm kinh tế giỏi quá, cuộc sống không còn đói nghèo nữa nên nhiều người tìm đến học tập. Không muốn người làng mình, những người làng bên phải chịu cuộc sống khó nghèo, già tận tình chỉ bảo, hướng dẫn, cho cây, con giống để mọi người cùng làm, cùng phát triển kinh tế. Già cùng chính quyền địa phương đã vận động bà con phát triển kinh tế bằng cách trồng rừng, làm trang trại. Gương mẫu đi đầu, gia đình ông luôn dẫn đầu trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên những diện tích cây trồng luôn cho năng suất cao...