Sứ mệnh khó của Thủ tướng Đức Friedrich Merz
Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, Thủ tướng Đức Friedrich Merz đã chọn Paris và Warsaw làm điểm đến đầu tiên - động thái đầy tính biểu tượng, thể hiện rõ ý chí khôi phục vai trò của Berlin tại châu Âu giữa lúc niềm tin vào nước Đức đang bị thử thách.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên thệ nhậm chức trước Chủ tịch Quốc hội Julia Kloeckner, ngày 6/5. (Nguồn: DW)
Ông Friedrich Merz, 70 tuổi, bắt đầu sự nghiệp chính trị với tư cách là nghị sĩ châu Âu vào năm 1989 song chưa từng giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính phủ Đức. Ông từng rời bỏ chính trường Đức năm 2009 để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh.
Màn tái xuất ngoạn mục
Tuy vậy, sự trở lại lần này của ông Friedrich Merz đã tạo ra màn tái xuất ngoạn mục nhất trong lịch sử chính trị hiện đại của nước Đức. Sau nhiều lần thất bại trong các cuộc bầu cử nội bộ đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), cuối cùng ông cũng giành được quyền lãnh đạo đảng vào năm 2022 – thời điểm CDU vừa chịu thất bại nặng nề sau 16 năm cầm quyền liên tục.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào cuối tháng Hai, liên minh trung hữu CDU/CSU của ông Merz đã về nhất, vượt qua cả đảng cực hữu AfD và đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng tiền nhiệm Olaf Scholz. Sau hơn một tháng đàm phán, liên minh CDU/CSU và SPD đã đạt thỏa thuận thành lập chính phủ mới.
Tất nhiên, đường đến ghế Thủ tướng của ông Friedrich Merz không hẳn suôn sẻ khi trong phiên bỏ phiếu đầu tiên tại Bundestag hôm 6/5, ông bất ngờ thất bại với 310 phiếu – thiếu sáu phiếu so với mức đa số tuyệt đối 316 phiếu cần thiết. Chỉ sau khi liên minh cầm quyền nhận được sự ủng hộ từ hai đảng đối lập cánh tả, cuộc bỏ phiếu lần hai vào buổi chiều cùng ngày mới diễn ra và ông Friedrich Merz đã vượt qua với 325 phiếu – chỉ hơn chín phiếu để trở thành Thủ tướng thứ 10 của Cộng hòa Liên bang Đức.
Dù sao, sự khởi đầu không mấy thuận lợi của nhà lãnh đạo “đầu tàu” EU đã để lại vết gợn trong dư luận châu Âu. Nhiều lãnh đạo EU bày tỏ hoài nghi về tính ổn định và sức mạnh lãnh đạo của chính phủ mới ở Berlin. Thay vì thu mình, ông Friedrich Merz thực hiện chuyến xuất ngoại đầu tiên ngay trong ngày đầu tiên nắm quyền với hai điểm đến là Pháp và Ba Lan.

Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại Điện Elysee ngày 7/5. (Nguồn: Getty Images)
Khởi đầu trục mới
Chuyến công cán đầu tiên của tân Thủ tướng tới hai đối tác thân cận trong “Tam giác Weimar” – là thông điệp mạnh mẽ về cam kết của Đức trong việc củng cố quan hệ với các đồng minh hàng đầu và thể hiện sự trở lại của Berlin trên trường quốc tế. Đến Paris, ông Friedrich Merz cùng Tổng thống Emmanuel Macron tìm cách làm ấm lại mối quan hệ Pháp - Đức vốn nguội lạnh dưới thời người tiền nhiệm Olaf Scholz. Bên cạnh đó, ông Emmanuel Macron, với tầm nhìn chiến lược về “tự chủ quốc phòng châu Âu”, đang nỗ lực tìm kiếm một đối tác đủ mạnh và quyết đoán để cùng định hình tương lai và an ninh của EU cũng phù hợp với tầm nhìn của ông Friedrich Merz.
Tại Warsaw, tân Thủ tướng Đức và người đồng cấp Donald Tusk gặp nhau trong bầu không khí “dễ thở” hơn nhiều so với giai đoạn căng thẳng khi đảng Luật pháp và công lý (PiS) bảo thủ cầm quyền ở Ba Lan. Với thực tế Ba Lan đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU và là nước chi nhiều nhất cho quốc phòng trong khối NATO, Berlin cần Warsaw hơn bao giờ hết nếu muốn xây dựng một “mặt trận châu Âu” vững chắc.
Trong các cuộc gặp, một vấn đề khác được ông Friedrich Merz đặt lên hàng đầu là chuẩn bị lập trường chung cho Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng Sáu - nơi châu Âu cần chứng tỏ cam kết rõ ràng về quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh tương lai của liên minh xuyên Đại Tây Dương trở nên bất định dưới nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo bà Evelyn Gaiser, cố vấn an ninh tại Quỹ Konrad Adenauer, chuyến thăm của ông Friedrich Merz được xem là bước khởi đầu nhằm xây dựng sự đồng thuận trong nội bộ châu Âu trước thềm hội nghị NATO, sự kiện có thể tái định hình toàn bộ kiến trúc an ninh của châu lục.

Thủ tướng Friedrich Merz và người đồng cấp Ba Lan Donald Tusk tại Warsaw ngày 7/5. (Nguồn: Getty Images)
Tìm tiếng nói chung
Tính toán là vậy, nhưng con đường phía trước của ông Friedrich Merz là không dễ dàng. Nội bộ EU hiện chưa có tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, nhất là phương án an ninh cho Ukraine và khả năng triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình. Về vấn đề tranh cãi này, Tổng thống Emmanuel Macron là người hăng hái ủng hộ trong khi ông Friedrich Merz do dự, còn Ba Lan lại phản đối mạnh mẽ. Bên cạnh đó, vị thế chính trị của một Thủ tướng mới có thể làm giảm ảnh hưởng đối ngoại của Berlin. Với đa số mong manh tại Bundestag và phe cực hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ, chính phủ mới của Đức đang phải “đi trên dây” giữa một bên là mong muốn thể hiện vai trò lãnh đạo châu Âu và một bên là sức ép chính trị nội bộ ngày càng lớn.
Ông Friedrich Merz từng phát biểu trong chiến dịch tranh cử rằng, nước Đức phải “chuyển mình từ đầu tàu đang ngủ say thành cường quốc dẫn đầu”.
Để làm được điều đó, tân Thủ tướng phải nỗ lực rất cao và bằng hành động cụ thể. Bắt tay vào việc, chuyến đi đầu tiên tới Paris và Warsaw không chỉ là màn ra mắt đơn thuần, mà còn là lời khẳng định: Nước Đức sẽ không còn đứng bên lề khi thế giới và EU đang trải qua thời kỳ nhiều bất định. Thay vào đó, Berlin muốn dẫn dắt một châu Âu mạnh mẽ, thống nhất và đủ khả năng tự bảo vệ chính mình trong mọi kịch bản.