Làng Quan Yên bên sông Mã

Nằm ở phía đông huyện Yên Định, làng Quan Yên (hay Quân Yên) xã Định Tiến là vùng đất cổ được hình thành từ quá trình bồi đắp, lắng đọng phù sa của sông Mã. Núi sông bao quanh, đất đai màu mỡ nên từ rất sớm, Quan Yên đã có con người đến cư ngụ, lập nên xóm làng.

Bà Triệu được người dân Quan Yên phối thờ tại Di tích lịch sử văn hóa Nghè Trúc.

Bà Triệu được người dân Quan Yên phối thờ tại Di tích lịch sử văn hóa Nghè Trúc.

Miền quê thanh bình được núi sông bao bọc

Từ trung tâm huyện Yên Định, du khách đi thêm khoảng hơn 10km sẽ “bắt gặp” Quan Yên - một làng Việt cổ yên bình nằm bên sông Mã. Vùng đất này được hình thành gắn “với quá trình đổi dòng của sông Mã đi vào đồng bằng... khi lòng sông mở rộng đã đem phù sa bồi đắp vào các chỗ trũng tạo nên các bãi bồi ven sông và dần tạo nên một đồng bằng châu thổ... trong đó có làng Quan Yên”.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, từ thời thuộc Hán, vùng đất này đã có con người sinh sống. Từ buổi đầu lập dựng đến ngày nay, làng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau, như: Mường An Sơn, Quân An Sơn, Quan Yên (hay Quân Yên), Yên Thôn.

Buổi đầu hình thành, “Làng được bao bọc bởi núi, sông. Khi đó, làng có vị trí nằm trong bãi bồi của dòng sông Mã, ở phía Bắc có dãy núi với chiều dài 3km, đỉnh cao nhất khoảng 400m được gọi là dãy núi Quân An Sơn. Phía đông nam của dãy núi là tổng Hải Quật, phía đông bắc của dãy núi là làng Quân An Sơn nay được gọi là làng Quan Yên. Trong Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, thời Trịnh Doanh, Trịnh Sâm... đã cầm quân đánh giặc và đưa quân ngự tại vùng đất này. Từ đó làng được đổi tên từ bản Mường An Sơn sang tên làng Quân An Sơn” (sách Lịch sử Đảng bộ xã Định Tiến). Cho đến trước Cách mạng Tháng Tám, Quân An Sơn là một làng rộng lớn thuộc tổng Yên Định.

Và sau Cách mạng Tháng Tám, trải qua nhiều lần chia tách, thay đổi địa giới, làng Quân An Sơn được đổi tên thành Quan Yên và ngày nay là Yên Thôn.

Đi qua thời gian với nhiều biến động, làng Quan Yên đã có nhiều đổi thay, phát triển, đời sống người dân được nâng lên. Tuy nhiên, vùng đất cổ vẫn giữ được nhiều nét đẹp vốn có của làng quê thuần Việt, như cây đa, bến nước, bãi bồi ven sông với nhiều loại cây rau màu theo mùa vụ. Ở nơi đây, đời nối đời những người dân địa phương vẫn chăm chỉ lao động, để cuộc sống mỗi ngày thêm ấm no, đủ đầy.

Nằm ngay bên sông Mã là núi Quan Yên (Quân Yên) thoai thoải. Đứng trên núi nhìn xuống, dòng sông Mã như dải lụa mềm mại từ ngàn vạn năm vẫn lặng chảy mang theo phù sa tươi tốt, tạo nên những bãi bồi xanh mướt mát, xóm làng thanh bình yên ả...

Và những dấu tích...

Căn cứ vào các thư tịch cổ, vùng đất Quan Yên cổ kính bên sông Mã cũng được cho là quê hương của nữ tướng Triệu Trinh Nương, tức Bà Triệu. Theo đó, Bà Triệu hay nàng Triệu Thị Trinh là nữ anh hùng dân tộc, người đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược thời Bắc thuộc. Dù là nữ nhi nhưng Triệu Thị Trinh giỏi võ nghệ, có chí lớn và nổi tiếng với câu nói đi vào sử sách và truyền ngôn dân gian: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người”. Bà Triệu cùng anh trai Triệu Quốc Đạt đã cùng nhau lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống nhà Ngô xâm lược.

Núi Quan Yên thoai thoải góp phần điểm tô cho bức tranh phong cảnh làng quê thanh bình.

Núi Quan Yên thoai thoải góp phần điểm tô cho bức tranh phong cảnh làng quê thanh bình.

Truyền ngôn dân gian kể rằng, sau thời gian chuẩn bị, Bà Triệu và nghĩa quân đã cùng nhau vượt sông đến vùng núi Nưa để lập căn cứ, tạo thế và lực tràn xuống đồng bằng đánh giặc. Cuộc khởi nghĩa do Bà Triệu khởi xướng và lãnh đạo tuy thất bại song đã tạo nên nốt thăng trong bản hùng ca giữ nước của dân tộc Việt Nam.

Còn dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu, “vùng Quan Yên xưa đã hội tụ được những yêu cầu cần thiết của một trung tâm huyện lỵ. Ở đây sông Mã, sông Cầu Chày là những đầu mối giao thông quan trọng bậc nhất đã tạo cho vùng đất Yên Định một thế mở giao thương - thế giao lưu lịch sử với các vùng miền trong và ngoài tỉnh". Đi qua thời gian, cho đến ngày nay, Quan Yên vẫn nổi bật với một vùng văn hóa đặc sắc.

Với tấm lòng ngưỡng mộ dành cho Bà Triệu, xa xưa bên sông Mã người dân Quan Yên đã lập dựng đền thờ bà và thành kính hương khói phụng thờ. Đền Bà Triệu ở Quan Yên là không gian văn hóa - “điểm tựa” tâm linh cho người dân địa phương. Tuy nhiên, trong một trận lụt lớn, ngôi đền thiêng thờ Bà Triệu đã bị nước cuốn trôi. Ngày nay, Bà Triệu được phối thờ tại di tích lịch sử văn hóa Nghè Trúc trên núi Quan Yên.

Ông Bùi Minh Dán, bậc cao niên trông coi di tích Nghè Trúc hơn 20 năm qua, cho biết: Nghè Trúc vốn là nơi thờ Quản gia Đô Bác Trịnh phủ quân (tức Trịnh Ra) - vị thần được nhiều làng quê ven sông Mã thờ phụng. Nghè Trúc khi xưa vốn là công trình kiến trúc cổ kính và bề thế, được dựng theo kiểu chữ “Đinh”. Đáng tiếc, trong những năm 60 của thế kỷ trước, vì nhiều nguyên do mà Nghè Trúc không còn. Về sau, trên nền móng cũ người dân địa phương đã tôn tạo ngôi đền để thờ các vị thần được người dân tôn kính”.

Di tích lịch sử văn hóa Nghè Trúc tọa lạc trong một không gian văn hóa - tín ngưỡng đậm nét của vùng núi Quan Yên. Hằng năm, tại Nghè Trúc diễn ra hai kỳ lễ lớn vào ngày 21, 22 tháng 2 (âm lịch) - tưởng nhớ ngày mất của Bà Triệu và ngày kỵ thần 14 tháng 11 (giỗ Trịnh Ra). Và khi xưa, trong lễ hội truyền thống làng Quan Yên, bên cạnh các nghi thức tế lễ trang nghiêm còn có sinh hoạt hát bội (hát tuồng cổ) sôi động do các nghệ nhân trong làng sáng tác và dàn dựng để phục vụ dân làng.

Đứng từ Nghè Trúc trên sườn núi Quan Yên, nhìn về phía dòng sông Mã, lão niên Bùi Minh Dán, chia sẻ: Trải qua dặm dài của thời gian và lịch sử, đất và người Quan Yên đã chịu nhiều tác động, thay đổi và cả những mất mát, mai một đáng tiếc. Tuy nhiên, sâu thẳm đâu đó vẫn có một mạch nguồn văn hóa vẫn âm ỉ chảy trôi, tạo nên bản sắc, nét đẹp riêng của vùng quê này. Ngày nay, những nét đẹp văn hóa ấy đang từng bước được khôi phục, gìn giữ và phát huy giá trị.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng nội dung trong sách Lịch sử Đảng bộ xã Định Tiến và một số tài liệu lưu giữ tại địa phương).

Bài và ảnh: Trang Bùi

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/lang-quan-yen-nbsp-ben-song-ma-37191.htm
Zalo