Lao động trẻ có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với nhóm khác
Bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 người bị thất nghiệp. Nguy cơ mất việc làm của số lao động trẻ cũng cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Theo kết quả khảo sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về việc làm đối với thanh niên giai đoạn từ năm 2020 - 2023" của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp, nhất là các khu công nghiệp tập trung bị ảnh hưởng rất lớn, làm gia tăng tình trạng thất nghiệp trong thanh niên.
Năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của người lao động trong độ tuổi từ 15-24 chiếm 7,21%; năm 2021, tỷ lệ này là 8,55% và là năm cao nhất trong vòng 10 năm gần đây. Năm 2022, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tình hình việc làm của thanh niên dù có sự chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm hơn 7,7%, chiếm 37,6% tổng số người thất nghiệp.
Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng cho thấy bình quân cứ 10 thanh niên thì có 1 thanh niên bị thất nghiệp, lao động trẻ cũng có nguy cơ mất việc cao gấp 3 lần so với những lứa tuổi lớn hơn.
Theo Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thanh niên là lực lượng đông đảo, đóng vai trò chủ đạo trong việc thực hiện chiến lược phát triển nhanh, bền vững đất nước trong giai đoạn mới, song công tác giải quyết việc làm cho thanh niên đang đặt ra rất nhiều vấn đề cần được quan tâm giải quyết.
Hiện nay, tỷ lệ thanh niên trong cơ cấu dân số cũng như lực lượng lao động đang có xu hướng giảm mạnh do tình trạng “già hóa dân số”. Dự báo giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” của Việt Nam sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, vì vậy, cần có các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ để tận dụng lợi thế của thời kỳ này.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, số thanh niên lao động trong khu vực phi chính thức sẽ ngày càng tăng, do thị trường việc làm ở khu vực công, khu vực chính thức có tính cạnh tranh cao; do tác động của tiến bộ khoa học công nghệ; bị sa thải vì không đáp ứng được yêu cầu công việc; hoặc tự khởi nghiệp, lập nghiệp, xu hướng làm việc tự do…
Mặt khác, trong thời gian tới, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp dự báo vẫn gặp khó khăn, nhất là các ngành công nghiệp, dịch vụ, dẫn đến tình trạng số thanh niên bị mất việc và giảm giờ làm, giảm thu nhập có thể gia tăng.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là ở nhóm tuổi từ 15 – 24 tuổi vẫn tiếp tục là thách thức đối với thị trường lao động của Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số trẻ chuyển sang dân số già, điều này đặt ra cả cơ hội lẫn thách thức đối với lực lượng lao động thanh niên.