Lãng phí ruộng đất trong khi chờ đền bù

Từ một làng quê thuần nông với hơn 300 hộ dân chưa bao giờ biết đi mua gạo, bỗng một ngày những cánh đồng lúa bị phát hiện nhiễm mặn không thể canh tác. Diện tích cấy lúa còn lại cũng vội vàng bị thu hồi, dừng sản xuất để giao cho chủ đầu tư Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong (thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh).

Những cánh đồng bỏ hoang

Ông Đỗ Văn Nhả - thôn Vị Khê, xã Liên Vị, thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) có 6 sào ruộng trên 2 cánh đồng Khoa Học và Ruộng Thước (thôn Vị Khê). Đến nay đã hơn 1 năm, 6 sào ruộng của gia đình ông Nhả phải bỏ hoang, “dù nhà rất muốn gieo cấy”.

Ông Phạm Thanh Lang nuối tiếc những cánh đồng của gia đình, dù chưa có quyết định thu hồi đất đã phải dừng sản xuất. Ảnh: Nguyễn Quý

Ông Phạm Thanh Lang nuối tiếc những cánh đồng của gia đình, dù chưa có quyết định thu hồi đất đã phải dừng sản xuất. Ảnh: Nguyễn Quý

Ông Nhả cho biết: Đầu năm 2024, người dân thôn Vị Khê bắt đầu phát hiện lúa gieo cấy bị chết. Ban đầu người dân tưởng lúa bị sâu bệnh, nhiều nhà cấy đi cấy lại 3 đến 4 lần, nhưng rồi lúa vẫn chết hết. Mặc dù trước khi gieo cấy các hộ đều đã làm đồng rất cẩn thận bằng cách bơm, tháo nước trong ruộng nhiều lần, nhưng mạ sau khi gieo đều bị co rễ, khô lá rồi chết.

Ngay tại cánh đồng Cửa Làng (thôn Vị Khê) - một trong những cánh đồng mẫu lớn của thị xã Quảng Yên, cảnh đồng ruộng hoang tàn cũng diễn ra tương tự. Ông Phan Văn Bệ cho biết: Gia đình ông cấy nhóm giống lúa chất lượng cao, nhóm giống lúa đặc sản để cung cấp cho thị trường. Nhưng toàn bộ lúa gieo sạ đã bị chết hết.

Theo báo cáo của UBND xã Liên Vị, qua quá trình kiểm tra rà soát, có khoảng 24,5ha đất ruộng của 61 hộ dân thôn Vị Khê (19,6ha) và thôn Hàn (4,9ha) bị nhiễm mặn. Một phần nguyên nhân do ảnh hưởng của hoạt động bơm cát kèm theo nước mặn từ sông Rút để xây dựng hạ tầng của Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong gây ra.

Cho đến thời điểm hiện tại, đã qua 4 vụ lúa trắng tay, nhưng các hộ dân bị thiệt hại ở thôn Vị Khê mới chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần tiền thóc giống vụ Đông xuân năm 2023 - 2024.

“Số tiền hỗ trợ mua thóc giống quy ra thành tiền là 1 triệu đồng/sào chẳng thấm vào đâu, trong khi mua giống mới cũng không thể cấy lại được. Vậy còn 3 vụ không thể gieo cấy tiếp theo cho đến nay, chủ đầu tư khu công nghiệp không phải chịu trách nhiệm? Một số cánh đồng không bị nhiễm mặn khác, thị xã cũng ra thông báo thu hồi nốt để giao cho dự án Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong, sau đó cán bộ xã cũng yêu cầu người dân dừng gieo cấy trong khi chưa có quyết định thu hồi, chưa có phương án đền bù công khai, như vậy đúng hay sai?” - ông Phạm Thanh Lang - cán bộ hưu trí xã Liên Vị, nêu ý kiến.

Vội vàng yêu cầu dừng sản xuất?

Tìm hiểu tại UBND xã Liên Vị, từ ngày 12/4/2024, UBND thị xã Quảng Yên đã ra Thông báo số 93 về việc thu hồi đất để thực hiện Dự án Tổ hợp cảng biển và Khu công nghiệp tại khu vực đầm Nhà Mạc. Theo thông báo này, diện tích thu hồi đất tại xã Liên Vị là 18,54ha. Thông báo là căn cứ để UBND thị xã giao cho cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND xã Liên Vị tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Ngay sau khi nhận được thông báo, UBND xã Liên Vị đã tổ chức hội nghị tiếp xúc với người dân thôn Vị Khê. Tại hội nghị, lãnh đạo UBND xã đã yêu cầu người dân có diện tích đất canh tác nằm trong vùng dự án phải dừng sản xuất, chuẩn bị phối hợp với các cơ quan chuyên môn để tiến hành đo đạc, kiểm đếm.

Tại buổi làm việc với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, đại diện UBND xã Liên Vị cũng khẳng định, thông báo kể trên đồng nghĩa với việc người dân có diện tích đất trồng cây phải dừng sản xuất, không được tiếp tục gieo cấy trên diện tích nằm trong thông báo thu hồi.

Tuy nhiên, theo người dân thì thông báo thu hồi đất không hề yêu cầu người dân dừng sản xuất, mà chỉ nêu họ có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan chức năng, các đơn vị tư vấn có liên quan thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Liên quan đến vấn đề trên, luật sư Lê Hồng Huấn (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Theo khoản 6 Điều 76 Luật Đất đai 2024, quy định: “Đối với diện tích đất phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện hoặc phải thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất quy định tại khoản 4 Điều 67 của Luật này thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất nhưng không được xây dựng mới nhà ở, công trình, trồng mới cây lâu năm; người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan.”

Như vậy, theo quy định trên, khi có thông báo thu hồi đất sẽ không được xây dựng nhà ở, công trình, trồng cây mới lâu năm. Còn các quyền khác của chủ sử dụng đất vẫn được thực hiện.

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới việc liệu người dân thôn Vị Khê có bị thiệt thòi, khi qua 4 mùa vụ dừng sản xuất nhưng không được hỗ trợ đầy đủ, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Liên Vị nói: “Chúng tôi đã đề xuất chủ đầu tư Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong hỗ trợ cho các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi”.

Nguyễn Quý

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lang-phi-ruong-dat-trong-khi-cho-den-bu-10303936.html
Zalo