Lạng Sơn: Bảo tồn, phát huy nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Nùng

Trước nguy cơ nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng bị mai một, các cấp, ngành của tỉnh Lạng Sơn đang tích cực triển khai nhiều biện pháp bảo tồn, phát huy nghề truyền thống này.

 Học viên tham gia Lớp truyền dạy thực hành nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình.

Học viên tham gia Lớp truyền dạy thực hành nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình.

Nghề thêu dệt truyền thống có nguy cơ mai một

Xã Hải Yến nằm ở phía Đông Bắc của huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn), cách trung tâm huyện gần 15km. Dân số toàn xã là 2010 nhân khẩu với 417 hộ. Trong đó, bao gồm 416 hộ là người dân tộc Nùng Phàn Slình (Nùng Cúm Cọt), chiếm 99,76%.

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng Phàn Slình, về cơ bản vẫn giữ được nhiều nét phong tục tập quán tốt đẹp. Trong đó có việc duy trì mặc trang phục truyền thống dân tộc, nhất là vào các dịp lễ, tết, ngày hội địa phương.

Nghề thêu, dệt là một nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Nùng Phàn Slình ở xã Hải Yến. Người dân nơi đây thường thêu, dệt để trang trí, làm nên các bộ trang phục truyền thống độc đáo của dân tộc mình.

Khung cửi truyền thống của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn.

Khung cửi truyền thống của người Nùng Phàn Slình ở Lạng Sơn.

Những sản phẩm thêu, dệt thủ công truyền thống được các chị em phụ nữ làm hết sức tỉ mỉ, công phu. Hoa văn trên trang phục cũng như các vật dụng làm từ thổ cẩm thường theo mô - tip tượng trưng, cách điệu các hình tượng từ thiên thiên và đời sống thường ngày như hoa lá, động vật.

Những họa tiết được kết hợp một cách khéo léo, cân đối và mang nét đặc trưng về tính cách, thẩm mỹ và tài nghệ của từng người làm ra. Mỗi hoa văn đều có ý nghĩa nhất định và qua đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ dân tộc Nùng Phàn Slình, vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày đã được khắc họa sinh động qua từng sản phẩm.

Chị Lộc Thị Khuyên (SN 1987, trú tại thôn Nà Tèn, xã Hải Yến) cho biết, trước đây, các sản phẩm dệt, thêu của người Nùng Phàn Slình ở xã Hải Yến đều được làm hoàn toàn bằng tay từ khâu se sợi, dệt và nhuộm vải cho đến thêu họa tiết trên trang phục.

Chị Lộc Thị Khuyên và chiếc túi được thêu thủ công.

Chị Lộc Thị Khuyên và chiếc túi được thêu thủ công.

Tuy nhiên, với xu thế phát triển của kinh tế thị trường cũng như sự phổ biến của các sản phẩm may mặc với đa dạng kiểu dáng, mẫu mã nên nhiều năm trở lại đây, đồng bào người Nùng Phàn Slình ở xã Hải Yến đã không tự se sợi, dệt và nhuộm vải nữa.

Việc mua vải sẵn giúp người dân tiết kiệm được thời gian, công sức nhưng vô tình khiến cho nghề dệt truyền thống của người Nùng Phàn Slình bị mai một. Đáng nói hơn, những trang phục truyền thống của dân tộc cũng không còn được người dân duy trì mặc thường xuyên như trước mà chỉ vào những dịp quan trọng như lễ, hội, Tết. Những yếu tố đó vô hình chung khiến cho nhu cầu may, thêu trang phục truyền thống không còn cao.

Bà Long Thị Nga (trú tại thôn Nà Tèn, xã Hải Yến) là một trong số ít người vẫn còn gắn bó với nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng Phàn Slình. Theo bà Nga, do hiện nay nghề thêu, dệt thổ cẩm truyền thống không còn được phổ biến như trước kia nữa nên những người phụ nữ trong thôn thường lựa thời gian rảnh rỗi việc nương rẫy để dệt may một số lượng nhỏ trang phục để mặc trong những dịp lễ, Tết.

Những họa tiết sặc sỡ là một trong những đặc trưng trên các sản phẩm thêu của người dân tộc Nùng.

Những họa tiết sặc sỡ là một trong những đặc trưng trên các sản phẩm thêu của người dân tộc Nùng.

Nhận thấy thay đổi đó, bà Nga cùng một số chị em phụ nữ trong xã đã thành lập những nhóm nhỏ để nhận may trang phục cho người dân. Vải được nhóm của bà Nga mua sẵn ở chợ đem về cắt theo mẫu trang phục truyền thống của người Nùng Phàn Slình nhưng họa tiết thì được nhóm của bà thêu hoàn toàn bằng tay. Công việc trên vừa giúp nhóm của bà Nga gắn bó với nghề, vừa là để tăng thêm thu nhập.

"Do cần nhiều thời gian và công đoạn để hoàn thiện nên một bộ quần áo truyền thống có giá lên đến gần 1,5 triệu đồng. Để tăng năng suất, các chị em trong xã kết hợp thành từng đôi để làm, một người cắt, may bằng máy, một người thêu họa tiết thủ công. Trung bình mỗi tháng, nhóm của bà Nga may được trên 20 bộ quần áo, tháng cao điểm giáp Tết may được trên 60 bộ. Trừ mọi chi phí, ước tính thu nhập trung bình từ 2 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, khách hàng chủ yếu là người địa phương, chưa có nhiều khách ngoại tỉnh hay các cơ sở, doanh nghiệp đặt hàng.

Nỗ lực bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc

Trước thực tế số hộ dân duy trì nghề ngày càng giảm và sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trang phục, người dân xã Hải Yến và các cấp chính quyền đã tích cực nỗ lực tìm giải pháp để lưu giữ và phát triển nghề trong tương lai.

Mô hình bảo tồn nghề thêu, dệt thổ cẩm của dân tộc Nùng Phàn Slình ở xã Hải Yến được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng UBND huyện Cao Lộc triển khai thực hiện từ tháng 6/2023 và hoàn thành vào tháng 9/2023 thuộc Dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Công việc thêu, dệt thổ cẩm vừa giúp nhóm của bà Long Thị Nga gắn bó với nghề, vừa là công việc để tăng thêm thu nhập.

Công việc thêu, dệt thổ cẩm vừa giúp nhóm của bà Long Thị Nga gắn bó với nghề, vừa là công việc để tăng thêm thu nhập.

Thông qua việc xây dựng mô hình nhằm góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Nùng Phàn Slình ở xã Hải Yến. Qua đó tiếp tục nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân đối với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời hướng tới mục tiêu gắn kết giữ bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.

Trong thời gian trên, các lớp truyền dạy thực hành nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình đã được mở với những học viên nữ là người dân tộc Nùng sinh sống tại địa bàn xã. Các học viên được học kỹ thuật dệt vải, dệt thổ cẩm truyền thống và được hướng dẫn thực hành thêu họa tiết trên quần áo, khăn, mũi, túi xách… Kết thúc lớp học, xã Hải Yến đã thành lập Câu lạc bộ nghề thêu, dệt thổ cẩm dân tộc Nùng Phàn Slình xã Hải Yến với thành viên là toàn bộ học viên của lớp truyền dạy.

Người dân tộc Nùng ở xã Hải Yến quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc đến với du khách tại một lễ hội ở Lạng Sơn.

Người dân tộc Nùng ở xã Hải Yến quảng bá nghề dệt thổ cẩm truyền thống của dân tộc đến với du khách tại một lễ hội ở Lạng Sơn.

Chị Lý Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Hải Yến cho biết, qua tuyên truyền, vận động, cũng như nhận thức được rõ câu lạc bộ là một mô hình bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc hiệu quả, chị em trong xã rất nhiệt tình tham gia. Sau khi ra mắt, câu lạc bộ đã nhận được hơn 20 đơn hàng từ các cơ quan, đơn vị trường học, khách hàng trong tỉnh. Tuy chưa mang lại hiệu quả lớn về kinh tế nhưng bước đầu thông qua câu lạc bộ, sản phẩm thủ công của chị em trong xã đã dần được biết đến và tiến tới gần hơn với thị trường.

"Bên cạnh công tác tích cực vận động chị em trong xã thường xuyên mặc và may thêu trang phục dân tộc, thời gian tới, chính quyền xã sẽ tổ chức thêm các lớp truyền dạy kỹ năng thêu, dệt cho cả người lớn và thanh, thiếu nhi để từng thế hệ hiểu rõ về giá trị văn hóa truyền thống và nắm chắc kỹ thuật tạo nên một bộ trang phục dân tộc", chị Hiền cho biết.

PV

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/lang-son-bao-ton-phat-huy-nghe-theu-det-tho-cam-cua-dan-toc-nung-20241211154555942.htm
Zalo