Nhiều nước dự duyệt binh ngày 9/5 bất chấp cảnh báo từ EU: Vị thế Nga thay đổi?

Theo một số nhà quan sát, danh sách khách mời tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng (9/5) sẽ là thước đo phản ánh vị thế hiện tại của Nga trên trường quốc tế.

Cảnh báo của EU và phản ứng của Tổng thống Putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ca ngợi lòng dũng cảm của các nhà lãnh đạo châu Âu khi họ quyết định đến Moscow tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng (9/5), bất chấp áp lực từ các quan chức Liên minh châu Âu (EU).

Tuần trước, nhà ngoại giao hàng đầu EU, đồng thời là cựu Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas đã cảnh báo lãnh đạo các nước thành viên EU và các nước ứng viên không nên bay tới Nga để tham dự và khuyến nghị rằng thay vào đó, họ nên đến Kiev để thể hiện sự đoàn kết với Ukraine. Một số quan chức EU khác được cho là đã đe dọa sẽ làm gián đoạn tiến trình xin gia nhập EU đối với các quốc gia ứng viên mà lãnh đạo của họ đi ngược với lập trường của Brussels trong vấn đề này.

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng (9/5) của Nga. Ảnh: Tass

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng (9/5) của Nga. Ảnh: Tass

Khi được phóng viên hỏi về những thông tin trên sau một lễ trao giải tại Moscow vào 21/4, ông Putin nói: "Những người đến Nga còn dũng cảm hơn những kẻ đang trốn sau lưng người khác và cố gắng đưa ra những lời đe dọa. Trong trường hợp này là đe dọa đến những người sẽ đến tưởng niệm công lao lịch sử của những người đã hy sinh trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít".

Trước đó, trong tháng này, bà Kaja Kallas đã kêu gọi các chính phủ châu Âu không tham dự với lý do việc hiện diện tại sự kiện sẽ bị coi là hành động ủng hộ Điện Kremlin và chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Trong tuần này, bà Kallas tái khẳng định lập trường của mình khi nói với báo giới rằng: “Bất kỳ sự tham gia nào vào lễ duyệt binh hoặc hoạt động kỷ niệm ngày 9/5 tại Moscow sẽ không được phía châu Âu xem nhẹ, trong bối cảnh Nga đang tiến hành một cuộc xung đột toàn diện tại châu Âu".

Thủ tướng Slovakia Robert Fico - lãnh đạo duy nhất của một quốc gia thành viên EU cho biết ông sẽ tham dự sự kiện, đồng thời chỉ trích phát biểu trên của bà Kallas là hành động "thiếu tôn trọng".

“Lời cảnh báo của bà Kallas có phải là một hình thức tống tiền hay là tín hiệu rằng tôi sẽ bị trừng phạt?”, ông Fico viết trên mạng xã hội X tuần trước, đồng thời nói rằng: “Giờ là năm 2025, không phải 1939".

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic thông báo ông có kế hoạch tham dự lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng tại Moscow vào tháng tới, bất chấp cảnh báo từ các quan chức EU rằng chuyến thăm có thể ảnh hưởng đến triển vọng gia nhập khối của Serbia.

“Tôi chưa thay đổi quyết định... 8 tháng trước, tôi đã công khai thông báo về chuyến thăm Moscow", truyền thông Serbia dẫn lời Tổng thống cho biết vào tuần trước.

Lễ kỷ niệm năm nay đánh dấu lần đầu tiên các đơn vị quân đội của Serbia tham gia và phối hợp tổ chức lễ duyệt binh - sự kiện nhằm tưởng niệm ngày đánh bại phát xít Đức. Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết ông sẽ cùng Tổng thống Vucic đến Moscow.

Chính phủ Ukraine cũng đã mời các nhà lãnh đạo châu Âu đến Kiev vào cùng ngày.

Trong các năm trước, một số quốc gia đã cử phái đoàn tham dự lễ duyệt binh của Nga, bao gồm các lãnh đạo đến từ Azerbaijan, Belarus, Tajikistan, Kazakhstan, Uzbekistan, Turkmenistan, Lào và Cuba.

Sự ủng hộ của phương Tây đối với Ukraine đã có sự thay đổi đáng kể kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức. Ông Trump đã thể hiện thái độ hòa hoãn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng thời cắt giảm viện trợ quân sự cho Ukraine.

Dù không phải là thành viên NATO và theo đuổi chính sách trung lập về quân sự, Serbia vẫn bày tỏ mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu.

Năm ngoái, chính phủ Serbia được cho là đã có bước tiến gần hơn với châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng khi cam kết mua 12 máy bay chiến đấu Rafale từ hãng Dassault Aviation của Pháp. Hợp đồng bao gồm 9 chiếc Rafale một chỗ ngồi và 3 chiếc hai chỗ với tổng giá trị là 2,7 tỷ euro (khoảng 3 tỷ USD).

Moscow đã gửi lời mời đến nhiều nguyên thủ quốc gia nhân dịp lễ kỷ niệm quan trọng năm nay, bao gồm lãnh đạo các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và một số lãnh đạo quốc tế khác.

Phản ánh vị thế của Nga

Theo một số nhà quan sát, danh sách khách mời tham gia lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng (9/5) sẽ là thước đo phản ánh vị thế hiện tại của Nga trên trường quốc tế, đồng thời cho thấy mức độ mà Tổng thống Putin đạt được trong nỗ lực tạo dựng một cộng đồng quốc tế ở Bán cầu Nam không phụ thuộc vào phương Tây.

Giới quan sát thậm chí cho rằng dù mức độ ủng hộ Nga có thể không tăng nhưng sự chỉ trích đối với cuộc xung đột ở Ukraine đang suy giảm rõ rệt. Trong các cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhằm lên án Nga kể từ khi xung đột nổ ra, số quốc gia ủng hộ nghị quyết đã giảm từ 144 (trong tổng số 196) xuống chỉ còn 93 trong cuộc bỏ phiếu gần đây nhất, diễn ra vào dịp tròn 3 năm xung đột - khi mà Mỹ bất ngờ bỏ phiếu cùng Nga trong một bản nghị quyết đã hạ giọng và không nêu đích danh Nga là bên gây hấn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia đoàn diễu hành tại đại lộ Leningrad ở Moscow (Ảnh: Tass)

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham gia đoàn diễu hành tại đại lộ Leningrad ở Moscow (Ảnh: Tass)

Lễ duyệt binh năm nay đang được kỳ vọng là sự kiện có quy mô lớn hơn nhiều so với các năm gần đây, nơi Nga thường mang đến những khí tài quân sự mới nhất. Điểm khác biệt là sự tham gia của các lực lượng quân đội từ ít nhất 10 quốc gia, thể hiện sức ảnh hưởng ngày càng lớn của Nga. Binh lính từ Azerbaijan, Belarus, Serbia, Tajikistan, Triều Tiên và một số nước khác sẽ cùng duyệt binh trên Quảng trường Đỏ cùng các đơn vị của Nga.

Lễ kỷ niệm cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại như cách gọi của người Nga là một trong những sự kiện chính trị trọng đại nhất trong năm. Trong khi Vương quốc Anh và Mỹ mỗi nước mất khoảng nửa triệu binh lính trong Thế chiến II thì khoảng 26,6 triệu người Liên Xô đã thiệt mạng, trong đó khoảng 18 triệu là dân thường. Một thế hệ thanh niên tuổi đôi mươi đã mất trong cuộc chiến tàn khốc này. Hầu như gia đình nào tại Liên Xô cũng có người thân hy sinh, điều mà ngày nay họ tưởng nhớ qua cuộc diễu hành mang tên “Trung đoàn Bất tử,” nơi người dân mang di ảnh người thân đã mất đi diễu hành trên phố.

Trước khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, sự kiện này từng thu hút các nhà lãnh đạo hàng đầu phương Tây như Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ George W. Bush, những người đến dự vào dịp kỷ niệm 60 năm kết thúc Thế chiến II năm 2005 để ghi nhận vai trò của Nga trong việc đánh bại phát xít.

Sau sự kiện Crimea, mức độ tham dự từ phương Tây sụt giảm mạnh. Các lãnh đạo phương Tây gần như tẩy chay sự kiện và cả các nước thân phương Tây thuộc Liên Xô cũ cũng không tham gia, ngoại trừ một vài ngoại lệ.

Lễ duyệt binh năm ngoái hầu như chỉ có sự góp mặt của các nhà lãnh đạo Trung Á và Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic. Trong một động thái bất ngờ, Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuyên bố vào phút chót rằng ông sẽ không tham dự sự kiện năm nay. Tổng thống Armenia Nikol Pashinyan, dù có xu hướng thân phương Tây cũng tham dự sự kiện năm 2023, trong bối cảnh nước này vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga về năng lượng và thương mại.

Ngày Chiến thắng là một trong những ngày lễ quốc gia quan trọng nhất của Nga. Sự kiện được tổ chức vào ngày 9/5 hàng năm để tưởng niệm chiến thắng của Liên Xô trước Đức Quốc xã và các đồng minh năm 1945, cũng như để tưởng nhớ hàng chục triệu người Liên Xô đã ngã xuống trong Thế chiến II.

Kiều Anh/VOV.VN Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/nhieu-nuoc-du-duyet-binh-ngay-95-bat-chap-canh-bao-tu-eu-vi-the-nga-thay-doi-post1193844.vov
Zalo