Lãnh đạo Becamex (BCM) nói về lan sóng dịch chuyển của giới đầu tư vào các khu công nghiệp Việt Nam
Trước đây, các nhà đầu tư từ Trung Quốc thường mất từ 3 - 6 tháng để đưa ra quyết định đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay thời gian ra quyết định này đã rút ngắn xuống chỉ còn khoảng 2 tuần sau khi tham quan các khu công nghiệp tại Việt Nam.
Thông tin này được ông Đặng Tấn Đức, Giám đốc Ban quản lý Khu công nghiệp Khoa học Công nghệ kiêm Trợ lý HĐQT Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC Corp, mã BCM - sàn HOSE), chia sẻ tại chương trình Café Cùng Chứng.
Theo ông Đức, mặc dù tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2024 vẫn dự báo sẽ tăng trưởng từ 4-5%, điều này tạo tín hiệu tích cực cho nền kinh tế. Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục mạnh mẽ trong năm 2025.

Sau cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ, nhiều nhà đầu tư từ Trung Quốc, cũng như từ các quốc gia khác có đầu tư tại Trung Quốc, đã chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam. Ông Đức cho biết, từ liên doanh giữa BCM và BWID, khoảng 60% nhà đầu tư đến từ các thị trường Trung Quốc, thể hiện sự gia tăng nhanh chóng của dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn lớn.
Trước đây, khi các nhà đầu tư từ Trung Quốc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam thường mất từ 3 đến 6 tháng để đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, quá trình này đã trở nên nhanh chóng hơn, chỉ mất khoảng 2 tuần sau khi tham quan để họ đưa ra quyết định đầu tư.
“Các nhà đầu tư đang cấp bách trong việc đưa ra quyết định đầu tư, nhằm đáp ứng nhu cầu của chuỗi cung ứng mới và các yêu cầu từ khách hàng của các nhà sản xuất. Đặc biệt là khi Mexico - địa điểm quan trọng để các nhà sản xuất toàn cầu đầu tư và xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, phải đối mặt với mức thuế cao từ Tổng thống Hoa Kỳ”, ông Đức nói.
Dù chính sách thương mại của Hoa Kỳ cũng có thể gây ra bất lợi cho Việt Nam thời gian tới, nhưng ông Đức đánh giá, Chính phủ Việt Nam đang rất chủ động trong việc tiếp xúc, trao đổi và đưa ra các đề xuất hợp tác với Hoa Kỳ để giảm thiểu thâm hụt thương mại giữa hai quốc gia. Chính phủ đang đưa ra các biện pháp như giảm thuế cho một số mặt hàng của Hoa Kỳ nhập khẩu vào Việt Nam, đặc biệt là khí LNG, hoặc các thiết bị và máy móc như máy bay Boeing từ Hoa Kỳ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang xem xét cấp phép cho các công ty lớn như Tesla của tỷ phú Elon Musk để có thể đầu tư tại Việt Nam.
Về phía mình, Việt Nam vẫn duy trì nhiều lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút FDI. Việt Nam là một điểm đến rất quan trọng đã hưởng lợi từ chiến lược “Trung Quốc +1” nhờ vào vị trí chiến lược sát cạnh Trung Quốc và trong khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam có quy mô dân số hơn 100 triệu người, là một tài sản vô cùng lớn để thu hút dòng vốn FDI trong lĩnh vực sản xuất, chiếm khoảng 65% nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong thời gian qua. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ động trong việc ký kết hơn 15 hiệp định thương mại với các quốc gia và khu vực kinh tế toàn cầu.
Thêm vào đó, chi phí nhân công cạnh tranh và văn hóa Á Đông đặc trưng của người Việt, Việt Nam có thể dễ dàng kết nối với các cường quốc sản xuất trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…
Với những điểm mạnh trên, Việt Nam rất phù hợp để trở thành một cường quốc sản xuất tiếp theo, không chỉ ở châu Á mà có thể là của cả thế giới.
“Trong giai đoạn tiếp theo, khi Chính phủ và các địa phương tiếp tục thực hiện những cải cách mạnh mẽ, sẽ giúp định vị Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư. Việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ là sức mạnh mới, giúp Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới”, ông Đức nhấn mạnh.
Qua trao đổi với các nhà đầu tư nước ngoài, Becamex nhận thấy họ đều rất phấn khích và hứng thú với cơ hội này. Các nhà đầu tư kỳ vọng rằng, môi trường cạnh tranh và môi trường kinh doanh tại Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện, các thủ tục cấp phép và quy trình kinh doanh sẽ ngày càng hoàn thiện trong thời gian tới.
Việt Nam cũng chứng kiến một sự chuyển dịch trong hoạt động sản xuất, từ các ngành truyền thống như may mặc, gỗ, chế biến nông sản, sang các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như công nghệ cao, sản phẩm điện tử như điện thoại, máy nghe nhạc, ipod, airpod. Các công ty EMS (Electronic Manufacturing Services), là những nhà gia công điện tử hàng đầu thế giới, đã đổ bộ vào Việt Nam tạo ra một lợi thế cạnh tranh mới cho quốc gia.
Hiện tại, các sản phẩm công nghệ chiếm hơn 40% tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam, và đây là một xu hướng quan trọng. Becamex đang triển khai dự án Thành phố mới Bình Dương, được định hình là thành phố về khoa học và công nghệ.
Ông Đức thông tin, trong thời gian tới, Becamex sẽ tiếp tục phát triển khu công nghiệp khoa học công nghệ thế hệ mới tại trung tâm thành phố, nơi có vị trí chiến lược tương tự như khu công nghệ cao Tân Trúc tại Đài Loan (Trung Quốc). Dự án này kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu và lợi nhuận tốt trong thời gian tới cho Becamex, thông qua việc hợp tác với các chủ đầu tư thứ cấp và tự phát triển của Công ty.