Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh kiểm tra công tác phòng dịch tại các khu vực có đông công nhân
Ngày 4/4, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh TP Hồ Chí Minh đã đi kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại các khu vực có đông công nhân như Khu chế xuất Tân Thuận (Quận 7) và công trường xây dựng tại Quận 1.
Tại Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận, đoàn đã kiểm tra đã nắm bắt tình hình về công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại từng nhà máy, xí nghiệp. Sau khi trao đổi công tác phòng chống dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã bày tỏ lo lắng khi thực hiện giãn cách xã hội với quy định giãn cách 2m khi làm việc và ăn trưa đang gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Ông Tsao Chung Hung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tân Thuận (chủ đầu tư KCX Tân Thuận) cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 được thực hiện khá nghiêm ngặt trong đơn vị. Tuy nhiên, việc thực hiện giãn cách 2m đối với công nhân đang làm việc cũng khó thực hiện khi công ty có số lượng công nhân đông, có doanh nghiệp tới 20.000 người làm việc trong một nhà xưởng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua đã có 33 doanh nghiệp trong KCX bị ảnh hưởng, gần 7.000 lao động ngừng việc và mất việc, trong đó có 6.000 lao động bị ngừng việc tạm thời và 1.000 lao động mất việc do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất.
“Để giúp đỡ các công nhân thất nghiệp, khó khăn, KCX Tân Thuận đã phối hợp Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh đã có những hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp và người lao động. Đa số công nhân trong KCX đều bày tỏ mong muốn dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, bởi dịch bệnh đã khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, khó khăn trăm bề khi phải tiết kiệm các khoản chi tiêu hoặc mất việc”, đại diện KCX Tân Thuận nói.
Theo KCX Tân Thuận, trong KCX hiện có 168 doanh nghiệp đang hoạt động với 56.000 lao động Việt Nam và 585 lao động nước ngoài. Để phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại khu vực đông công nhân, khi thành phố xuất hiện ca bệnh, KCX Tân Thuận đã áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chống dịch mà Bộ Y tế, Sở Y Tế Thành phố và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Thành phố đề ra. Mặt khác, Ban quản lý KCX còn chủ động xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó khi có người nhiễm, các phương án dự phòng rủi ro khi có công nhân trong KCX bị nhiễm. Tuy nhiên, hiện rất nhiều doanh nghiệp có đông công nhân cũng bày tỏ lo lắng khi thực hiện giãn cách xã hội với quy định mỗi người cách nhau 2m.
Sau khi kiểm tra thực tế và nắm tình hình tại KCX Tân Thuận, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong cũng đánh giá phương án phòng chống dịch bệnh COVID-19 ngay từ đầu của KCX Tân Thuận mang tính chủ động cao; đặc biệt là việc Công đoàn KCX đã liên kết với các doanh nghiệp cung ứng thực phẩm cho công nhân trong thời điểm dịch bệnh.
Sắp tới, để công tác phòng chống dịch bệnh tốt hơn, Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu cần có phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa Ban quản lý các KCX-KCN, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Quận 7 cùng Ban quản lý KCX Tân Thuận trong công tác phối hợp phòng chống dịch để bảo vệ sản xuất.
Ông Nguyễn Thành Phong cũng đề nghị Công đoàn Thành phố phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Công đoàn của các KCX-KCN thực hiện tốt hơn nữa công tác tuyên truyền phòng chống dịch; truyền tải thông tin tới từng công nhân để mỗi công nhân đều hiểu và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch, bởi nếu mỗi công nhân không làm tốt phòng dịch thì khi có người nhiễm, cả phân xưởng, ký túc xá phải cách ly và mất thu nhập là điều khó tránh khỏi.
“Công nhân, người lao động là tài sản vốn quý của doanh nghiệp, trong tình hình dịch bệnh hiện nay, việc doanh nghiệp bảo vệ sức khỏe của công nhân là bảo vệ sản xuất, bảo vệ doanh nghiệp. Điều này, đã được các doanh nghiệp trong KCX thực hiện khá nghiêm túc. Hiện nay, nếu một doanh nghiệp để một công nhân nhiễm bệnh là cả khu vực sản xuất lập tức bị ảnh hưởng, kéo theo đó còn ảnh hưởng đến dây chuyền, đến công tác chống dịch của doanh nghiệp nói riêng và của công tác chống dịch của Thành phố nói chung”, ông Phong nói.
Theo đó, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Ban quản lý KCX Tân Thuận thực hiện nghiêm hơn nữa các biện pháp phòng và chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp có đông công nhân. Chẳng hạn, đối với các công ty có hàng chục ngàn công nhân thì cần có sáng kiến như làm vách ngăn cách bàn ăn, các phần cơm cần để riêng từng phần cho công nhân để hạn chế tối đa tiếp xúc gần giữa các công nhân; triển khai đến các chủ doanh nghiệp ký cam kết về việc phòng chống dịch tại công ty, nhà máy cũng như việc thực hiện các bảng chỉ số rủi ro lây nhiễm để doanh nghiệp tự đánh giá, để thu thập thông tin nhằm kiểm soát tình hình dịch bệnh; tăng cường ứng công nghệ 4.0 vào công tác chống dịch để kịp thời xử lý khi có trường hợp công nhân bị nhiễm bệnh.
Sau khi kiểm tra tại KCX Tân Thuận, đoàn kiểm tra cũng đã đi kiểm tra tình hình thực tế về phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại công trường xây dựng của khách sạn Hilton (Quận 1). Tại đây, chủ đầu tư công trình cũng đã chấp hành khá nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, 100% công nhân đang làm việc tại công trường được trang bị các biện pháp pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn tay và giữ khoảng cách tiếp xúc tối thiểu 2m khi làm việc.
Một công nhân đang làm việc tại công trường này cho biết, chủ đầu tư đã chỉ đạo và tập huấn khá kĩ cho công nhân khi làm việc tại công trường về các biện pháp bảo vệ phòng chống dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, hàng ngày khi ra vào công trường, công nhân đều được đo thân nhiệt, kiểm tra việc đeo khẩu trang và khuyến khích công nhân làm việc cách nhau 2m, không tụ tập đông người khi không cần thiết…