Lãnh đạo thế giới dòm ngó Mật nghị Hồng y

Các quốc gia mong muốn gây ảnh hưởng - hoặc ít nhất là nắm được thông tin tình báo - về các ứng viên có thể trở thành tân Giáo hoàng.

 Các hồng y dự thánh lễ tưởng niệm Giáo hoàng Francis tại Vatican hôm 1/5. Ảnh: Reuters.

Các hồng y dự thánh lễ tưởng niệm Giáo hoàng Francis tại Vatican hôm 1/5. Ảnh: Reuters.

Từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, nhiều nhà lãnh đạo thế giới được cho đang tìm cách vận động cho các ứng viên Giáo hoàng mà mình mong muốn.

Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc muốn ứng viên nước mình trở thành Giáo hoàng. Trong khi đó, giới chính trị gia phương Tây không muốn Giáo hoàng mới là người chỉ trích NATO, thân cận các nước “đối thủ” hay có quan điểm trái với những tiêu chuẩn đạo đức của họ.

Trong con mắt của phương Tây, Giáo hoàng mới cũng cần chia sẻ quan điểm trong các vấn đề toàn cầu “nóng” như Trung Quốc hay Ukraine.

Giáo hoàng là vị trí đặc biệt: Vừa là nhà lãnh đạo của Vatican - quốc gia nhỏ nhất thế giới, vừa là lãnh đạo của khoảng 1,4 triệu tín đồ Công giáo toàn cầu. Do đó, vị trí này có tầm ảnh hưởng đặc biệt với nền chính trị thế giới.

“Tiếng nói của Giáo hoàng, cùng với tiếng nói của tổng thống (Mỹ), là một trong những tiếng nói được lắng nghe nhiều nhát trên thế giới vào lúc này”, cựu Đại sứ Mỹ tại Vatican Joe Donnelly nói.

Đây là lý do các cường quốc đều muốn gây ảnh hưởng, hoặc ít nhất là nắm được thông tin về cuộc bầu cử.

Âm thầm tác động

Các cường quốc từ lâu đã mong muốn tác động lên cuộc bầu cử Giáo hoàng. Tới đầu thế kỷ 20, Pháp, Tây Ban Nha và Áo - Hung vẫn có quyền phủ quyết kết quả bầu cử. Thời Chiến tranh Lạnh, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) thậm chí bị nghi đặt máy nghe lén trong Mật nghị Hồng y.

Không lâu sau khi Giáo hoàng Francis qua đời, quá trình vận động ngầm đã bắt đầu. Thay vì những cuộc gặp chính thức, cuộc vận động diễn ra đằng sau hậu trường dưới bức màn bí mật.

Khi tham dự tang lễ Giáo hoàng Francis tại Rome, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gặp mặt bốn hồng y người Pháp - động thái được một số nhà quan sát diễn giải mang hàm ý mong muốn tân Giáo hoàng là người Pháp. Văn phòng Tổng thống Pháp bác bỏ quan điểm này.

 Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giáo hoàng Francis, tháng 10/2022. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Giáo hoàng Francis, tháng 10/2022. Ảnh: Reuters.

Trong khi đó, ông Trump công khai tuyên bố ủng hộ Tổng giám mục New York Timothy Dolan - người từng lên tiếng phản đối thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc - trở thành giáo hoàng mới. Tài khoản mạng xã hội của ông chủ Nhà Trắng thậm chí đăng tải hình ảnh ông mặc trang phục Giáo hoàng - vốn do AI tạo ra.

Về phần mình, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni - nhà lãnh đạo gần Vatican nhất - yêu cầu các nghị sĩ trong đảng không lên tiếng. Tuy nhiên, một số kênh truyền thông gần gũi với liên minh của bà Meloni vẫn thúc đẩy các ứng viên có quan điểm gần với vị thủ tướng, cũng như công kích các ứng viên có thể mang tới chính sách khác biệt.

“Không chỉ Greenland hay kênh đào Panama, ông Trump muốn đưa Nhà thờ trở lại - với thế giới phương Tây”, giáo sư Piero Schiavazzi, chuyên gia về chính trị Vatican tại Đại học Link (Rome, Italy), nói với Politico.

Trong khi đó, theo giáo sư Schiavazzi, ông Macron mong muốn tân Giáo hoàng là một người Pháp cấp tiến. “Ông ấy sẽ giúp thúc đẩy dư luận Pháp theo hướng trung tả”, vị chuyên gia nhận định.

Các ứng viên hồng y cũng đại diện cho những sự khác biệt trong nền chính trị thế giới - giữa chủ nghĩa tự do và bảo thủ hay giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển.

Ngay cả các ứng viên hàng đầu cũng vấp phải hàng loạt quan điểm chỉ trích, đặc biệt là các trang web bảo thủ tại Mỹ. Hồng y Quốc vụ khanh Tòa Thánh Pietro Parolin và Hồng y người Philippines Antonio Tagle bị cho đã không giải quyết được tình trạng lạm dụng tình dục trong nhà thờ.

Theo phe bảo thủ, ông Parolin cũng có vấn đề sức khỏe và là người thúc đẩy thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc - điều bị phe bảo thủ phản đối.

Theo tờ National Catholic Reporter, hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp và các nhà vận động bảo thủ Mỹ đã tới Rome và Vatican để mời cơm các hồng y trong những ngày trước Mật nghị.

Thu thập thông tin

Trong những năm đầu thế kỷ 20, các nước châu Âu thường tìm cách tác động tới kết quả bầu cử thông qua các chức sắc tôn giáo và đại sứ tại địa bàn. Do đó, các ứng viên được lựa chọn thường hội tụ các yếu tố đủ để làm hài lòng mọi bên.

 Các hồng y thăm mộ Giáo hoàng Francis hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Các hồng y thăm mộ Giáo hoàng Francis hôm 27/4. Ảnh: Reuters.

Ví dụ, ngay cả khi châu Âu đứng bên bờ vực chiến tranh năm 1939, hồng y Eugenio Pacelli vẫn dễ dàng được bầu làm Giáo hoàng: Ông là người Italy, nói tiếng Đức và có được lòng tin của cả Anh và Pháp.

Mật nghị Hồng y cũng trở thành mục tiêu của các cơ quan tình báo trên khắp thế giới. Khi Giáo hoàng John XXIII qua đời năm 1963, CIA gửi báo cáo lên Tổng thống John F. Kennedy dự đoán Hồng y Giovanni Battista Enrico Antonio Maria Montini là ứng viên hàng đầu. Trên thực tế, ông đã được lựa chọn làm Giáo hoàng Paul VI.

Tới Mật nghị Hồng y năm 2013, báo chí Italy tiếp tục đưa tin Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén các hồng y, thậm chí cả Giáo hoàng sắp mãn nhiệm Benedict XVI.

Bản thân các hồng y cũng không lạ lẫm với chính trị. Lợi ích cá nhân của họ cũng là nhân tố cần tính đến.

Kể từ khi Giáo hoàng Francis qua đời, các hồng y thường xuyên gặp mặt, lặng lẽ vận động hành lang. Ngay sau khi cùng dự thánh lễ tại Vương cung thánh đường Thánh Peter hôm 4/5, họ lại trở lại thành phố để bí mật vận động, cố gắng xây dựng các liên minh bỏ phiếu, theo Politico.

Ngọn khói đen bay lên từ ống khói Nhà nguyện Sistine hôm 7/5 cho thấy vẫn chưa có liên minh nào thành công. Cả các tín đồ Công giáo và các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải chờ đợi các hồng y thêm ít nhất một ngày nữa.

Hà Thủy

Nguồn Znews: https://znews.vn/lanh-dao-the-gioi-dom-ngo-mat-nghi-hong-y-post1551827.html
Zalo