Lãng phí từ 'đất vàng' đến mâm cơm liên hoan
'Tình trạng lãng phí vẫn còn phổ biến, từ nhà đất bị bỏ hoang đến mâm cơm liên hoan, tưởng nhỏ nhưng lại rất lớn', ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trăn trở.

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) phát biểu sáng 23-5. Ảnh: QUANG PHÚC
Đề cập đến công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tại phiên thảo luận tổ sáng 23-5, ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) trăn trở khi vẫn còn nhiều khu nhà bị bỏ hoang, nhiều dự án đất đai vẫn chưa giải quyết được, vẫn đang nằm chờ. Bên cạnh đó, còn hiện tượng lãng phí khác, tưởng nhỏ nhưng hết sức phổ biến.
“Có một việc lãng phí mà tôi thấy rất ít các cuộc họp đề cập đến đó là lãng phí trong ăn uống, liên hoan”, ĐB Nguyễn Anh Trí nói và cho rằng, có lẽ nhiều người cảm thấy đây là vấn đề nhỏ, không đáng kể. Nhưng theo ĐB đoàn Hà Nội, đây là vấn đề rất lớn. Nêu thực tế các cuộc liên hoan, chiêu đãi… từ cấp huyện đến cấp tỉnh mình có dịp được dự, ông nhận thấy “hầu hết đều rất lãng phí”.
“Vẫn còn rất nhiều mâm cơm trị giá vài tạ thóc nhưng nhiều khi ăn chỉ đạt khoảng 50-60%, thậm chí có những mâm cơm chỉ ăn được 30%”, ĐB Nguyễn Anh Trí trăn trở. Từ những sự lãng phí đó, ĐB Nguyễn Anh Trí ao ước sẽ có một cuộc phát động rộng rãi, mạnh mẽ để thực hành tiết kiệm trong các cuộc liên hoan, tiệc chiêu đãi và tiết kiệm phải trở thành một lẽ sống.
"Trong chống lãng phí, phải đi xa hơn nữa, chỉ ra lãng phí ngay từ ý tưởng, dự định, chiến lược trong đầu tư, sử dụng", ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí cũng lấy ví dụ 2 bệnh viện ở Hà Nam là Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 và Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2. Khi xây 2 bệnh viện có ý kiến cho rằng xây ở cửa ngõ của TP Hà Nội, như vậy tất cả bệnh nhân từ Thanh Hóa, Nghệ An… sẽ không cần phải ra Hà Nội. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Anh Trí cho rằng, một gia đình có người ốm mà tìm lên tuyến trên thì trong kế hoạch của họ bao giờ cũng chọn tuyến cuối tốt nhất, họ sẽ chọn ra Hà Nội thay vì Hà Nam.

ĐB Nguyễn Thanh Sang (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC
Tại tổ TPHCM, ĐB Nguyễn Thanh Sang lưu ý, có rất nhiều tài sản, đặc biệt là các bất động sản giá trị lớn, các “khu đất vàng” vẫn đang bị đóng băng do nằm trong các vụ án. Tuy nhiên, có rất nhiều vụ án đã được ra xét xử, có bản án, có hiệu lực. Việc thu hồi tài sản, đưa vào thị trường sẽ góp phần tránh được lãng phí xã hội cực kỳ lớn. Thế nhưng, theo ĐB, dường như các cơ quan có liên quan vẫn ngần ngại, không đề xuất phương án giải quyết dứt điểm.
ĐB Nguyễn Thanh Sang nêu rõ: “Tôi thấy có vụ 2-3 năm qua có bản án rồi vẫn án binh bất động. Án tuyên chưa rõ thì yêu cầu tòa giải thích hoặc họp liên ngành giải quyết. Chứ cứ để những khu đất vàng nằm đó rất đáng tiếc”.