Lãnh đạo TPHCM dâng hương, dâng hoa Kỷ niệm 84 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa
Sáng 23-11, Đoàn đại biểu Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM đã dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, tri ân những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc.
Tham dự lễ dâng hương, dâng hoa có các đồng chí: Nguyễn Phước Lộc, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM; Phạm Thành Kiên, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM; Trung tướng Lê Hồng Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Giám đốc Công an TPHCM; Nguyễn Văn Dũng, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM và lãnh đạo các ban ngành TPHCM, lãnh đạo huyện Hóc Môn.
Buổi lễ diễn ra tại Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Dinh Quận Hóc Môn, nhân kỷ niệm 84 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 - 23-11-2024).
Đoàn đại biểu đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc, tưởng nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ, các chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trong cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ.
Tiếp đó, đoàn đại biểu dâng hương, dâng hoa tại Di tích lịch sử cấp quốc gia Ngã Ba Giồng. Di tích này là nơi năm xưa thực dân Pháp đã xây dựng trường bắn để sát hại các đồng chí lãnh đạo, đồng bào, chiến sĩ tham gia cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940. Trong số gần 1.000 đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh tại đây, có các đồng chí lãnh đạo Đảng như Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần…
Các đại biểu đã thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các đồng chí nguyên lãnh đạo Trung ương Đảng, các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.
Cách đây 84 năm, vào đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ đồng loạt ở nhiều địa phương, mạnh mẽ nhất ở Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long… Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch, tập kích nhiều đồn bốt. Nhiều nơi, chính quyền cách mạng đã được thành lập. Lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trong những cuộc biểu tình và ở những nơi đã thành lập được chính quyền cách mạng.
Tại Hóc Môn, quân và dân nhất tề đứng lên, tiến hành khởi nghĩa với khí thế mạnh mẽ. Các cánh quân từ 4 phía đã tiến thẳng vào Đồn Hóc Môn (nay là Dinh Quận) - sào huyệt của thực dân xâm lược và tay sai. Dù cuộc tiến công không thành nhưng tinh thần quật khởi, ý chí chiến đấu và lòng dũng cảm hy sinh của nhân dân 18 Thôn Vườn trầu Hóc Môn - Bà Điểm trong cuộc khởi nghĩa là mãi mãi bất diệt.
Nhân dịp này, huyện Hóc Môn cũng đã có buổi họp mặt Kỷ niệm 84 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa - Lễ giỗ các chiến sĩ Nam Kỳ.
Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Hóc Môn Nguyễn Anh Tuấn cho biết, tự hào và phát huy tinh thần truyền thống vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Hóc Môn đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng và phát triển huyện; phát huy tinh thần đoàn kết, trách nhiệm và không ngừng đổi mới, sáng tạo, xứng đáng với niềm tin của nhân dân và sự kỳ vọng của lãnh đạo TPHCM.
Giai đoạn 2024 - 2025, huyện Hóc Môn triển khai thực hiện 99 công trình với tổng kinh phí 891 tỷ đồng tại 10 xã xây dựng nông thôn mới nâng cao, giai đoạn 2021 - 2025; triển khai 64 công trình với tổng kinh phí hơn 1.300 tỷ đồng để thực hiện các công trình chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xây dựng Thị trấn đô thị văn minh và tổ chức thực hiện chủ đề năm 2024, thực hiện Đề án “Đầu tư - Xây dựng huyện Hóc Môn thành quận hoặc thành phố thuộc TPHCM giai đoạn 2021 - 2030".