Lãnh đạo thế giới chia buồn trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis
Lãnh đạo các nước bày tỏ tiếc thương và ca ngợi những đóng góp của Giáo hoàng Francis với thế giới.

Hình ảnh Giáo hoàng Francis tại Vatican, năm 2016. Ảnh: REUTERS/Tony Gentile/File Photo
Giáo hoàng Francis qua đời ngày 21.4 ở tuổi 88. Sự ra đi của ngài để lại niềm tiếc thương sâu sắc không chỉ trong lòng người Công giáo mà còn của người dân trên khắp thế giới.
Ngay sau khi Vatican công bố tin buồn, nhiều lãnh đạo các nước đã gửi lời chia buồn và ca ngợi những đóng góp của Giáo hoàng với thế giới trong suốt nhiệm kỳ của ngài.
Nhà Trắng đã chia sẻ bài đăng tưởng niệm đầu tiên dành cho Đức Giáo hoàng trên X với dòng chữ ngắn gọn: "An nghỉ, Giáo hoàng Francis" (Rest in Peace, Pope Francis) kèm theo hình ảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó tổng thống JD Vance từng gặp gỡ ngài tại Vatican.
“Giáo hoàng Francis là một người tốt và làm việc chăm chỉ đến ngày cuối đời. Ngài luôn thể hiện tình yêu to lớn với thế giới, và thật vinh dự khi được làm điều đó", Tổng thống Mỹ Donal Trump Trump đã phát biểu tại một sự kiện Phục sinh tại Nhà Trắng và cho biết Mỹ sẽ sẽ treo cờ rủ để tưởng nhớ Giáo hoàng Francis.
Từ Nga, Điện Kremlin ra thông báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ chia buồn trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Trong nhiệm kỳ của mình, Giáo hoàng Francis đã tích cực thúc đẩy đối thoại giữa Giáo hội chính thống giáo Nga và Giáo hội Công giáo, cũng như sự hợp tác mang tính xây dựng giữa Nga và Tòa thánh Vatican.
Thủ tướng Ý Giorgia Meloni cũng bày tỏ thương tiếc trước sự ra đi của "một con người vĩ đại, một vị chủ chăn vĩ đại”.
"Tôi đã có vinh dự được tận hưởng tình bạn, lời khuyên, lời dạy của ngài - những điều không bao giờ ngừng lại, ngay cả trong những lúc thử thách và đau khổ", bà nói trong một tuyên bố.
Tổng thống Argentina Javier Milei cũng bày tỏ: “Tôi vô cùng đau buồn khi biết tin sáng nay rằng Giáo hoàng Francis đã qua đời. Tôi biết đến ngài trong sự tốt lành và trí tuệ, đó thực sự là một vinh dự đối với tôi”.
Còn Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bày tỏ sự tôn kính với Giáo hoàng: “Trong suốt cuộc đời, Giáo hoàng Francis luôn đứng về phía những người dễ bị tổn thương và mong manh nhất. Ngài đã làm điều này với rất nhiều sự khiêm nhường”.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ghi nhận sự ủng hộ của Đức Giáo hoàng trong các lời cầu nguyện cho hòa bình tại Ukraine. “Chúng tôi đau buồn cùng với toàn thể cộng đồng Công giáo và tất cả những người theo đạo Thiên chúa,” ông viết trên mạng xã hội.
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cũng bày tỏ sự tiếc thương trước sự ra đi của Giáo hoàng Francis.
"Giáo hoàng Francis đã thể hiện tiếng nói mạnh mẽ truyền thông điệp về hòa bình, phẩm giá con người và công lý xã hội. Ngài để lại di sản sản bền vững nhất là lòng trắc ẩn cho tất cả mọi người — đặc biệt là những người bị bỏ lại bên lề cuộc sống hoặc bị mắc kẹt trong nỗi kinh hoàng của xung đột. Giáo hoàng Francis cũng hiểu rằng bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta, về bản chất, là một sứ mệnh và trách nhiệm đạo đức sâu sắc thuộc về mỗi người. Thông điệp của Giáo hoàng góp phần to lớn cho cuộc vận động toàn cầu dẫn đến Thỏa thuận Paris mang tính bước ngoặt về biến đổi khí hậu”, Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterresnói.
Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) Thomas Bach viết: “Trong suốt nhiệm kỳ của mình với tư cách là Chủ tịch IOC, tôi đã nhận được sức mạnh to lớn từ sự khích lệ của Giáo hoàng Francis đối với các Thế vận hội Olympic. Sứ mệnh của chúng tôi là xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn thông qua thể thao. Tiếng nói mạnh mẽ của ngài trong việc ủng hộ người tị nạn là một ví dụ điển hình về cam kết của ngài, và điều đó đã truyền cảm hứng cho tôi thành lập Đội tuyển các vận động viên Thế vận hội người tị nạn tại Thế vận hội Olympic Rio 2016. Ngài đã ân cần theo dõi và hỗ trợ sáng kiến này trong suốt ba kỳ Thế vận hội Olympic, khuyến khích sự phát triển và tác động của sáng kiến này."
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng chia sẻ bức ảnh bà bắt tay Giáo hoàng Francis lên trang cá nhân cùng thông điệp: "Hôm nay, thế giới thương tiếc sự ra đi của Giáo hoàng Francis. Ngài đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người, vượt ra khỏi Giáo hội Công giáo, với sự khiêm tốn và tình yêu rất thuần khiết dành cho những người kém may mắn. Xin chia buồn cùng tất cả những ai cảm nhận được mất mát sâu sắc này. Cầu chúc họ tìm được niềm an ủi với suy nghĩ rằng di sản của Giáo hoàng Francis sẽ tiếp tục dẫn dắt chúng ta đến một thế giới công bằng, hòa bình và nhân ái hơn".
Với thông điệp yêu thương, sự giản dị và tinh thần cải cách mạnh mẽ, Giáo hoàng Francis đã để lại dấu ấn khó phai không chỉ với Giáo hội Công giáo và đối với cộng đồng toàn cầu.
Được tin Giáo hoàng Francis vừa qua đời, ngày 21/4/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã gửi điện chia buồn đến Thủ tướng Tòa thánh Vatican, Hồng y Pietro Parolin.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Tòa thánh Vatican, Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher.