Lãnh đạo CSGDĐH nêu những điều kiện cần để trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh

Các trường đại học, viện nghiên cứu là nơi tập trung nhà khoa học có trình độ cao nên là môi trường khả thi nhất để mạnh dạn đầu tư cho các nghiên cứu rủi ro.

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể đặt ra tại Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là: Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo; phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản; đẩy mạnh hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài; đổi mới mạnh mẽ phương thức đào tạo và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nhất là trí tuệ nhân tạo.

Điều này được đánh giá là "ngọn hải đăng" soi đường định hướng, tạo cú hích mạnh mẽ và mở ra thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ gắn liền với sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

Cần tháo gỡ rào cản, mở rộng hợp tác với các đại học uy tín của nước ngoài

Trong thời gian gần đây, năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học, công nghệ của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp quan trọng của các trường đại học. Nhiều cơ sở đào tạo đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ với nhiều đề tài nghiên cứu đã bám sát nhu cầu thực tế, giàu triển vọng ứng dụng vào sản xuất và đời sống.

Theo đó, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ra đời được đánh giá tạo động lực và cơ hội lớn cho các cơ sở giáo dục đại học tăng cường nghiên cứu khoa học, công nghệ gắn kết với đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chương trình đào tạo theo hướng chuẩn quốc tế, hiện đại hóa. Song, nhiệm vụ quan trọng này cần được thực hiện với những giải pháp đồng bộ để không chỉ đủ nguồn nhân lực mà quan trọng hơn bảo đảm về chất lượng, đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực mũi nhọn công nghệ cao.

 Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, các cơ sở giáo dục cần có những chính sách để thu hút và giữ chân giảng viên, nhà nghiên cứu có năng lực; những cơ chế tài chính, đầu tư, hỗ trợ từ Nhà nước và doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Phan Bách Thắng - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Sức khỏe, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị hiện đại, chúng ta cần đặc biệt chú trọng yếu tố con người. Máy móc dù tối tân đến đâu cũng khó phát huy hết tiềm năng nếu thiếu vắng đội ngũ nghiên cứu trình độ cao, vững chuyên môn.

Vì vậy, việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh, có cấu trúc đa tầng, quy tụ sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế là yêu cầu cấp thiết. Đặt vấn đề về chiến lược thu hút tri thức của các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Bách Thắng nhấn mạnh cần khẳng định năng lực và tạo dựng môi trường học thuật giàu tiềm năng phát triển. Để giữ chân người tài, cần xây dựng các chính sách và cơ chế tài chính phù hợp, giúp các nhà khoa học nâng cao tầm ảnh hưởng, tạo ra những đóng góp có giá trị trong nước và khu vực. Từ đó, đội ngũ này có thể trở thành cầu nối đưa nghiên cứu khoa học Việt Nam vươn ra thế giới.

Để phát triển nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, cần đào tạo, bồi dưỡng người học ở bậc sau đại học. Vì vậy, theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Mai - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao cả số lượng và chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, việc mở rộng đội ngũ học viên cao học và nghiên cứu sinh là yếu tố then chốt.

Đối với ngành bán dẫn - một lĩnh vực công nghệ cao mang tính phức tạp và đòi hỏi chi phí đào tạo lớn, việc đào tạo tiến sĩ chuyên sâu là thách thức không nhỏ đối với các cơ sở giáo dục đại học. Do đó, các trường cần có sự đồng hành và hỗ trợ tài chính từ doanh nghiệp thông qua các quỹ hợp tác nghiên cứu, đào tạo. Việc xây dựng nguồn nhân lực bền vững cho tương lai, cần có chính sách khuyến khích học sinh phổ thông tiếp cận giáo dục STEM, thông qua việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy ngay từ cấp học nền tảng.

Trên thực tế, người học bậc sau đại học phải vừa làm vừa học để xoay xở về học phí, chi phí cho hoạt động nghiên cứu, trong khi hiện nay còn thiếu các chương trình học bổng và hỗ trợ tài chính đủ mạnh nhằm khuyến khích và nuôi dưỡng đam mê nghiên cứu. Để khơi dậy và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ tài chính ổn định và hiệu quả, thông qua sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà nước, cơ sở giáo dục và doanh nghiệp. Đây là một giải pháp cần thiết, qua đó hỗ trợ kinh phí thực hiện nghiên cứu, luận văn và luận án cho học viên, nghiên cứu sinh, góp phần tạo động lực và môi trường thuận lợi cho thế hệ trí thức trẻ theo đuổi con đường khoa học.

 Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Một trong những thách thức hiện nay nước ta chưa làm chủ được các công nghệ lõi, công nghệ nền là do chưa thực sự phát triển khoa học cơ bản - lĩnh vực giữ vai trò nền tảng trong phát triển các công nghệ mới, là điểm khởi đầu trong chuỗi nghiên cứu khoa học, từ khám phá đến ứng dụng và sản xuất. Tuy nhiên, đầu tư cho khoa học cơ bản đòi hỏi chi phí lớn và thời gian dài. Ngoài ra, trong những năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản đang dần mất đi sức hút với người học. Nguyên nhân có thể lý giải do xuất phát từ việc nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng cũng như tiềm năng của lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ và đầu tư cho khoa học cơ bản còn hạn chế, chưa tạo được động lực đủ mạnh để thu hút sinh viên tài năng, đồng thời triển vọng nghề nghiệp, cơ chế đãi ngộ đối với các ngành này chưa thực sự hấp dẫn, công việc lại đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu, cống hiến lớn. Những yếu tố này khiến ít sinh viên lựa chọn theo đuổi con đường khoa học cơ bản, tạo ra thách thức không nhỏ cho sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam.

Nghị quyết số 57-NQ/TW định hướng tạo nền tảng vững chắc cho các ngành khoa học cơ bản, bằng việc đầu tư có chiến lược nhằm tăng cường tiềm lực quốc gia. Đó chính là nòng cốt của sự phát triển bền vững của đất nước. Và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế, về số lượng các chương trình được kiểm định quốc tế; cung cấp gần 20.000 cử nhân, kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, dược sĩ, thạc sĩ, tiến sĩ trong hầu hết tất cả các lĩnh vực. [1]

Cụ thể hóa các mục tiêu được đề ra trong Nghị quyết số 57-NQ/TW, cơ sở giáo dục đại học cần tăng cường thu hút và phát triển được đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao hợp tác cùng nhau; tuyển chọn và tạo điều kiện phát triển các học sinh, sinh viên và học viên cao học, nghiên cứu sinh tài năng nhằm hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ lõi. Cùng với đó, việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, các ngành công nghệ mũi nhọn nhằm vận dụng tối đa tiềm năng và lợi thế đã có là cần thiết.

Đổi mới chương trình đào tạo, phương thức quản lý theo chuẩn quốc tế là xu hướng tất yếu

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, Nghị quyết 57 là "kim chỉ nam" cho hoạt động của các trường đại học, viện nghiên cứu. Theo đó, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển sao cho đồng bộ với định hướng và chính sách của quốc gia. Để thực hiện được điều này, các trường đại học cần đóng vai trò tiên phong trong tiến trình chuyển đổi số.

Việc xây dựng, đầu tư và vận hành đồng bộ hệ thống công nghệ, hạ tầng số, cơ sở dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo không chỉ là yêu cầu tất yếu, mà còn phải trở thành đầu tàu dẫn dắt cho quá trình chuyển đổi số trong toàn hệ thống giáo dục và xa hơn là cả nền kinh tế số quốc gia.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Song song với đó, các chương trình đào tạo cần được định hướng lại theo tiếp cận giáo dục STEM, nhằm trang bị cho người học tư duy tích hợp giữa khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Bởi lẽ, các lĩnh vực công nghệ cao và công nghệ lõi đều đòi hỏi nền tảng khoa học cơ bản vững chắc. Nếu thiếu thế mạnh về khoa học cơ bản, và không thúc đẩy giáo dục STEM một cách hệ thống trong các cơ sở giáo dục đại học, chúng ta sẽ khó có thể hình thành được đội ngũ nhân lực trình độ cao đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế tri thức và công nghiệp hiện đại.

Chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo cần được thiết kế trên cơ sở tiếp cận với khung năng lực và chuẩn chất lượng của khu vực cũng như quốc tế, nhằm bảo đảm tính hội nhập và khả năng cạnh tranh của nguồn nhân lực. Mặt khác, các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động đầu tư phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, bởi đây chính là những "tế bào chức năng" cốt lõi, đóng vai trò trung tâm trong hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo sau đại học và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần có chủ trương rõ ràng và quyết tâm cao trong việc thành lập mới, đồng thời ưu tiên nguồn lực đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong những lĩnh vực công nghệ cao, mũi nhọn và có tính chất chiến lược đối với phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc gia. Với lợi thế tập trung đội ngũ nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao, các trường đại học và viện nghiên cứu chính là môi trường khả thi và phù hợp nhất để mạnh dạn triển khai các nghiên cứu rủi ro, nhưng tiềm năng đột phá lớn.

Hơn nữa, đầu tư cho các nhóm nghiên cứu trong trường đại học phải dài hơi, tới tầm và xứng tầm cùng với việc quy hoạch và đầu tư cho các nhà khoa học đầu ngành, đầu đàn. Có như vậy mới mong đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, hợp tác quốc tế trong khoa học công nghệ và tạo nên các đột phá trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo của các trường đại học.

Đặc biệt, các trường đại học cần tích cực thúc đẩy và triển khai hiệu quả mô hình phối hợp giữa 4 chủ thể: nhà nước – nhà trường – nhà khoa học – doanh nghiệp. Đây là cấu trúc hợp tác chiến lược, giúp tạo nên hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện và bền vững. Trong đó, nhà nước và các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động xây dựng các cơ chế linh hoạt, minh bạch để khuyến khích chia sẻ nguồn lực, đồng thời bảo đảm quyền lợi chính đáng của các bên tham gia.

Khi mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp được thiết lập và vận hành hiệu quả, quá trình chuyển giao tri thức, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn và hoạt động đổi mới sáng tạo trong nhà trường mới có thể được thúc đẩy mạnh mẽ và mang lại giá trị thực chất.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vnuhcm.edu.vn/dao-tao_33373364/sinh-vien-dhqg-hcm-lam-viec-o-dau-sau-khi-tot-nghiep-/363337323364.html

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lanh-dao-csgddh-neu-nhung-dieu-kien-can-de-tro-thanh-chu-the-nghien-cuu-manh-post251191.gd
Zalo