Lãnh đạo Petrolimex: Nhiều quy định 'siết' số liệu ảo, minh bạch thị trường

Lãnh đạo Petrolimex khẳng định, việc bắt buộc đầu mối xăng dầu phải kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý, cộng với quy định phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán một cách thực chất, tự động sẽ làm cho thị trường xăng dầu càng ổn định, minh bạch.

Thị trường xăng dầu đang trong quá trình 'thanh lọc' khi nhiều đại gia xăng dầu như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức... bị xử lý hình sự. Điều này cho thấy kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại nhiều bất cập về chính sách cũng như năng lực của các doanh nghiệp. Nếu không có những điều chỉnh phù hợp, ngành này sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề rắc rối nảy sinh.

VietNamNet thực hiện tuyến bài ghi nhận các ý kiến đóng góp từ phía chuyên gia, DN, nhà quản lý nhằm khắc phục những lỗ hổng trên thị trường xăng dầu, hướng tới một môi trường kinh doanh minh bạch, đảm bảo an ninh năng lượng bền vững.

VietNamNet đã có cuộc trao đổi với ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xung quanh những nội dung đáng chú ý của dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Chia sẻ dữ liệu, cung – cầu sẽ được phản ánh chính xác, kịp thời

- Thưa ông, dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu đang đi đến những giai đoạn cuối khi đã được Văn phòng Chính phủ tổ chức lấy ý kiến Thành viên Chính phủ. Theo ông, đâu là những điểm đột phá tại nghị định rất được chờ đợi này?

Ông Trần Ngọc Năm: Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu mới đã kế thừa những điểm ưu việt của nghị định hiện hành; sửa đổi, bổ sung, thay thế các điều khoản cho phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Nhìn chung, nội dung dự thảo nghị định có nhiều điểm mới khá tích cực, khắc phục bất cập trong quản lý, kinh doanh xăng dầu.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex. Ảnh: TTXVN

Ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex. Ảnh: TTXVN

Petrolimex đánh giá rất cao nội dung mới của dự thảo là quy định về kết nối dữ liệu kinh doanh xăng dầu với các cơ quan chức năng. Cụ thể, nghị định này đã bổ sung quy định thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải kết nối mạng với Bộ Công Thương về dữ liệu kho chứa xăng dầu, tình hình thực hiện tổng nguồn xăng dầu, nhập - xuất - tồn kho xăng dầu và các dữ liệu khác theo quy định của Bộ Công Thương.

Việc kết nối dữ liệu này giúp cho cơ quan quản lý nhà nước nhanh chóng có được các thông tin quan trọng nhất về tổng nguồn xăng dầu, tiêu thụ, tồn kho; xăng dầu nhập – xuất như thế nào, xác định được nhu cầu thực ở từng vùng, miền là bao nhiêu. Khi các số liệu này được liên thông với cơ quan quản lý sẽ giúp họ có những điều hành, phản ứng nhanh chóng, kịp thời để thị trường hoạt động bình thường, đồng thời là căn cứ để Nhà nước hoạch định được chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Bên cạnh đó, cùng với quy định phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng được triển khai một cách thực chất, tức là máy tính tự động kết nối lấy dữ liệu bán hàng từ cột bơm để phát hành hóa đơn, không nhập dữ liệu thủ công từ con người sẽ giúp quản lý chính xác lượng xăng dầu bán ra.

Nhà nước vẫn công bố giá với 2 mặt hàng dùng nhiều nhất

- Một trong những vấn đề lớn và rất được quan tâm mà các lần sửa đổi hay xây dựng nghị định hướng đến là để giá bán lẻ xăng dầu theo thị trường. Vậy ông đánh giá thế nào về nội dung này tại dự thảo nghị định?

Nước ta phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nhà nước can thiệp vào thị trường để tạo cơ hội, môi trường cho sự vận hành bình thường của thị trường đáp ứng yêu cầu của xã hội. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân, là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, là một trong trụ cột quan trọng của an ninh năng lượng quốc gia. Vì vậy, điều hành giá xăng dầu theo thị trường nhưng cần có sự quản lý của Nhà nước.

Hiện nay, thị trường kinh doanh xăng dầu nội địa có khoảng 10 mặt hàng xăng dầu khác nhau. Theo dự thảo nghị định, Bộ Công Thương chỉ công bố giá đối với 2 mặt hàng có tỷ trọng tiêu dùng lớn là xăng RON 95-III và DO 0,05S-II. Các mặt hàng còn lại, doanh nghiệp căn cứ vào công thức giá và yếu tố chi phí của mình để tự quyết định giá.

Như vậy, quy định công bố giá đã theo thị trường nhưng có tính chất thận trọng từng bước. Đến thời điểm thích hợp, khi đã hội đủ điều kiện cần thiết thì sẽ chuyển hoàn toàn sang cơ chế thị thị trường là phù hợp.

- Nhiều chuyên gia, hiệp hội nói dự thảo nên để các thương nhân phân phối được mua hàng của nhau thì sẽ hạn chế được và tăng tính cạnh tranh, sẽ không tái diễn việc đứt nguồn cục bộ như tình huống hồi năm 2022. Đây cũng là nội dung gây rất nhiều ý kiến trái chiều trong các lần lấy ý kiến cho dự thảo. Quan điểm của ông thế nào?

Việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường thuộc về trách nhiệm của các thương nhân sản xuất và thương nhân đầu mối xăng dầu thông qua quy định về số ngày dự trữ lưu thông và thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao hàng năm. Các thương nhân phân phối nếu có mua, bán xăng dầu của nhau thì cũng không làm tăng được nguồn cung cho thị trường.

Các thương nhân phân phối được quyền lựa chọn để mua xăng dầu từ rất nhiều thương nhân đầu mối, thương nhân sản xuất xăng dầu. Nếu thương nhân phân phối cứ thực hiện đúng hợp đồng cam kết thì các thương nhân đầu mối có kế hoạch đặt mua hàng đáp ứng đủ nhu cầu.

Trên thực tế, việc một số thương nhân phân phối mua bán xăng dầu của nhau đã tạo ra số lượng tiêu thụ ảo, khiến cơ quan quản lý nhà nước khó nắm được tổng nhu cầu thực của thị trường để điều hành nguồn cung xăng dầu kịp thời.

Nghị định lần này được Petrolimex đánh giá có rất nhiều điểm tích cực và chúng tôi tin rằng với dự thảo mới nhất này, nếu được thực thi thì thị trường sẽ ngày càng ổn định, minh bạch và cạnh tranh.

Xin cảm ơn ông!

Bài 3: Không bịt ‘lỗ hổng’ thị trường xăng dầu, sẽ còn nhiều vi phạm

Phan Chí Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/xuat-hoa-don-tung-lan-ban-se-do-chinh-xac-luong-xang-dau-2371261.html
Zalo